Đường dẫn truy cập

San Francisco thoáng qua…


San Francisco thoáng qua…
San Francisco thoáng qua…

Đó là một thành phố của nhiều thành phố.
Một chút “phố núi” Pleiku.
Một chút mù sương Đà Lạt.
Một chút gió biển Nha Trang.
Một chút phố Tàu trái cây Chợ Lớn.
Một chút vỉa hè Paris…
Một thành phố không ngủ….
Đêm sáng rực ánh đèn của đường Tự Do Sài Gòn những ngày trước 75. Những quán cà phê như nhà lồng ngó xuống mặt đường. Những tiệm ăn đặc biệt đủ mọi sắc tộc. Thành phố lúc nào cũng thở, đầy âm thanh, màu sắc, mùi vị,… rộn rã trong một trái tim cuồng nhiệt. Tôi cứ bước theo chân những người bạn trẻ, những người đã từng sống và trưởng thành trong thành phố này, những người biết rõ từng ngã tư đường, từng quán cà phê, từng góc phố, hiểu rõ cái bất thường thấm thía của thời tiết, cái nắng sáng, mưa trưa; cái lạnh chiều, buốt tối. Phố dốc ngược. Những bực cấp bắt ta “phải rướn người lên mới vươn tới được”.

Những con dốc ấy gợi lại trong trí nhớ tôi hình ảnh một Đà Lạt những ngày đầu tiên mới từ Sài Gòn lên. Mười tám tuổi. Chạy trốn một thành phố hào nhoáng xô bồ. Chạy trốn cái buồn bã cùng cực của một cuộc sống cô đơn không gia đình không lối thoát. Chạy trốn những câu hỏi thời cuộc không thấy câu trả lời. Chạy trốn sự dày vò của một trái tim quá nhạy cảm. Tôi chạy trốn chính tôi. … Và Đà Lạt đã chào đón tôi trong một buổi tối lạnh lẽo như cái lạnh lẽo mà giờ đây San Francisco đang chích vào cơ thể và trí tưởng tôi.

Quán cà phê ở San Fran mà hôm đó chúng tôi ngồi bên nhau tên gì nhỉ? Tôi đã gọi ngược lại Nguyễn Quý Đức để nhờ anh nhắc lại tên quán, con đường đã đi, cả cái câu ghi trên vách của nhà sách City Lights Books, nơi tôi đã dừng lại khá lâu để thở lại hơi thở của Allen Ginsberg, một trong những thi sĩ lớn, đương đại của Hoa Kỳ. Hình như, Đức nói, quán mang tên Vesuvio thì phải. Và con đường Columbus, có nhà sách City Lights Books, nơi tôi đã mua cuốn truyện Lồng Đèn Đỏ Treo Cao với hình bìa nữ tài tử Củng Lợi, sắc nước hương trời.

Có phải chính nơi đây, ngày 13 tháng 10 năm 1955, Ginsberg đã đọc bài thơ dài có tựa là Howl tại Gallery Six trước một cử tọa cuồng nhiệt? Bài thơ lập đi lập lại nhiều lần câu I’m with you in Rockland…

I’m with you in Rockland
where we hug and kiss the United States under
our bedsheets the United States that coughs all
night and won’t let us sleep
….

I’m with you in Rockland
in my dreams you walk dripping from a sea-
journey on the highway across America in tears
to the door of my cottage in the Western night

Bài thơ được Hiệu sách City Lights của Lawrence Ferlinghetti xuất bản năm 1956 dưới tựa Howl and Other Poems, khiến Ferlinghetti sau đó phải bị ra tòa với tội "văn hóa phẩm bẩn thỉu". Ngày 3 tháng 10, 1957, quan toà Clayton W. Horn phán bài thơ không phải sản phẩm khiêu dâm đồi trụy. Howl và Những bài thơ sau đó của Ginsberg trở thành bài thơ lừng danh của Beat Generation cùng với On The Road của Jack Kerouac (1957), và Naked Lunch của William S. Burroughs (1959).

Trang Wikipedia viết Ginsberg đã làm thay đổi giọng thơ Mỹ và trở thành bộ mặt trung tâm của trào lưu phản văn hóa thập niên 1960. Allen Ginsberg cũng tham gia những cuộc phản đối chính trị và đưa tinh thần ấy vào thơ (đòi quyền tự do, quyền của những kẻ yếu - nhất là những người đồng tính luyến ái, chống nhà nước, chống Chiến tranh Việt Nam và chống bom hạt nhân).

Chính ở đây tôi đã tìm thấy những cuốn sách có bài viết và những bản dịch sang tiếng Anh của Nguyễn Quí Đức. Sách làm tôi ngợp mắt. Căn phòng nhỏ chứa những cuốn sách lớn làm thành một thế giới kỳ lạ mà lòng tôi không bao giờ ngừng say mê. Chúng tôi leo lên căn gác nhỏ như cái chuồng chim bồ câu. Ghế cao, cửa sổ ngó xuống con hẻm mang tên Jack Kerouac. (Kerouac, nhà viết tiểu thuyết, gốc Canada-Pháp, cùng với thi sĩ Allen Ginsberg, là phát ngôn viên của phong trào tự phát của nhóm Beatnik vào những năm 50, nhằm chống lại những khuôn sáo của xã hội và lối sống Mỹ. Phong trào này thể hiện trong văn hóa bằng những tác phẩm vô chính phủ và cá nhân chủ nghĩa. J. Kerouac sống lang thang khắp nước Mỹ, làm đủ thứ nghề, từ lính thủy đến thợ đầu máy xe lửa, và cuộc sống của ông được phản ánh trong những tiểu thuyết nổi tiếng của ông như On The Road, The Dharma Bums…). Hẻm nhỏ, bức ảnh Jack Kerouac vẽ trên tường với dòng chữ “On January 25, 1988, the City of San Francisco approved by City Lights Books to rename 12 streets of San Francisco writers and artists, including this alley.” Nhưng tôi cũng lấy làm lạ tại sao trên vách nhà sách của con hẻm mang tên Jack Kerouac lại có vẽ thêm ảnh nhà thơ Pháp Charles Baudelaire lớn hơn ảnh J. Kerouac nhiều. Điều này tôi sẽ phải hỏi lại Đức mới được.

San Francisco, cũng như Paris, thật ra đối với tôi cũng chỉ là một thành phố tôi thấy thoáng qua. Tôi chưa kịp ghi nhận trong trí nhớ về con người và thời tiết, da thịt chưa đủ ngấm hết cái lạnh lẽo của gió biển Vịnh Cựu Kim Sơn, miệng chưa nếm hết những thức ăn quốc tế trên đường có “phố núi cao, phố núi mù sương”, tai chưa nghe hết cái âm thanh của xe cộ và con người trên đại lộ Columbus, mắt chưa nhìn thấy được cái vùng bóng tối của thành phố mà một người nhạc sĩ nào đó đã viết ca khúc “trái tim tôi bỏ lại ở Cựu Kim Sơn…”

Thế nhưng tôi biết chắc chắn một điều là mặc dù chỉ mới thoáng qua, San Francisco sẽ cùng với Sài Gòn, Nha Trang, Paris là những thành phố đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn. Khi Đức hỏi tôi thế Chủ nhật tới có định trở lại San Fran không, tôi đáp không do dự rằng, trước sau gì tôi cũng sẽ trở lại thôi. Bởi vì tôi nghĩ chắc chắn là tôi sẽ còn tới đó nhiều lần nữa. Bởi vì tôi biết là quãng đường từ San Jose đến San Fran xa có là bao. Ấy vậy mà, từ ngày trả lời câu hỏi của Đức đến nay đã trên 10 năm, tôi vẫn chưa một lần trở lại San Fran. Tại sao?

San Jose 18/01/2011

Viết thêm….

Khi tôi đọc lại lần cuối bài viết chuẩn bị cho móc lên blog thì cậu em Andrew email kể chuyện Chủ nhật 9 tháng 1 tuần trước cậu và mấy người bạn đã lên San Fran xem triển lãm tranh của Vincent Van Gogh tại viện bảo tàng de Young trong công viên Golden Gate. Cuộc triển lãm mang tên “Van Gogh, Gauguin, Cézanne and Beyond: Post-Impressionist Masterpieces from the Musée d’Orsay”. Theo Andrew đây là cuộc triển lãm phần hai những tác phẩm của trường phái Ấn tượng mà viện bảo tàng Orsay tại Paris cho de Young mượn trong khi viện bảo tàng này đang được trùng tu. Andrew viết cậu không tài nào diễn tả được nỗi xúc động khi chính mắt ngắm tranh thật, chứ không phải hình chụp lại, những tác phẩm lừng danh của Van Gogh như “Starry Night over The Rhone”, và “The Artist’s Room at Arles”. “Nếu anh đã lỡ mất 2 cơ hội vừa qua để xem tranh Ấn tượng, xin đừng bỏ qua cuộc triển lãm tranh của Picasso mang tên “Picasso: Masterpieces from The Musée National Picasso, Paris” sẽ được tổ chức tại viện bảo tàng de Young trong mùa hè này, từ ngày 11 tháng 6 đến ngày 25 tháng 9, năm 2011. Lần này, em sẽ đón anh đi! Nhớ lên lịch nhé!”

Vậy thì câu trả lời Tại Sao của tôi đã có. Thế nào mùa hè năm nay tôi cũng sẽ theo Anndrew lên San Fran xem tranh Picasso. Và chắc chắn là sẽ trở lại quán cà phê trên căn gác nhỏ ngó xuống con hẽm mang tên Jack Kerouac chụp lại chân dung Jack Kerouac và chân dung Charles Baudelaire, sau đó bước vào nhà sách City Lights Books ở đại lộ Columbus tìm mua tập thơ Howl and Other Poems của Allen Ginsberg, và…biết đâu sẽ tìm thấy một cuốn sách khác của một tác giả trẻ tuổi Việt Nam? Tại sao không?…[NXH]

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG