Đường dẫn truy cập

Về Những Trang Sách của Ông Vương Hồng Sển


Về Những Trang Sách của Ông Vương Hồng Sển
Về Những Trang Sách của Ông Vương Hồng Sển

Tối thứ Hai 1 tháng 11 trong khi theo dõi một show truyền hình, tình cờ được xem chương trình Antiques Roadshow Honolulu/Hawaii – Hour Three trên KPBS TV đài số 10. Thật ra trước đó đôi lần tôi cũng có thấy thoáng qua chương trình này, nhưng không thích thú mấy. Lần này – chương trình được phát lại từ lần phát hôm thứ Hai 20 tháng Chín, 2010 - tôi bỗng chú ý vì ngoài những người mang đến cái chén cổ, bức tranh xưa, chiếc bàn gỗ cũ, tủ sách, cây đàn vĩ cầm… tôi thấy có người mang một cuốn sách và lá thư của nhà văn Jack London đến Hawaii Convention Center để một chuyên gia thẩm định. Tác phẩm The Call of The Wild và lá thư viết tay của Jack London ấn bản đầu in năm 1903. Chuyên gia là ông Stephen Massey sau khi giải thích lịch sử cuốn sách và lá thư quý của nhà văn nổi tiếng Jack London đã cho biết trị giá của nó là khoảng từ $6,000 đến $8,500 MK. Tôi xin phép không nói về tác phẩm của Jack London, cũng không luận về giá tiền, tôi chỉ muốn nói một điều là khi xem chương trình Antiques Roadshow tôi bỗng liên tưởng tới ông Vương Hồng Sển: một người mê sách, một nhà khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học, từ điển học…theo như nhiều người viết về ông.

Trong Thay Lời Tựa cho cuốn Hơn Nửa Đời Hư, in năm 1992, ông Vương Hồng Sển cho biết ông có tánh ham mê đọc sách từ nhỏ. Ông gọi “sách là bạn cố tri trung thành”, ông coi cuốn sách là của riêng, “y như vợ nhà, và nếu thuở nay không đời nào ai cho mượn vợ, thì xin các bạn hiểu giùm vì sao tôi ít cho mượn sách.” Bởi vì chính ông, ông cũng không bao giờ mượn sách của ai, lý do theo ông, sách mượn phải đọc hối hả để mau trả, mà đọc hối hả thì mất thú. Khi nào lựa được một cuốn sách hay thì giá nào ông cũng phải mua cho bằng được. Ông viết: “Khi đọc và lúc cao hứng, tôi thường ghi lại bên lề trang sách những cảm tưởng nhứt thời, không khác được tỉ tê tâm sự với một bạn cố giao bằng xương bằng thịt.”

Về cách đọc sách, ông cho biết ông đọc chậm rãi, không tiếc thì giờ bỏ ra cho việc đọc sách. Nhưng cũng có khi ông đọc “ngấu nghiến còn hơn bồ câu ra ràng nuốt mồi không kịp đút,… y như chó gặm xương, như mèo mới sanh được mẹ nhường mồi dạy ăn, vừa ngừ nghè sợ mất mồi, vừa gầm gừ tiếng rên nho nhỏ vì khoái trá và vì sợ miếng ngon chóng hết hoặc anh chị nào đồng lứa sắp giựt phỏng trong mồm.” Ông viết “cũng vì tật ham đọc sách hay, đọc quên ăn, quên ngủ, thậm chí có khi quên cả phận sự buồng the, cho nên chỉ tồn đã hai phen bị giựt vợ, bị cắm sừng mà không tởn.” [Sđd. Tr 7]

Ông Vương Hồng Sển có thú chơi sách đặc biệt. Mỗi khi có một cuốn sách mới xuất bản mà ông quan tâm, ông luôn luôn mua 2 cuốn. Ông đánh số và ghi vào sổ bộ hẳn hoi, theo cách thức của thư viện, để dễ tra cứu. Một cuốn để lưu trữ, trưng bày trong hàng chục tủ sách đặc biệt có cửa kính, để giữ cho cuốn sách luôn mới. Còn cuốn thứ hai thì ông dùng để đọc. Mọi người thường ngồi ghế hoặc nằm trên giường, trên ghế trường kỷ, ghế sô-pha để đọc sách. Riêng ông Vương có thói quen nằm võng đọc sách. Ông nói, vừa đu đưa chiếc võng, vừa đọc sách, vừa nghiền ngẫm, ông cảm thấy là rất thú vị.

Ông Vương lưu trữ gần đủ các ấn bản Truyện Kiều của Nguyễn Du, in ở trong nước và ở nước ngoài, kể cả các bản dịch ra tiếng ngoại quốc. Cuốn Thú Chơi Sách của ông xuất bản năm 1962 liệt kê có tất cả 26 ấn bản Truyện Kiều đang được lưu trữ tại “thư viện” của ông vào năm đó.

Ông có thói quen đánh máy các bản thảo với cái máy chữ cũ kỹ sắm hồi thời Tây. Ông ít khi viết nháp bằng tay.

*

Có thể nói, ngoài việc mê sách, chơi sách, ông Vương Hồng Sển còn là người chịu khó sưu tập những bài báo và các tài liệu liên quan đến những nhân vật đã nổi tiếng và chưa nổi tiếng mà ông quan tâm. Ông mở một hồ sơ cá nhân cho mỗi người. Khi cần tiểu sử, thành tích và sự nghiệp của một người nào đó thì ông có tài liệu ngay tại nhà. Từ nhiều năm, ông sưu tầm và thâu thập những phương ngữ Miền Nam, mỗi từ ghi chép vào một phiếu cứng, xếp theo thứ tự ABC. Nhờ vậy mà khi ông qu‎yết định biên soạn cuốn Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam thì công trình của ông xem gần như hoàn tất.

Trong cuốn Hơn Nửa Đời Hư, ông Vương thổ lộ đời của ông, cái gì cũng cũ, cũng vá víu, cũng tạm bợ: nhà, thì mua xác nhà cũ, sửa chữa lại, nhưng ở cho đến nay; vợ thì chắp nối, mà ăn đời ở kiếp. Về sách vở, đĩa hát và đồ cổ, … thì càng đúng hơn. Ông viết:

“Đồ cổ, xem lại hết sức chung tình với tôi. …. Mua tháng này một cái dĩa mồ côi. Vài ba tháng sau, năm khi mười họa, gặp, mua cái chén lẻ bộ, lần hồi bỗng hoá ra đủ bộ: dầm, bàn, tống, tốt. Dầm: dĩa nhỏ; bàn: dĩa lớn; tống: chén lớn để dầm trà; tốt hay quân: chén để uống trà. Duyên may không hẹn, nghệ thuật chơi đồ cổ là nghệ thuật vá víu…

Còn sách, những cuốn nào ưng bụng, toàn là sách sưu tập đắt tiền, cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa, đùng một cái, sách bị liệt vào loại giữ trong nhà có tội. Thôi thì gạt nước mắt, ký cô thác tử, còn có nước đem gởi nó cho người ta cất giữ, mấy lúc canh khuya nhớ sách muốn có để đọc chơi vài trang, thì sách nó ở xa mấy cây số ngàn, cầm bằng “liều con như trong tháng đứt nôi”. Còn lại mấy cuốn hợp lệ “cho phép để trong nhà”, xem đi xem lại, đó là sách toán, sách dạy nấu ăn, thế thì hãy theo Chệc ve chai, ở đây chi chướng mắt.

Còn lại những cuốn kia: ôm về từ Paris từ năm 1963; cắp ca cắp củm giấu kỹ. Toàn là sách in ở Hà Nội, xuất bản do nhà Khoa học, Sử học, Văn hoá ngoài ấy. Xưa chúng là quí, là hiếm có, là quốc cấm. Giữ được mới là tài. Nay chúng bây thuộc loại hợp lệ, ai ai cũng có, tao giữ bây làm chi? Một ngày nào túng tiền, tao sẽ gã chúng bây cho Chệc ve chai, rồi tao sẽ khóc, vì không có sách làm sao tao sống? Đã nói, tao là thằng không làm hôn thú với người vợ chung tình, và từ lúc nếm mùi tân khổ, tao ghét những gì hợp lệ…”* [sđd, tr. 655-656]

Tôi thích sự thành thật của ông Vương. Nó cho thấy đời ông gắn liền với những gì xưa, cũ và «bất hợp lệ…”.

Trong cuốn Sài Gòn Tạp Pín Lù, ông Vương viết: “…Sài Gòn Năm Xưa là sách viết để chạy gạo, để kiếm cơm, vì năm xưa ấy, vô làm công nhựt trong viện bảo tàng sở thú, lương ít quá, không đủ nuôi vợ con, nên buộc phải viết, chớ dám thề độc, không lòng lên mặt ‘khảo cứu’ chút nào. Bây giờ, biết lại, hối quá, nhưng đã trễ rồi. Từ ngày có bậc đàn anh vô đây giải phóng, bảo Sài Gòn Năm Xưa viết không khoa học, không trật tự, và thường hay lập đi lập lại nhiều lần, nhiều đến không biết bao nhiêu mà đếm.” (Biểu viết lại, nhưng biết sống bao lâu mà làm?) – (Sđd tr. 95).

Thật ra, ai đọc những trang sách của ông Vương - bất cứ cuốn nào, chứ chẳng riêng gì cuốn Sài Gòn Năm Xưa - đều thấy ông Vương đúng là người viết “không khoa học, không trật tự, và thường lập đi lập lại”,…. Trong mục Tác giả, năm 1983, tự nhận lỗi và tự phê bình (sđd tr. 94), ông Vương biện minh rằng bản tánh ông xưa nay “không gò gẫm, không ‘hành văn’ và chỉ viết như nói thôi. »

Nói là tự nhận lỗi, nhưng thật ra là ông Vương tự biện minh. Và rõ ràng, càng biện minh ông càng cho thấy ông coi thường người đọc khi ông viết: «Nói thì phải nói đi nói lại, có vậy hoạ may lời nói sẽ in sâu vào tai người nghe, và lập lại là sự thường, khó tránh và cũng ‘cố tình không muốn tránh’.”

Sự khiêm tốn của ông Vương có một, nhưng lòng kiêu căng của ông có tới mười. Trước 1975, tôi có đôi lần gặp ông Vương. Và mặc dù không thích cách viết của ông, tôi vẫn luôn bày tỏ lòng kính trọng ông. Tôi không thích cách viết của ông: dài dòng, lê thê, đầy tĩnh từ và lập lời lập ý như một bà già khó tính khi dạy dỗ la rầy con cháu! Tôi thường bỏ giữa chừng những trang sách của ông. Tôi nghĩ, - và có lúc đã nói với anh Trần Phong Giao là nếu ông Vương cho phép tôi biên tập những cuốn sách của ông – ví dụ cuốn Sài Gòn Năm Xưa, 330 tr., tôi có thể viết gọn lại chừng 200 tr. mà không sợ phản bội tác giả. Trần Phong Giao đồng ý, nhưng anh nói, cậu không nên đụng vào ông ấy, đến như ông Nguyễn Hiến Lê mà còn bảo hãy đứng xa ông Vương ra một bước! Liệu cái thần hồn cậu! Tôi kể lại chuyện này chỉ muốn nói một điều, người đọc sách Sài Gòn dù trân trọng kiến thức [về hiểu biết của một “người chơi cổ ngoạn”] của họ Vương, vẫn nhận ra tính chất thiếu khoa học, vô trật tự và sự lập đi lập lại nhiều lời với chỉ một ý… của ông, chứ không cần phải chờ đến sau tháng Tư 1975, “Từ ngày có bậc đàn anh vô đây giải phóng…” mới nhận ra điều ấy nơi ông.

Ông không thể coi thường những người đọc sách ông trong nửa miền Nam của đất nước trước đây. Người đọc yêu mến tài năng “khảo cổ” của ông, quý phục kinh nghiệm trường đời của ông, kính trọng tuổi tác của một bậc lão thành trong làng văn trận bút của ông… nhưng điều đó không có nghĩa là người ta không nhìn ra sự lê thê, luôm thuộm, rề rà, không trong sáng trong bút pháp của ông. Dù sao, tôi nghĩ, nên đọc những trang sách của ông Vương với một nụ cười.

Hy vọng được nghe nhiều tiếng nói khác của người đọc chúng ta. [NXH]

* Ông Vương Hồng Sển là hậu duệ người Trung Hoa, lưu dân Triều Châu, đến định cư tại Miền Nam Việt Nam từ cuối thế kỷ 17. Ông sanh tại Sốc Trăng [chữ Sốc Trăng, ông Vương luôn viết có dấu ^] ngày 27 tháng 9 âm lịch, Nhâm Dần (1902), nhưng trên giấy thế vì khai sanh được ghi ngày 4-11-1904. Tên của ông theo tiếng Hán-Việt là Vương Hồng Thịnh. Người Hoa đọc Thịnh là Sển. Trong đơn xin thi thiết lập giấy thế vì khai sanh, gia đình ghi là Vương Hồng Sển.

Năm 1923, ông Vương tốt nghiệp trường trung học Chasseloup Laubat tại Sài Gòn. Ra trường, ông làm công chức tại nhiều nơi, Sài Gòn, Sốc Trăng, Cần Thơ. Chức vụ cuối cùng trong đời công chức của ông là quản thủ bảo tàng viện Blanchard de la Brosse (trong khuôn viên Thảo cầm viên Sài Gòn) từ năm 1948 đến 1964.

Ông Vương Hồng Sển từ trần ngày 9-12-1996 tại Sài Gòn, hưởng thọ 92 tuổi, được an táng tại Sốc Trăng.

Ông đã sống gần trọn chiều dài của thế kỷ 20 và là tác giả của một số tác phẩm tiêu biểu:

- Sài Gòn Năm Xưa, in lần đầu 1960 [226 tr.], tái bản năm 1969 [328tr.]
- Thú Chơi Sách, 1960 [167tr.]
- Hồi Ký 50 Năm Mê Hát, 1968 [254tr.]
- Phong Lưu Cũ Mới, 1970 [310 tr.]
- Chuyện Cười Cổ Nhân, 1971 [253 tr.]
- Hiếu Cổ Đặc San, gồm 9 cuốn về đồ sứ men lam Huế, 1970-1972, nhưng chỉ in được có 6 cuốn.
- Hơn Nửa Đời Hư, 1992 [684 tr.]
- Sài gòn Tạp Pín Lù, 1992 [160 tr.]
- Nửa Đời Còn Lại, 1996 [434 tr.]
- Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam, 1994.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG