Đường dẫn truy cập

RSF: Các chính phủ chưa làm đủ để bảo vệ quyền tự do báo chí


Bản đồ về Tự do Báo chí do Tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF công bố ngày 3/5/2024. Màu xanh lá cây là tốt. Màu đỏ đậm là rất khắc nghiệt.
Bản đồ về Tự do Báo chí do Tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF công bố ngày 3/5/2024. Màu xanh lá cây là tốt. Màu đỏ đậm là rất khắc nghiệt.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF trong phúc trình ngày 3/5 nói các mối đe dọa từ chính phủ và giới làm luật nằm trong số những thách thức đáng lo nhất đối với các nhà báo trên toàn thế giới.

Cơ quan giám sát truyền thông này cho biết khi công bố Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới hàng năm rằng ngày càng có nhiều chính phủ và cơ quan chính trị không ủng hộ và tôn trọng quyền tự do báo chí.

Bảng xếp hạng này xem xét các yếu tố chính trị, pháp lý và kinh tế ảnh hưởng đến truyền thông cũng như tình hình an ninh cho các nhà báo ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sau đó, mỗi yếu tố sẽ được cho một điểm số, trong đó số 1 thể hiện môi trường tốt nhất.

RSF cho biết lĩnh vực chính trị đã chứng kiến sự suy giảm lớn nhất về quyền tự do báo chí ở tất cả các khu vực.

Ông Clayton Weimers, người đứng đầu Văn phòng của tổ chức RSF tại Hoa Kỳ, nói với VOA: “Các tổ chức chính trị bạo dạo hơn trong việc hạ nhục truyền thông, bôi bẩn báo chí, tấn công các thành viên cá nhân của báo chí và nhà báo, tìm cách vũ khí hoá các tổ chức chính phủ chống lại các hãng tin tư nhân chỉ trích họ.”

Theo RSF, xu hướng đó càng đáng lo ngại hơn trong năm 2024 này khi hàng chục nước chuẩn bị tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia. Các cuộc bầu cử thường xảy ra bạo lực chống lại các nhà báo và các hạn chế khác đối với quyền tự do báo chí.

Ông Weimers cho biết Argentina đã trải qua một trong những đợt suy giảm lớn nhất về quyền tự do báo chí so với năm ngoái. Nước này tụt từ vị trí thứ 40 xuống thứ 66 trên bảng chỉ số.

Sự sụt giảm phần lớn là do việc Tổng thống Javier Milei đắc cử, “người đã công khai thù địch với giới truyền thông, đã cắt tài trợ cho các phương tiện truyền thông đại chúng ở Argentina và đang dẫn đầu cáo buộc phỉ báng báo chí,” ông Weimers nói.

Theo RSF, hành động của ông Milei chống lại giới truyền thông nhấn mạnh một hiện tượng rộng lớn hơn trong đó các quốc gia và các lực lượng chính trị khác đang đóng vai trò ngày càng giảm trong việc bảo vệ quyền tự do báo chí.

Tòa đại sứ Argentina ở Washington không trả lời email yêu cầu bình luận của VOA.

Na Uy duy trì vị thế là quốc gia hàng đầu trên thế giới về tự do báo chí. Các quốc gia khác trong top 5 bao gồm Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan và Phần Lan.

Đứng cuối danh sách là Iran, Triều Tiên, Afghanistan, Syria và Eritrea.

Hoa Kỳ tụt 10 bậc xuống vị trí thứ 55 do các vụ bắt giữ nhà báo và cuộc đột kích của cảnh sát vào một tờ báo ở Kansas năm ngoái.

Bà Emily Wilkins, chủ tịch Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington, cho biết thật đáng lo ngại khi thấy quyền tự do báo chí đang bị đe dọa ở Hoa Kỳ. Bà chỉ ra những lời lẽ có hại từ các chính trị gia là một mối lo ngại cụ thể.

Việc Nga tăng 2 điểm lên vị trí thứ 162 dù RSF cho biết điểm tự do báo chí toàn cầu của Nga thực sự đã trở nên tồi tệ hơn - nhưng các quốc gia khác thậm chí còn tụt hạng nhiều hơn.

Các yếu tố góp phần vào sự suy giảm đó là việc Nga bỏ tù các nhà báo, trong đó có hai người Mỹ.

Ông Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal đã bị bỏ tù kể từ tháng 3 năm 2023 vì tội gián điệp mà ông, người chủ của ông và chính phủ Hoa Kỳ đều phủ nhận. Bộ Ngoại giao cũng tuyên bố người đàn ông 32 tuổi này bị bắt giữ trái pháp luật.

Bà Alsu Kurmasheva, biên tập viên của đài Tự do Châu Âu đã bị bỏ tù kể từ tháng 10 năm 2023 với cáo buộc không tự đăng ký với tư cách là “đặc vụ nước ngoài” và truyền bá những gì Moscow coi là thông tin sai lệch về quân đội Nga. Bà và đài Tự do Châu Âu bác bỏ các cáo buộc đó.

Các nhóm tự do báo chí đã chỉ trích Bộ Ngoại giao Mỹ vì đã không tuyên bố bà Kurmasheva bị giam giữ sai trái. Việc chỉ định này sẽ mở ra các nguồn lực bổ sung để giúp đảm bảo việc phóng thích bà.

“Điều rất quan trọng là Bộ Ngoại giao phải tiến hành và tuyên bố bà ấy bị giam giữ sai trái. Tôi nghĩ nhiều người trong cộng đồng báo chí chúng tôi rất lo ngại rằng điều đó vẫn chưa xảy ra,” bà Wilkins nói.

Các quan chức Bộ Ngoại giao vẫn đang quyết định có nên tuyên bố bà Kurmasheva bị bắt giữ sai trái hay không, ông Roger Carstens, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về các vấn đề con tin, nói với các phóng viên hồi tháng Tư.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao trước đây nói với đài VOA: “Bộ Ngoại giao liên tục xem xét các tình huống xung quanh việc giam giữ công dân Mỹ ở nước ngoài, bao gồm cả những người ở Nga, để tìm những dấu hiệu cho thấy họ bị giam giữ sai trái”.

Trung Quốc, nước bỏ tù tồi tệ nhất đối với các nhà báo trên thế giới, vẫn đứng cuối bảng xếp hạng ở vị trí thứ 172.

Ông Weimers nói: “Chúng tôi rất lo ngại rằng Trung Quốc đang tự biến mình thành một hình mẫu xuất khẩu cho các giá trị phản dân chủ nhằm kìm hãm quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận”.

Ukraine vươn lên 18 bậc ở hạng 61 và tại Nam Mỹ, Chi Lê lên 31 bậc, ở vị trí 52.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG