Đường dẫn truy cập

Reuters: TQ ép EU bỏ chỉ trích về thông tin xuyên tạc liên quan tới dịch COVID


Trung Quốc đã tìm cách chặn một báo cáo của Liên minh Châu Âu cáo buộc rằng Bắc Kinh đang lan truyền thông tin xuyên tạc về vụ bùng phát virus corona, Reuters đưa tin, dẫn lời bốn nguồn tin và thư tín ngoại giao mà hãng tin này đã xem qua.

Báo cáo cuối cùng đã được công bố, dù ngay trước khi bắt đầu thời điểm cuối tuần ở Châu Âu. Một số chỉ trích nhắm vào chính phủ Trung Quốc đã được sắp xếp lại hoặc gỡ bỏ trong một dấu hiệu cho thấy Brussels đang cố gắng giữ thăng bằng trong khi dịch virus corona làm xáo trộn các quan hệ quốc tế, Reuters nói.

Phái bộ Trung Quốc tại EU không bình luận ngay lập tức và Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phản hồi ngay lập tức các câu hỏi được gửi qua fax về sự trao đổi này, Reuters cho biết thêm. Một phát ngôn viên của EU nói, “chúng tôi không bao giờ bình luận về nội dung hoặc điều được nói là nội dung của các cuộc tiếp xúc ngoại giao nội bộ và liên lạc với các đối tác từ các quốc gia khác.” Một quan chức khác của EU nói báo cáo về thông tin xuyên tạc đã được công bố như thường lệ và phủ nhận bất kì thông tin nào đã bị lược bỏ.

Bốn nguồn tin ngoại giao nói với Reuters rằng báo cáo ban đầu dự kiến công bố vào ngày 21 tháng 4 nhưng đã bị trì hoãn sau khi các quan chức Trung Quốc biết về một bản tin của Politico cho biết trước những kết luận của báo cáo.

Một quan chức Trung Quốc cao cấp đã liên lạc với các quan chức Châu Âu tại Bắc Kinh cùng ngày để nói với họ rằng, “nếu báo cáo đúng như mô tả và được công bố hôm nay thì sẽ rất bất lợi cho sự hợp tác,” theo một thư tín ngoại giao EU mà Reuters đã xem qua.

Thư này dẫn lời quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Yang Xiaoguang nói rằng việc công bố báo cáo này sẽ khiến Bắc Kinh “rất tức giận” và cáo buộc các quan chức Châu Âu tìm cách “chiều lòng người khác” - một điều mà các nhà ngoại giao EU hiểu là có ý nói tới Washington.

Bốn nguồn tin cho biết báo cáo đã bị trì hoãn vì cảnh báo đó. Reuters cho biết họ đối chiếu phiên bản nội bộ và phiên bản cuối cùng được công bố vào cuối ngày thứ Sáu thì nhận thấy một số khác biệt.

Ví dụ, trên trang đầu tiên của báo cáo nội bộ được chia sẻ với các chính phủ EU vào ngày 20 tháng 4, bộ phận chính sách đối ngoại của EU nói: “Trung Quốc vẫn tiếp tục vận hành một chiến dịch thông tin xuyên tạc toàn cầu nhằm đùn đẩy trách nhiệm về vụ bùng phát đại dịch và cải thiện hình ảnh quốc tế của mình. Quan sát cho thấy có các chiến thuật cả công khai lẫn bí mật.”

Bản tóm tắt công khai được đăng vào ngày thứ Sáu trên cổng thông tin của khối về thông tin xuyên tạc, euvsdisinfo.eu, nói rằng thông tin xuyên tạc đến từ “các nguồn được nhà nước hậu thuẫn từ các chính phủ khác nhau, bao gồm cả Nga và - ở mức độ thấp hơn - Trung Quốc.”

Bản tóm tắt công khai có lưu ý “những bằng chứng đáng kể cho thấy các hoạt động bí mật của Trung Quốc trên mạng xã hội,” nhưng chi tiết này bị đẩy xuống sáu đoạn cuối của tài liệu.

Thông tin xuyên tạc về vụ bùng phát virus corona đang nổi lên như một điểm nóng giữa Mỹ và Trung Quốc, và các quan chức của cả hai nước đã cáo buộc lẫn nhau che giấu thông tin về đại dịch.

Tranh cãi đôi khi khiến Châu Âu kẹt ở giữa. Với hơn một tỉ euro thương mại song phương hàng ngày, EU là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ là thị trường lớn nhất cho hàng hóa và dịch vụ của EU.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG