Đường dẫn truy cập

Jane Addams và giấc mơ về một thế giới hòa bình


Nhà cải cách xã hội Jane Addams đã tranh đấu không ngưng nghỉ cho nữ quyền, quyền lao động và các quyền công dân, quyền tự do ngôn luận và cho hòa bình thế giới
Nhà cải cách xã hội Jane Addams đã tranh đấu không ngưng nghỉ cho nữ quyền, quyền lao động và các quyền công dân, quyền tự do ngôn luận và cho hòa bình thế giới

26 tháng Tám đánh dấu 90 năm ngày thông qua tu chính án thứ 19 của bản hiến pháp Hoa Kỳ, trao cho phụ nữ quyền bầu cử. Một trong những anh thư của phong trào tranh đấu cho quyền đầu phiếu của phụ nữ là bà Jane Addams. Trong suốt cuộc đời bà đã tranh đấu không ngưng nghỉ, không chỉ cho nữ quyền, mà còn cho quyền lao động và các quyền công dân, quyền tự do ngôn luận và cho hòa bình thế giới. Trong một cuốn tiểu sử mới có tên là :” Jane Addams: Spririt in Action”, sử gia Louise W. Knight cung cấp một bức tranh toàn cảnh đầu tiên về nhân vật tranh đấu kiêm triết gia và nhà cải tạo xã hội này.

Trong khoảng thời gian cuối thế kỷ thứ 19 - đầu thế kỷ thứ 20, bỏ phiếu chọn người đại diện còn là một giấc mơ xa vời đối với phụ nữ tại Hoa Kỳ. Cùng với hàng ngàn phụ nữ tiến bộ khác, bà Jane Addams đã cố gắng tranh đấu để biến giấc mơ xa vời đó thành hiện thực.

Sử gia Knight giải thích: “Bà Adddams đã tham gia vào phong trào tranh đấu năm 1897, khi bà đọc bài diễn văn cổ võ cho quyền bầu cử của phụ nữ. Năm 1906 bà tham gia cuộc họp đầu tiên của Hiệp Hội Toàn Quốc tranh đấu cho Quyền bầu cử của Phụ nữ Hoa Kỳ.”

Bà đã giữ chức vụ Phó chủ tịch Hiệp hội từ năm 1911 đến năm 1914. Bà đi khắp nước, đọc diễn văn và viết các bài tham luận về quyền bầu cử, và khi tu chính án thứ 19 được thông qua năm 1920 và phụ nữ được quyền đi bầu, bà Addams trở thành một thành viên của Liên đoàn Nữ cử tri, để giúp phụ nữ hiểu biết về các ứng cử viên và những đề tài được đưa ra tranh cãi trong cuộc bầu cử.

Sử gia Knight nói rằng cuộc tranh đấu cho quyền bầu cử của phụ nữ là một phần của một cuộc vận động rộng lớn hơn: đó là những quyền tự do công dân.

Trong cuốn sách, sử gia Knight đã theo dõi các cuộc tranh đấu của bà Addams trong tư cách một người tổ chức từ gốc rễ. Những thành quả của bà gồm việc thành lập Hull House, một cơ sở định cư đầu tiên cung cấp cơ hội học vấn và xã hội cho các di dân.

Bà là đồng sáng lập viên của nghiệp đoàn lao động phụ nữ toàn quốc đầu tiên và hai tổ chức dân quyền quan trọng. Bà cũng vận động hành lang để đòi giới hạn giờ làm việc chỉ 8 tiếng một ngày và chấm dứt nạn sử dụng lao động trẻ em.

Điều làm cho sử gia Louise Knight hết sức thích thú là làm sao mà bà Addams, sinh trưởng trong nhung lụa, lại có thể cảm thông với giai cấp công nhân lầm than và nhiệt tình tranh đấu cho quyền lợi của họ.

Sử gia này giải thích: "Bà thực sự tin rằng bạn phải hiểu người cặn kẽ xem nhãn quan của họ về thế giới như thế nào và đó là cách duy nhất mà bạn có thể là một công dân dân chủ đích thực. Ý tưởng này có đôi chút cực đoan. Và bà đã đến sống ở một khu phố của giai cấp công nhân, đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ cũng như bối cảnh sống và kinh nghiệm làm việc trong hầu hết quãng đời trưởng thành của bà, giao du, quen biết và làm bạn với những người thuộc giai cấp hoàn toàn khác hẳn với giai cấp mà bà xuất thân."

Đó là một trong những kinh nghiệm đã khiến bà Addams chuyển đổi từ một con người lý tưởng sống trong mơ trở thành một trong những nhà cải tạo hữu hiệu và thực dụng nhất của quốc gia.

Bà còn là một người gắn bó với chủ thuyết hòa bình, và vẫn thẳng thắn phát biểu quan điểm chống chiến tranh, coi chiến tranh là một sự xúc phạm đối với tính thiêng liêng của đời sống.

Sử gia Knight cho biết bà Adddams đã cố gắng cùng các phụ nữ khác vận động để kết thúc thế chiến thứ nhất.

Sử gia Knight thuật lại như sau: ”Phụ nữ ở cả hai bên chiến tuyến đã họp với nhau ở La Haye, Hà Lan, năm 1915 trong khi cuộc chiến đang diễn tiến. Họ thực sự can đảm, và họ tự nhủ là cần phải làm điều gì đó để ngưng cuộc chiến. Họ đã cố gắng nhưng dĩ nhiên đã không thành công. Sau khi chiến tranh kết thúc, các phụ nữ này lại mở cuộc họp, đổi tên tổ chức của họ thành Liên Hiệp Phụ Nữ Quốc Tế Tranh Đấu cho Hòa Bình và Tự Do, một tổ chức quốc tế hiện vẫn có trụ sở ở Geneve và có chi nhánh khắp thế giới.

Sự dấn thân của bà Addams cho những nhu cầu của người khác và những nỗ lực quốc tế vận động cho hòa bình của bà đã được công nhận năm 1931 khi bà trở thành phụ nữ Hoa Kỳ đầu tiên được trao giải Nobel hòa bình.

Theo sử gia Knight, nếu như còn sống đến ngày nay, bà Addams sẽ hối thúc nữ giới trên toàn cầu hãy cùng nhau kết hợp thành một lực lượng tranh đấu cho hòa bình.

Sử gia Knight nói rằng bà Addams không định nghĩa hòa bình là sự vắng bóng của chiến tranh, mà là “mở ra những tiến trình khắp thế giới hướng tới việc nuôi dưỡng đời sống con người”, qua đó bà thực sự muốn nói: thực là điều lầm lẫn khi coi một số người nào đó là thấp kém hơn, dựa vào phái tính, sắc tộc hay chủng tộc hoặc giai cấp. Vì vậy bà cho rằng người ta có thể thăng tiến hòa bình bằng cách giải quyết các vấn đề đó cũng như giải quyết các vấn đề chiến tranh.

Ngày 6 tháng 9 tới sẽ là ngày sinh nhật thứ 150 của bà Addams. Cuốn tiểu sử “Jane Addams: Spirit in Action” của sử gia Louise Knight nằm trong khuôn khổ của việc cử hành lễ mừng đó.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG