Đường dẫn truy cập

Quyền tự do ngôn luận ở Nga đang dần bị xói mòn


Các thành viên của nhóm nhạc nữ Pussy Riot được hộ tống tới phòng xử ở Moscow, Nga, ngày 17/8/2012
Các thành viên của nhóm nhạc nữ Pussy Riot được hộ tống tới phòng xử ở Moscow, Nga, ngày 17/8/2012
Phiên tòa xét xử “hành vi côn đồ” của 3 thành viên nhóm nhạc punk, những người dàn dựng tiết mục biểu diễn phản đối tại một giáo đường Chính thống giáo Nga, đã làm tổn hại đến hình ảnh của Nga nếu xét từ phản ứng quốc tế. Phiên tòa này cũng cho thấy ảnh hưởng sâu rộng của Giáo hội Chính thống ở Nga. Ba người phụ nữ của nhóm nhạc có tên là "Pussy Riot" đã bị kết tội và tuyên án hai năm tù giam vào hôm thứ Sáu do biểu diễn một bài hát dưới hình thức một lời cầu nguyện lật đổ Tổng thống Vladimir Putin. Thông tín viên VOA Rizwan Syed từ London cho biết các chuyên gia nói rằng vụ việc này làm suy yếu quyền tự do ngôn luận ở Nga.

Các nhà phân tích cho rằng phiên tòa và bản án là bằng chứng cho thấy chính phủ Nga sẽ tiếp tục tìm cách bịt miệng giới bất đồng chính kiến trong tương lai.

Ông James Nixey là một nhà phân tích thuộc Học viện Hoàng gia về các Vấn đề Quốc tế, còn gọi là viện nghiên cứu Chatham House. Ông đưa ra một định nghĩa về tự do ngôn luận kiểu Moscow như sau:

"Việc phê bình chỉ trích được cho phép, nhưng một khi việc này phổ biến quá rộng rãi hoặc nhắm vào cá nhân quá nhiều thì không được phép. Đặc biệt là khi những lời chỉ trích nhắm vào tổng thống, tài sản cá nhân của ông, hoặc giả như vấn đề tham nhũng hay phạm tội trong hàng ngũ cấp cao của chế độ thì nhà nước bắt đầu đàn áp. Nói cách khác, tự do ngôn luận có giới hạn."

Nixey nói Tổng thống Putin, một cựu quan chức của cơ quan tình báo KGB, đang lèo lái nước Nga trở về lối cai trị từ thời Xô Viết cũ.

"Ông ấy nắm quyền đã 13 năm nay rồi và Nga không thực sự thay đổi gì mấy, theo hướng trở thành một xã hội đa nguyên hơn. Nước Nga không phải đang trên đường trở thành một phần của phương Tây mà ở nhiều mặt đang lùi trở lại thời kỳ Liên Xô. Nước Nga đang kiến tạo nên một cấu trúc riêng cho mình ngay trong khoảng trống của thời kỳ hậu Xô Viết, và do đó nước Nga bây giờ rất phù hợp với tư tưởng của ông Putin về một quốc gia mang tính kế tục Liên Xô.”

Ba phụ nữ thuộc nhóm nhạc punk “Pussy Riot” bị kết án hai năm tù giam vì đứng trên bàn thờ của giáo đường Chính thống giáo lớn nhất Moscow hát phản đối ông Putin sáu tháng trước. Marina Syrova, thẩm phán tuyên bố họ có tội, nói cáo trạng "hành vi côn đồ" là hợp lý vì những người này "phá hoại trật tự xã hội một cách thô bỉ" qua hành động phản đối của họ, vốn bị kích động bởi sự thù ghét tôn giáo.

Ba phụ nữ này nói hành động của họ nhằm minh họa lại sự ủng hộ mạnh mẽ về mặt chính trị của Giáo hội Chính thống Nga dành cho ông Putin, lúc đó vẫn chưa tái đắc cử tổng thống.

Ông Nixey cho biết kết cục của vụ án sẽ khuyến khích chính phủ Nga tiếp tục truy tố giới bất đồng chính kiến.

"Tôi nghĩ giờ đây không ai biết được một số lãnh đạo đối lập của Nga còn được tự do hoạt động đến mức độ nào. Có khả năng vụ ‘Pussy Riot’ hiện tại sẽ làm cho chính quyền vững tin rằng họ có thể tùy tiện tống giam những người chỉ trích mà không sợ phải gặp trở ngại nào."

Bà Susan Larsen giảng dạy về văn hóa Nga tại Đại học Cambridge cho rằng, chính phủ của ông Putin đang mạnh mẽ củng cố quyền lực của mình thông qua liên minh với Giáo hội Chính thống Nga.

"Chính thể kiểu Putin này đang thao túng luật pháp nhằm duy trì quyền lực của mình. Và một phần trong nỗ lực duy trì quyền lực đó là thông qua liên minh với Giáo hội Chính thống Nga. Đây chỉ là lớp vỏ bên trên mà người ta nhìn thấy được của cả một tảng băng chìm về tình hình trấn áp và kềm kẹp ngày càng tăng nhắm vào những hình thức hoạt động chính trị khác nhau."

Tuy nhiên, những người chỉ trích ba người trong nhóm nhạc punk này nói rằng, màn biểu diễn của họ là một sự xúc phạm đối với Giáo hội Chính thống Nga và lẽ ra cần phải trừng trị mạnh tay hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG