Đường dẫn truy cập

Quốc hội dùng dằng, chưa xét dự luật đặc khu năm nay


Quốc hội Việt Nam hôm 24/8 thông báo sẽ không xem xét dự luật đặc khu trong năm 2018
Quốc hội Việt Nam hôm 24/8 thông báo sẽ không xem xét dự luật đặc khu trong năm 2018

Quốc hội Việt Nam vừa thông báo rằng dự kiến cơ quan này “chưa xem xét” dự luật đặc khu tại kỳ họp thứ 6 sẽ diễn ra vào tháng 10 sắp tới.

Một thông báo được tải trên cổng thông tin điện tử của quốc hội vào tối 24/8 nói quyết định đình lại việc xem xét dự luật là “để tiếp tục xin ý kiến cử tri, nhân dân, các tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học, để hoàn chỉnh Dự án Luật thông qua vào kỳ họp sau”.

Như vậy, sớm nhất cũng phải đến kỳ họp tháng 5/2019, dự luật đặc khu mới được đem ra bàn thảo trở lại tại cơ quan lập pháp của Việt Nam.

Có tên đầy đủ là ‘Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt’, dự luật này - nếu được thông qua - sẽ mở đường cho chính phủ lập ra 3 đặc khu tại tỉnh Quảng Ninh ở miền bắc, tỉnh Khánh Hòa ở miền trung và tỉnh Kiên Giang ở miền nam nhằm “thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đột phá về phát triển kinh tế”.

Thông báo mới nhất cho thấy sự dùng dằng của quốc hội về dự luật đặc khu, vì chỉ một ngày trước, nhiều báo trong nước còn dẫn các nguồn tin không nêu tên cho hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang lên chương trình cho kỳ họp thứ 6 và dự kiến sẽ xem xét dự luật đặc khu.

Tin tức hôm 23/8 về việc quốc hội vẫn có ý định xem xét dự luật đã được dư luận lan truyền trên mạng xã hội, kèm theo là nhiều bình luận bày tỏ tức giận về kế hoạch đó.

VOA đã liên lạc một số đại biểu quốc hội để tìm hiểu liệu có phải phản ứng từ người dân là một yếu tố dẫn đến quyết định trì hoãn cuộc bàn thảo về dự luật đặc khu hay không, song họ từ chối bình luận.

Chỉ ít phút sau khi cổng thông tin của quốc hội và báo mạng VNExpress loan báo vào tối 24/8 về việc quốc hội Việt Nam hoãn xem xét dự luật, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện viết trên Facebook cá nhân rằng: “Không chỉ LÙI mà phải vĩnh viễn vứt vào sọt rác”.

Ông Diện, blogger có nhiều ảnh hưởng qua các bài viết phản biện các chính sách của nhà nước, lý giải thêm về lời bình luận của mình: “Vì ngày Luật Đặc Khu được thông qua, là ngày Quốc tang của cả Dân Tộc, Đất Nước, Nhân Dân, và cả CHẾ ĐỘ này nữa. Mà Dân Tộc, Nhân Dân, Đất nước thì không thể mất...”

Ý kiến trên Facebook của tiến sĩ Diện nhận được nhiều bình luận ủng hộ, trong đó, nhiều người chia sẻ quan điểm rằng những ai thông qua dự luật đặc khu sẽ bị coi là kẻ “bán nước”, “đắc tội với tổ quốc”.

Sắp tới đây có thể sẽ đàn áp quyết liệt hơn, nhưng mà tôi không tin là người dân người ta sợ, và chắc chắn các cuộc biểu tình sẽ còn nổ ra
nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh

Kể từ sau các cuộc biểu tình lớn phản đối dự luật này nổ ra ở nhiều tỉnh thành Việt Nam trong các ngày 10 và 11/6, quốc hội đã hai lần hoãn việc thảo luận, bỏ phiếu về dự luật đặc khu tại phiên họp khoáng đại. Ở cấp Ủy ban Thường vụ, dự luật này cũng đã bị hoãn đem ra bàn bạc.

Về sự lấn cấn của cơ quan lập pháp Việt Nam đối với dự luật gây nhiều tranh cãi, nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh, người cũng là một nhà báo kỳ cựu, nhận định với VOA rằng có sức ép “từ một nhà nước khác” về dự luật, nhưng ông tránh nhắc đến tên của một nước cụ thể.

Cảng Cái Rồng, đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, nhìn từ trên cao
Cảng Cái Rồng, đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, nhìn từ trên cao

Giới hoạch định chính sách từng nói việc lập 3 đặc khu là một bước “thử nghiệm” các thể chế, chính sách mới ở Việt Nam, với kỳ vọng thu hút hàng tỉ đôla từ các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch, và kinh doanh sòng bạc (casino).

Họ bày tỏ hy vọng rằng các đặc khu sẽ có mức thịnh vượng vượt trội nhờ các ưu đãi, từ đó tạo “tác động lan tỏa, tích cực” tới sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam nói chung.

Vấn đề chủ yếu là cải cách thể chế ..., thứ hai là xây dựng hạ tầng ..., thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại. Với 3 yêu cầu ấy, Việt Nam nên cải cách để biến toàn thể Việt Nam thành đặc khu kinh tế, và như vậy nó có hiệu lực hơn.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Đông đảo người dân, các chuyên gia và một số đại biểu quốc hội trong những tháng gần đây nói họ lo lắng về thời hạn cho thuê đất 99 năm nêu trong dự luật. Có người thậm chí so sánh điều đó với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến. Họ cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân.

Theo ông Huỳnh Ngọc Chênh, động thái lùi xem xét dự luật cho thấy chính quyền có thể vẫn e ngại ở mức độ nhất định về phản ứng của người dân, cho dù chính quyền đã mạnh tay dẹp các cuộc biểu tình hồi tháng 6.

Ông nói với VOA:

“Sắp tới đây có thể sẽ đàn áp quyết liệt hơn, nhưng mà tôi không tin là người dân người ta sợ, và chắc chắn các cuộc biểu tình sẽ còn nổ ra”.

Trong một cuộc phỏng vấn khác với VOA cách đây ít ngày, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế nổi tiếng, bình luận với VOA rằng việc có nên ban hành một luật về đặc khu hay không phải xét tới điều hết sức quan trọng là nó sẽ hoàn thành nhiệm vụ gì.

Đưa ra phân tích về bối cảnh rộng lớn hơn, trong đó Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới, thuế quan đã giảm nhiều, tiến sĩ Doanh đề xuất thay vì mở 3 đặc khu, Việt Nam “nên cải cách để biến toàn thể đất nước thành đặc khu kinh tế”.

Chuyên gia này cho rằng các vấn đề chủ yếu mà Việt Nam cần giải quyết trên bình diện cả nước nước để phát triển hiệu quả gồm có thứ nhất là cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi, công khai minh bạch, bình đẳng để doanh nghiệp kinh doanh; thứ hai là xây dựng hạ tầng để doanh nghiệp có điều kiện nhất; và thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại.

VOA Express

XS
SM
MD
LG