Đường dẫn truy cập

Phúc thẩm vụ Đồng Tâm: Gia đình các bị cáo hy vọng ‘bản án sẽ thay đổi’


Cảnh sát áp giải một bị cáo trong vụ Đồng Tâm ra tòa; ảnh trên Facebook của chị Nguyễn Thị Duyên, 8/3/2021.
Cảnh sát áp giải một bị cáo trong vụ Đồng Tâm ra tòa; ảnh trên Facebook của chị Nguyễn Thị Duyên, 8/3/2021.

Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội hôm 8/3 bắt đầu xét xử phúc thẩm 6 người có đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm về vụ xung đột chết người ở xã Đồng Tâm. Dự kiến phiên tòa diễn ra đến ngày 10/3. Một người thân của các bị cáo nói với VOA rằng các gia đình hy vọng bản án sẽ thay đổi.

Hồi tháng 9/2020, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 29 người dân Đồng Tâm các mức án từ tù treo cho đến tử hình về tội “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ”.

Vụ án xảy ra rạng sáng hôm 9/1/2020, khi lực lượng công an gồm hàng nghìn người đột kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, với lý do “bảo đảm an ninh, trật tự” cho công trình thi công tường rào sân bay Miếu Môn, nơi có tranh chấp đất đai giữa chính quyền với người dân.

Vụ đột kích dẫn đến hậu quả là ông Lê Đình Kình, được xem là thủ lĩnh tinh thần của người dân, bị bắn chết; phía công an có 3 người thiệt mạng, với nghi vấn là họ bị người dân đâm bằng giáo tự chế rồi đốt bằng xăng.

Nhà chức trách cáo buộc người dân thôn Hoành có chủ tâm “tấn công nhằm tiêu diệt lực lượng công an”.

Gia đình tôi vẫn đang hy vọng bản án sẽ thay đổi vì có nhiều tình tiết không thể chấp nhận được, rất trắng trợn với người thân của chúng tôi và đều chưa được chứng minh một cách rõ ràng.
chị Nguyễn Thị Duyên, người Đồng Tâm


Ngược lại, những người dân bị đưa ra xét xử nói họ chỉ “bảo vệ đất đai” và “phòng vệ” trong tình huống chính bản thân và người nhà gặp nguy hiểm khi xảy ra vụ đột kích.

Phần lớn trong số 29 người Đồng Tâm bị xét xử sơ thẩm hồi mùa thu năm ngoái là con, cháu của ông Lê Đình Kình, thường được gọi là cụ Kình.

Năm người bị tuyên án cao nhất, bao gồm ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức bị tuyên án tử hình, Lê Đình Doanh chung thân, Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù và Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù, đã nộp đơn kháng án xin giảm nhẹ hình phạt với lý do án sơ thẩm quá nặng.

Riêng bà Bùi Thị Nối, 63 tuổi, nộp đơn kháng cáo vì không đồng tình với bản án sơ thẩm, trong đó bà bị tuyên 6 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ”, là mức án cao nhất trong số 23 người bị kết án về tội danh này.

Nông dân Đồng Tâm tại phiên tòa ở Hà Nội kết thúc hôm 14/9/2020. VNA via Reuters
Nông dân Đồng Tâm tại phiên tòa ở Hà Nội kết thúc hôm 14/9/2020. VNA via Reuters

Chị Nguyễn Thị Duyên, vợ bị cáo Lê Đình Uy, con dâu bị cáo Lê Đình Công, nói với VOA hôm 8/3 về sự trông đợi của gia đình đối với phiên tòa phúc thẩm:

“Gia đình tôi vẫn đang hy vọng bản án sẽ thay đổi vì có nhiều tình tiết không thể chấp nhận được, rất trắng trợn với người thân của chúng tôi và đều chưa được chứng minh một cách rõ ràng”.

Chị Duyên chia sẻ thêm với VOA về quan điểm của gia đình trong trường hợp tòa giảm án:

... các bản án dù nặng hay nhẹ áp đặt lên người thân chúng tôi đều có uẩn khúc và không bao giờ là đúng đắn cả. Khi họ thay đổi bản án, cũng đồng nghĩa là họ nhận ra lỗi lầm của mình khi đàn áp người dân Đồng Tâm.
chị Nguyễn Thị Duyên


“Nếu như ngày hôm nay hay là hai ngày tới, kết thúc phiên xử mà người thân chúng tôi được giảm án, không đồng nghĩa là chúng tôi chấp nhận bản án, bởi vì các bản án dù nặng hay nhẹ áp đặt lên người thân chúng tôi đều có uẩn khúc và không bao giờ là đúng đắn cả. Khi họ thay đổi bản án, cũng đồng nghĩa là họ nhận ra lỗi lầm của mình khi đàn áp người dân Đồng Tâm”.

Các luật sư bào chữa của 6 bị cáo rất quyết tâm bảo vệ cho các thân chủ, chị Duyên cho VOA biết. Trong quá trình chuẩn bị cho phiên tòa phúc thẩm, các luật sư gặp phải những khó khăn, chậm trễ do phía nhà chức trách gây ra, nhưng các luật sư bày tỏ rằng họ không chùn bước, chị Duyên nói thêm.

Để đi tới nơi diễn ra phiên tòa, người thân của các bị cáo đã phải rời khỏi nhà trước khi lực lượng an ninh nhà nước đến canh giữ từ đêm 7/3, chị Duyên cho biết. Mặc dù vậy, họ cũng không thể tiếp cận cổng của tòa án.

Ở thời điểm cuối buổi chiều 8/3, chị Duyên nói với VOA rằng chị và những người thân khác không thể nhìn thấy hay tiếp xúc với các bị cáo, chỉ nhận được một số thông tin tóm tắt do các luật sư bào chữa gửi ra:

“Luật sư Lê Văn Hòa thông báo cho gia đình tôi biết là bố tôi, Lê Đình Công, sức khỏe bình thường. Nhưng mà bệnh ngoài da vẫn biểu hiện rõ. Còn chú Lê Đình Chức sức khỏe rất yếu, yếu hơn cả sơ thẩm, nên gia đình rất lo cho sức khỏe của chú Chức”.

Trong trường hợp tòa phúc thẩm giữ nguyên các bản án, chị Duyên bày tỏ quan điểm rằng gia đình và các bị cáo “sẽ chiến đấu đến cùng để kêu oan”.

Dẫn lại lời tường thuật của các luật sư sau các cuộc gặp với các bị cáo, chị Duyên nói rằng bố chồng chị, ông Lê Đình Công, cùng với các bị cáo còn lại đều có tinh thần vững vàng và có quan điểm nhất quán, xuyên suốt là họ kêu oan vì họ không giết người, không họp hành, tổ chức để gây ra vụ án Đồng Tâm.

VOA Express

XS
SM
MD
LG