Đường dẫn truy cập

Phụ huynh khó khăn xoay sở khi năm học mới bắt đầu


Ảnh tư liệu - Khai giảng năm học mới ở Tắc Pổ, Nam Trà My, Quảng Nam. (Hình trích xuất từ website báo Tuổi Trẻ)
Ảnh tư liệu - Khai giảng năm học mới ở Tắc Pổ, Nam Trà My, Quảng Nam. (Hình trích xuất từ website báo Tuổi Trẻ)

Một năm học mới đã chính thức bắt đầu ngay sau dịp nghỉ lễ Quốc Khánh 02/9 tại Việt Nam. Nhiều phụ huynh lại đang đau đầu vì những khoản đóng góp cho nhà trường, chi phí sách vở, quần áo đồng phục cùng nhiều khoản chi khác để cho con đi học...

Một năm học mới đã chính thức bắt đầu ngay sau dịp nghỉ lễ Quốc Khánh 02/9 tại Việt Nam. Nhiều phụ huynh lại đang đau đầu vì những khoản đóng góp cho nhà trường, chi phí sách vở, quần áo đồng phục cùng nhiều khoản chi khác để cho con đi học. Trong hoàn cảnh kinh tế và thu nhập khó khăn như hiện nay, những khoản chi này đang trở thành gánh nặng cho không ít gia đình.

Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, một cư dân của quận Hai Bà Trưng, cho biết năm nay vợ chồng anh đã phải chuẩn bị từ sớm 30 triệu đồng để cho hai đứa con đang học cấp một tại một trường công trong quận. Đối với gia đình anh, đây thực sự là một khoản tiền lớn bởi tổng thu nhập hàng tháng của vợ chồng anh cũng chưa tới mức đó, chưa kể bao nhiêu khoản chi khác cần phải thanh toán. Anh nói để có đủ tiền cho các cháu đầu năm học mới, vợ chồng anh đang hỏi mượn thêm từ ông bà nội-ngoại.

“Chắc phải gần chục khoản khác nhau. Sách vở, giấy tờ, bảo hiểm… Ối giời ơi nhiều lắm. Quỹ này, quỹ nọ, quỹ phụ huynh, rồi quỹ lớp…đủ cả. Mỗi cái một tí nhưng cộng lại cũng nhiều,” anh Tuấn than thở về những khoản phải mua sắm và đóng góp trước thềm năm học mới.

Anh nói có rất nhiều khoản đóng góp vô lý nhưng vì không muốn con bị ‘trù’ nên anh đành làm theo ‘gợi ý’ của hội phụ huynh.

“Riêng tiền xây dựng trường lớp mỗi đứa phải đóng 1 triệu rồi. Nhưng vào năm học thì thực tế người ta có xây dựng hay sắm sửa mới gì cho trường lớp đâu. Cứ nói xây dựng nhưng xây dựng cái quái gì,” anh Tuấn bức xúc.

Chị Nguyễn Thu Minh, một cư dân sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho hay để chuẩn bị cho hai đứa con vào năm học mới, vợ chồng chị cũng phải lo một khoản không nhỏ theo đề nghị của nhà trường và hội phụ huynh mà không biết có được dùng đúng mục đích hay trở thành ‘khoản bồi dưỡng bắt buộc’ mà phụ huynh phải nộp mỗi dịp năm học mới.

“Họ đang yêu cầu giải tán hội phụ huynh vì hội phụ huynh thực tế là cái hội thu tiền, nghĩ ra mọi cách để thu tiền nào là đầu tư rèm cửa, nào là thay mới điều hoà..,” chị Minh chia sẻ và tỏ ý tán đồng việc giải tán hội phụ huynh để giảm gánh nặng các khoản thu vô lý và tràn lan trong nhà trường hiện nay.

Khác với anh Tuấn và chị Minh, anh Đoàn Minh Thành, một cư dân tại quận Đống Đa, Hà Nội, đã chuyển cho hai con sang học trường tư vài năm trước để tránh những khoản thu ‘chướng tai gai mắt’. Anh Thành cho biết khi con học trường tư, anh không còn phải đi họp hội phụ huynh nhiều như ở trường công, nhưng anh lại phải đối mặt với áp lực học phí.

“Tốn đấy. Trường tư như con tôi bây giờ mỗi tháng 10 triệu/đứa. Trong khi thu nhập thì giảm, giám tới 40%,” anh Thành than thở.

Dù vậy, anh nói anh vẫn sẽ cố gắng tiếp tục cho con học trường tư để tránh những chuyện đóng góp, thăm hỏi, ‘chăm sóc’ ban giám hiệu và thầy cô tại các trường công vốn là gánh nặng ‘khó thoát’ lâu nay đối với các phụ huynh cả về tiền bạc, công sức và thời gian.

Ông N.T.S, lãnh đạo một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho VOA biết những khoản đóng góp đầu năm học mới là chuyện ‘cực chẳng đã’ mà nhà trường không thể không thu.

“Nói gì thì nói, mình cũng phải thông cảm. Cái nền kinh tế của mình thì phụ huynh hay cô, thầy giáo đều khổ. Ai cũng phải kiếm tiền. Vì đồng lương nó bèo bọt quá thì người ta cũng phải nghĩ cách kiếm thêm, kiếm sống này kia chứ,” ông than thở.

Vẫn theo lời ông, với đồng lương trên dưới 10 triệu đồng/tháng hiện nay, giáo viên và cả ban giám hiệu không thể nào nuôi sống được bản thân chứ đừng nói gì nuôi sống gia đình tại những thành phố như Hà Nội. Vì thế, ông nói, những khoản đóng góp dịp đầu năm hay dịp lễ tết của phụ huynh ngoài việc chỉnh trang lại trường lớp thì cũng giúp ban giám hiệu và thầy cô có thêm một phần thu nhập đảm bảo cuộc sống và yên tâm làm việc.

Theo báo chí nhà nước, trước thực trạng bắt buộc đóng góp tại các trường công lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi khai giảng năm học 2022 – 2023 đã yêu cầu các Sở Giáo dục Đào tạo công khai các khoản thu chi. Theo chỉ thị này, chỉ có học phí, bảo hiểm y tế, quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu, học phẩm cho học sinh mầm non và nước uống học sinh (tùy từng tỉnh thành) là những khoản thu bắt buộc.

Theo báo cáo về hoạt động giáo dục và thực hiện ngân sách giáo dục năm 2022 của chính phủ, mức chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục đào tạo chỉ xấp xỉ 15,45% tổng chi ngân sách, nghĩa là chưa tới mức tối thiểu 20% tổng chi ngân sách như dự kiến.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG