Đường dẫn truy cập

Philippines ‘không hợp tác’ với Tòa Hình sự Quốc tế về cuộc chiến chống ma túy


Người dân Philippines biểu tình phản đối cuộc chiến chống ma tuý
Người dân Philippines biểu tình phản đối cuộc chiến chống ma tuý

Quyết định của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) cho phép nối lại cuộc điều tra về cuộc chiến ma túy của Philippines ‘gây khó chịu’, Bộ trưởng Tư pháp Philippines nói hôm 27/1 và khẳng định ICC không có quyền tài phán đối với các vấn đề của nước này.

Bộ trưởng Jesus Crispin Remulla nói rằng ICC không nên áp đặt tư tưởng của họ lên Philippines, hiện không còn là một bên ký hiệp ước tham gia tòa án quốc tế này.

“Họ đang xúc phạm chúng tôi”, ông Remulla phát biểu tại một buổi họp báo sau khi ICC chấp thuận yêu cầu của công tố viên về việc mở lại một cuộc điều tra về các vụ sát hại trong thời gian diễn ra ‘cuộc chiến chống ma túy’ của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte và các hành vi khác bị nghi là vi phạm nhân quyền.

Cảnh sát Philippines cho biết họ tiêu diệt 6.200 kẻ buôn ma túy đã chống cự khi bị bắt trong khuôn khổ chiến dịch trấn áp ma túy trong nhiệm kỳ của ông Duterte. Hàng nghìn người sử dụng và người bán ma tuý khác đã bị bắn hạ trong cuộc trấn áp, giới chức cho rằng đó là do các nhóm dân phòng thực hiện. Các tổ chức nhân quyền và một số nạn nhân cáo buộc cảnh sát che đậy và hành quyết có hệ thống, nhưng họ phủ nhận.

ICC, đã đình chỉ điều tra hồi tháng 11/2021 theo yêu cầu của Manila, giờ đây cho biết trong một tuyên bố rằng họ ‘không hài lòng’ với việc Philippines đang tiến hành các cuộc điều tra liên quan mà ‘có thể sẽ làm trì hoãn’ cuộc điều tra của ICC.

Nhưng ông Remulla nói rằng thời điểm ICC có động thái này là ‘rất sai lầm’ vì nước ông đang ‘làm những việc cần thiết để sửa chữa hệ thống’, chẳng hạn như cải thiện các cơ quan thực thi pháp luật, bao gồm cảnh sát.

“Tôi không hoan nghênh động thái này của ICC và tôi sẽ không chào đón họ đến Philippines cho đến khi họ nói rõ rằng họ sẽ tôn trọng chúng tôi về vấn đề này”, ông Remulla nói.

Ông cho biết nước ông sẵn sàng đối thoại với ICC và sẽ cung cấp cho tòa án dữ liệu nếu được yêu cầu, nhưng ‘họ không thể vào đất nước chúng tôi và áp đặt tư tưởng lên chúng tôi’.

Cựu cảnh sát trưởng Ronaldo dela Rosa, người giám sát cuộc trấn áp đẫm máu của ông Duterte, trước đó đã nói rằng ông sẽ hợp tác với ICC nếu chính phủ quyết định tham gia.

Tổng thống Philippines đương nhiệm Ferdinand Marcos Jr và phó tổng thống, ái nữ của ông Duterte, không bình luận về quyết định mới nhất của ICC. Hồi tháng 8 ông nói rằng ông không có ý định tái gia nhập ICC sau khi ông Duterte rút ra hồi năm 2019, sau khi cáo buộc cơ quan này có thành kiến.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết cuộc điều tra của ICC là con đường đáng tin cậy duy nhất dẫn đến công lý cho các nạn nhân và thân nhân của họ.

“Như các thẩm phán của tòa án đã nhất trí, chính quyền Philippines không ‘tiến hành các cuộc điều tra liên quan’ về những tội ác này hay có ‘nỗ lực thực tế hay thật sự để tiến hành điều tra’”, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết trong một tuyên bố. “ICC đem đến con đường hướng về phía trước để lấp đầy khoảng trống về quy trách nhiệm”.

Gia đình nhiều nạn nhân trong cuộc chiến chống ma túy vẫn đang tìm kiếm công lý trong các vụ án kéo dài, dằng dai.

Trong một bản án hiếm hoi, một tòa án Philippines hồi năm 2018 đã kết án ba cảnh sát tới 40 năm tù vì tội sát hại một học sinh trung học 17 tuổi. Cái chết của thanh niên này được nêu trong báo cáo của một cựu công tố viên ICC.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG