Đường dẫn truy cập

Phe đối lập Bangladesh thờ ơ trước kết quả bầu cử


Cảnh sát Bangladesh canh gác phía trước tư gia của cựu thủ tướng Khaleda Zia của đảng Dân tộc Bangladesh đối lập (BNP) ở Dhaka, ngày 6/1/2014.
Cảnh sát Bangladesh canh gác phía trước tư gia của cựu thủ tướng Khaleda Zia của đảng Dân tộc Bangladesh đối lập (BNP) ở Dhaka, ngày 6/1/2014.
Tại Bangladesh, Liên đoàn Awami cầm quyền được công bố là thắng trong cuộc bầu cử đầy bạo động, mà thắng lợi là kết cục đương nhiên vì sự tẩy chay của phe đối lập. Người ta lo ngại sẽ xảy ra thêm bạo động chính trị vào lúc các đảng đối lập bác bỏ cuộc bầu cử. Từ New Delhi, thông tín viên VOA Anjana Pasricha gửi về bài tường thuật sau đây.

Ðây là một cuộc bầu cử trong đó việc kiểm phiếu không quan trọng bởi vì hơn một nửa số ghế không có đối thủ dự tranh.

Tuy nhiên, kết quả sơ khởi xác nhận hôm nay rằng các ứng cử viên của Liên đoàn Awami đương quyền đã thắng hơn 3 phần tư, tức 232 số ghế theo cuộc kiểm phiếu sơ bộ, trong số 300 ghế được bầu, theo đó Liên đoàn sẽ dành được thế đa số áp đảo tại quốc hội. Các đồng minh của liên đoàn sẽ nắm phần lớn số ghế còn lại.

Phe đối lập không tham gia cuộc bầu cử đã đề nghị chính phủ vô hiệu hóa cuộc bầu cử. Phe này nói số cử tri thấp xác nhận rằng cuộc bầu cử là giả hiệu.

Trong tình hình còn nhiều biến động, quân đội tiếp tục đi tuần tra các đường phố ở Dhaka. Giao thông thưa thớt 1 ngày sau cuộc bầu cử.

Phe đối lập đã kêu gọi đình chỉ hoạt động trên toàn quốc cho đến ngày thứ tư – cuộc lãn công mới nhất trong một loạt các cuộc đình công và phong tỏa hoạt động đã khiến sinh hoạt khắp nước gần như tê liệt.

Giáo sư đại học Dhaka Amena Mohsin nói Liên đoàn Awami sẽ cần phải tìm ra một cách để giải quyết bế tắc chính trị và chấm dứt bạo động.

“Ta có giải pháp nào khác chăng? Có áp lực to lớn từ phía xã hội dân sự đòi mở đường cho các cuộc thương lượng, từ phía cộng đồng kinh doanh. Dường như xung đột ở cường độ thấp đã diễn ra trong nuớc từ nhiều tháng nay rồi. Trước cuộc bầu cử thì nó được coi là bạo động tiền bầu cử, nhưng ta không thể có bạo động hậu bầu cử trong 5 năm tới.”

Các quan sát viên chính trị và phần lớn giới truyền thông đã lên án cuộc bầu cử là vô ích. Nhật báo Daily Star gọi đó là cuộc bầu cử đẫm máu nhất trong lịch sử nước này và gọi thắng lợi của Liên đoàng Awami là “rỗng tuếch.” Hàng chục người đã thiệt mạng trước cuộc bầu cử, và nhiều người khác thiệt mạng ngay trong ngày bầu cử.

Công nghiệp dệt may đang phát đạt của nước này nằm trong số các ngành bị tác động nặng của tình trạng bất ổn chính trị. Ông Mamun Rashid là một doanh gia làm việc ở Dhaka.

“Chúng tôi hoàn toàn mất phương hướng, bối rối và cảm thấy thất vọng vì không có gì nhúc nhích trên đường. Chúng tôi không thể nhận hàng hóa từ cảng Chittagong hay Mongla, và chúng tôi cũng không bán được các sản phẩm cho các thị trường khác nhau, trong cũng như ngoài nước. Nhiều nhà sản xuất đồ dệt may buộc phải không vận hàng hoá của mình.”

Các chuyên gia phân tích chính trị cho rằng trở ngại lớn nhất trong việc tìm cách giải quyết bế tắc chính trị trong nước là sự thù nghịch gay gắt và căm ghét cá nhân giữa hai người phụ nữ đứng đầu các đảng chính trong nước, đó là Thủ tướng Sheikh Hasina của Liên đoàn Awami và cựu thủ tướng Khaleda Zia của đảng Dân tộc Bangladesh đối lập.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG