Đường dẫn truy cập

Phê bình và sáng tác


Phê bình và sáng tác
Phê bình và sáng tác

Ở Việt Nam, người ta hay chê giới phê bình văn học. Từ đảng và chính phủ đến giới cầm bút, ở đâu và lúc nào chúng ta cũng có thể nghe câu nói này: Phê bình không theo kịp sáng tác. Điều đó hàm ý là: sáng tác cứ tiến nhanh, tiến mạnh, trong khi đó, phê bình cứ lẹt đẹt chạy theo sau, có khi thật xa. Xa lơ xa lắc.

Quan niệm cho phê bình không theo kịp sáng tác, thật ra, bao gồm ba ý nhỏ: một, cho nhiệm vụ chính, nếu không nói là duy nhất, của phê bình là phát hiện và biểu dương kịp thời các tác phẩm mới cũng như các khuynh hướng sáng tác mới; hai, về phương diện tư tưởng thẩm mỹ, giới phê bình, tự bản chất, bao giờ cũng tụt hậu so với giới sáng tác: những khám phá có ý nghĩa thẩm mỹ lớn bao giờ cũng thuộc về giới sáng tác và bao giờ cũng đi trước khả năng tưởng tượng của giới phê bình; và ba, về phương diện sinh hoạt, phê bình bao giờ cũng phụ thuộc vào sáng tác, chỉ là một bộ phận thứ yếu so với sáng tác.

Cả ba ý ấy, theo tôi, đều sai.

Về ý thứ ba, cho phê bình phụ thuộc vào sáng tác, trước đây, có lần tôi đã bàn đến. Xin chép lại nguyên văn đoạn ấy cho tiện:

“Quan hệ giữa sáng tác và phê bình là một thứ quan hệ phức tạp. Gần đây, ở hải ngoại, có người đã dám khẳng định dứt khoát là phê bình phải đóng vai “phụ tuỳ sáng tác”, phải chạy theo sáng tác.

Lời khẳng định ấy hiển nhiên là sai. Sai, bởi vì chỉ cần một chút kiến thức về lịch sử văn học, người ta cũng biết là những nhận định về văn học của Aristotle và của Khổng Tử ngày xưa không những không đi sau sáng tác mà còn có những ảnh hưởng dẫn đạo lớn lao trong suốt cả mấy ngàn năm, một ở Tây phương và một ở Đông phương. Sai, bởi vì chỉ cần chút tỉnh táo, ai trong chúng ta cũng có thể thấy rõ là những yếu tố góp phần quyết định diện mạo văn học Việt Nam, ở cả hai miền Nam và Bắc, trong suốt mấy chục năm qua, chính là những nhận định về văn học của Karl Marx, Friedrich Engels, Jean-Paul Sartre và Sigmund Freud. Sai, bởi vì nếu nghiên cứu kỹ lưỡng các trào lưu văn học trên thế giới, người ta sẽ thấy là chúng được hình thành không phải chỉ bằng trực giác sáng tạo của người nghệ sĩ mà còn trên cơ sở của những quan niệm mới về bản chất và chức năng của văn học, hoặc thậm chí, của ngôn ngữ.” (1)

Ý thứ hai, cho giới sáng tác đi trước giới phê bình về phương diện nhận thức thẩm mỹ, nếu đúng, chỉ đúng với một thời đại nào đó, đã qua. Ngày xưa, từ đầu thế kỷ 20 trở về trước, trình độ dân trí còn thấp, giới cầm bút, chủ yếu là giới sáng tác, được xem là giới dẫn đầu xã hội về học vấn. Luôn luôn có một khoảng cách nhất định về kiến thức cũng như nhận thức giữa họ và quần chúng khiến cho, một mặt, một số sáng tạo mang tính tiên phong của họ không được cảm nhận đúng mức; mặt khác, như là hệ quả của điều ấy, họ cảm thấy lúc nào cũng lẻ loi, cũng cô đơn, như những kẻ, nói theo Vũ Hoàng Chương, “đầu thai lầm thế kỷ”. Tuy nhiên, cái thời đại ấy qua rồi. Sau này, ngay cả ở Việt Nam vốn đi sau thế giới khá xa, trình độ dân trí càng lúc càng cao, kiến thức càng ngày càng có xu hướng chuyên môn hoá, do đó, mặt bằng học vấn của giới cầm bút nói chung không những không còn ở vị trí dẫn đầu mà còn, thậm chí, thua hẳn các giới khác, ngay cả những giới cũng hoạt động trong lãnh vực chữ nghĩa và nghệ thuật, như báo chí, âm nhạc, hội hoạ hay điêu khắc. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà gần đây, nhiều người cầm bút, từ Nguyên Ngọc đến Dương Tường và Nguyễn Huy Thiệp, đều than phiền là các nhà văn và nhà thơ Việt Nam “dốt” và “vô học” (2).

Tôi xin nhấn mạnh: ở đây, tôi chỉ xin trích lại ý kiến của người khác và xin phép được đứng ngoài những lời bình luận ấy. Tôi chỉ xin góp một tư liệu có lẽ không phải ai cũng biết hoặc nhớ: người đầu tiên đưa ra nhận định tương tự không chừng là Phạm Thị Hoài, trong cuốn Thiên Sứ, và vì Thiên Sứ là một cuốn tiểu thuyết cho nên nhận định trên nằm trong lời phát biểu của một nhân vật được gọi là “thày Hoàng”: “Ồ mà đám nghệ sĩ dốt lè lưỡi các ông hiểu thế nào được triết học với tôn giáo. Ðất nước gì mà nhà văn nhà thơ toàn bọn thất học.” (3) Cũng xin nói thêm: hình như người Việt Nam, cho đến nay, vẫn còn thích nói đến những trí thức tự học, những người chưa học xong đại học, thậm chí, chưa học xong trung học, vẫn được xem là những trí thức cực kỳ uyên bác. Ðó là sự thật có thể được chứng minh dễ dàng bằng tên tuổi của khá nhiều người, đặc biệt trong nửa đầu thế kỷ 20, do đó, không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, phần lớn những sự thật đó đều thuộc về quá khứ: khi nền giáo dục chỉ dừng lại ở mức phổ cập, người ta có thể đạt đến hay vượt qua cái ngưỡng phổ cập ấy bằng việc ở nhà chăm chỉ đọc sách. Khi nền giáo dục đi vào giai đoạn chuyên môn hoá, tự học để vượt tới cái ngưỡng chuyên gia là điều khó, cực khó. Những người đạt được điều đó chỉ là những ngoại lệ hi hữu. Chúng sẽ càng hi hữu hơn nữa khi nền giáo dục Việt Nam thực sự được phát triển, thực sự có chất lượng cao, không còn hiện tượng học giả bằng thật tràn lan như hiện nay.

Riêng ý thứ nhất cho nhiệm vụ chính, thậm chí duy nhất, của phê bình là phát hiện và biểu dương tài năng cũng không đúng. Tuy nhiên, về điều này thì hình như tôi đã viết đâu đó, nhiều lần rồi.

Phải không?

Chú thích:

1. Nguyễn Hưng Quốc (2000), Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, California: Văn Nghệ, tr. 41-42.

2. Trong bài phỏng vấn “Mười năm trên giá sách văn chương” do Lê Hồng Lâm và Bình Nguyên Trang thực hiện đăng trên diễn đàn http://talawas.org ngày 31.1.2004, Dương Tường phát biểu: “Tôi cũng đồng ý với quan điểm của anh Nguyên Ngọc. Nhà văn chúng ta... dốt quá. Không chịu học, không chịu đọc, lại mang cái bệnh ‘ếch ngồi đáy giếng’, mới ‘nho nhoe’ lên một tý cứ tưởng mình nhất thế giới.” Trong bài “Trò chuyện với hoa thuỷ tiên và những nhầm lẫn của nhà văn” (3) đăng trên http://talawas.org ngày 26.3.2004, Nguyễn Huy Thiệp viết: “Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều… ‘vô học’, tự phát mà thành danh.” (Khi bài này được in lại trong cuốn Giăng lưới bắt chim do Hội Nhà Văn xuất bản, 2005, nhóm từ “và hầu hết đều… ‘vô học’” biến mất. Cuối trang sách có lời ghi chú của người biên tập: “Đoạn này được cắt bỏ có sự đồng ý của tác giả.”, tr. 275). Thật ra, cái “dốt” và cái “vô học” không hẳn là độc quyền của một số người sáng tác. Nhiều người trong giới phê bình cũng không khá hơn. Trả lời một cuộc phỏng vấn, “Vì một nền văn học sạch”, do Lê Anh Hoài thực hiện, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tự hỏi: “Phê bình văn học của ta thiếu gì ư? cần gì ư?” Rồi ông tự trả lời: “Nó thiếu học thức. Nó cần học thức.” Bài phỏng vấn này thoạt đầu được đăng trên trang mạng Văn Nghệ Sông Cửu Long ở Việt Nam ngày 5 tháng 10, 2006, nhưng chỉ vài ngày sau, bị cắt bỏ. Sau, đăng lại trên Talawas.org ngày 9.10.2006

3. Phạm Thị Hoài (1995), Thiên Sứ, Hà Nội: Nxb Hội Nhà Văn, tr. 162-163. (Xuất bản lần đầu năm 1988.)

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG