Đường dẫn truy cập

Quân đội Pháp, Mali tiến về phía bắc chống lại phiến quân Hồi giáo


Binh sĩ Pháp chuẩn bị đạn dược tại căn cứ quân sự ở Bamako, ngày 16/1/2013.
Binh sĩ Pháp chuẩn bị đạn dược tại căn cứ quân sự ở Bamako, ngày 16/1/2013.

Binh sĩ nước ngoài được gởi tới Mali

Binh sĩ nước ngoài tại Mali

Pháp: Hiện có khoảng 800 binh sĩ tại Mali và có ý định gia tăng sự hiện diện của binh sĩ lên 2500 người trong những tuần lễ sắp tới. Hôm thứ Ba, Tổng thống Francois Hollande nói rằng, quân đội của nước ông sẽ bắt đầu rút ra khỏi cựu thuộc địa của Pháp này một khi khối ECOWAS của vùng Tây Phi triển khai binh sĩ của họ và sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm.

ECOWAS: Ecowas đang tới quyết định chót để gởi tới 3300 binh sĩ tới Mali, dưới kế hoạch can thiệp được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn. Loan báo về việc đóng góp binh sĩ từ các nước Châu Phi gồm các nước sau đây:

-Nigeria: 900 binh sĩ
-Burkina Faso: 500
-Niger: 500
-Senegal: 500
-Togo: 500
-Benin: 300
-Guinea: 144
-Ghana: 120
-Chad: chưa xác định nhân số
Lực lượng bộ binh Pháp và Mali tiếp tục cuộc tiến quân thận trọng về phía bắc trong khi cuộc phản công chống lại phiến quân Hồi giáo có liên hệ với al-Qaida bước sang tuần lễ thứ hai. Từ thủ đô Bamako của Mali, thông tín viên VOA Anne Look gửi về bài tường thuật sau đây.

Phiến quân Hồi giáo dường như đã rời khỏi thị trấn Diabaly, ở vành đai giữa Mali, chưa đầy 1 tuần lễ sau khi chiếm được khu này trong cuộc tấn công táo bạo ở miền nam đã khiến không lực và bộ binh Pháp tham dự cuộc chiến cùng với quân đội Mali.

Tuy nhiên, lực luợng tuần tra khu vực cho hya họ đang tiến quân một cách thận trọng.

Một sĩ quan quân đôị Pháp nói với các ký giả hôm qua rằng tình hình ở Diabaly vẫn chưa rõ ràng. Ông nói phiến quân là một kẻ thù rất di động và gay go.

Ðại tá Mali Seibou Sogoba cho hay các phần tử Hồi giáo có thể tìm cách trà trộn vào dân chúng ở địa phương.

Viên sĩ quan này nói cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo rất khó khăn bởi vì họ đến nơi và bắt đầu trà trộn vào dân chúng và sau đó, dần dà một số trong dân chúng sẽ đi theo các lý tưởng của họ.

Các diễn biến ở Mali trong năm 2012:

Các diễn biến ở Mali năm 2012:

Tháng 1: Chiến binh Tuareg phát động cuộc nổi loạn mới ở miền bắc.
22 tháng 3: Binh sĩ ly khai tổ chức đảo chính ở thủ đô Bamako.
30 tháng 3 – 1 tháng 4: Các phần tử Tuareg ly khai, được sự hỗ trợ của các phần tử chủ chiến Hồi giáo, chiếm quyền kiểm soát các khu vực chủ chốt ở miền bắc.
1 tháng 4: Dưới áp lực quốc tế, tập đoàn quân nhân đồng ý trả lại quyền cho giới dân sự.
6 tháng 4: Phiến quân tuyên bố miền bắc là một nước độc lập với danh xưng là “Azawad.”
8 tháng 4: Tổng thống Amadou Toumani chính thức từ chức.
12 tháng 4: Chủ tịch Quốc hội Dioncounda Traore trở thành tổng thống lâm thời.
26 tháng 4: Các nhà lãnh đạo lâm thời loan báo chính phủ mới, quân đội nắm 3 chức vụ then chốt.
26 tháng 5: Các phần tử ly khai Tuareg, các phần tử chủ chiến Ansar Dine ký thỏa thuận thành lập quốc gia Hồi giáo Azawad.
1 tháng 6: Liên minh Tuareg/Ansar tan vỡ vì vụ tranh chấp có liên quan đến Sharia.
27 tháng 6: Phe Hồi giáo đánh bại phe ly khai Tuareg ở Gao, đặt tất cả các thành phố chính ở miền bắc dưới sự kiểm soát của các thành phần theo chủ trương cứng rắn.
30 tháng 6: Phe Hồi giáo cứng rắn ở miền bắc bất đầu phá hủy các đền thờ cổ ở Timbuktu mà Liên Hiệp Quốc công nhận là một địa điểm Di sản Thế giới.
29 tháng 7: Ansar Dine công khai hành quyết một người đàn ông và một người đàn bà can tội ngoại tình.
20 tháng 8: Mali loan báo một chính phủ đoàn kết mới dưới quyền lãnh đạo của Thủ tướng lâm thời Cheikh Modibo Diarra.
17 tháng 9: Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi họp bàn về Mali.
12 tháng 10: Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết mở đường cho việc bố trí binh sĩ nước ngoài ở Mali để lật đổ các phần tử quá khích Hồi giáo: yêu cầu ECOWAS và Liên hiệp Phi châu đưa ra kế hoạch chi tiết.
24 tháng 10: Liên hiệp Phi châu chấp thuận kế hoạch bố trí lực lượng quân sự Tây Phi ở Mali. Kế hoạch được đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để phê chuẩn chung quyết.
20 tháng 11: Phe chủ chiến Hồi giáo chiếm Menaka từ tay phe ly khai Tuareg.
5 tháng 12: Tổng thống Bờ biển Ngà Alassane Ouattara kêu gọi mau chóng can thiệp quân sự ở bắc bộ Mali.
10 tháng 12: Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi có biện pháp mau chóng về Mali.
Các nhóm chủ chiến Hồi giáo có liên hệ với al-Qaida chiếm quyền kiểm soát bắc bộ Mali hồi tháng 4, ngay sau vụ đảo chính của quân đội ở miền nam làm cho quân đội Mali suy yếu thêm.

Các phần tử Hồi giáo bắt đầu cuộc tấn công bất ngờ về phía nam vào ngày 9 tháng 1, chiếm thị trấn Konna, cách cứ địa của chính phủ ở Sevare có 70 kilomet về hướng bắc. Bộ binh Pháp nay đang ở Sevare cùng với quân đội Mali, bảo vệ phi cảng quan trọng về mặt chiến lược của họ.

Từ đó quân đội Mali đã chiếm lại Konna nhưng cho biết vẫn còn đang tiến hành các cuộc truy lùng ráo riết để kiểm soát thị trấn.

Vụ phản công đã gây quan ngại về những vụ tấn công trả thù nhắm vào thường dân thuộc các cộng đồng Ả Rập và Tuareg mầu da nhạt hơn, có thể được coi là ủng hộ viên của phiến quân.

Tổ chức Human Rights Watch hôm thứ bẩy nói đã nhận được “tin tức đáng tin cậy về những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của các lực luợng an ninh Mali nhắm vào thường dân, nhất là những người Tuareg và Ả Rập, ở khu vực Niono và vùng lân cận, gần Diabaly. Tổ chức này nói trong số các vụ vi phạm, có vài vụ sát hại người.

Phát ngôn viên quân đội Mali nói với đài VOA rằng ông không hay biết về các bản tin như thế.

Liên minh các Cộng đồng Ả Rập Al-Carama tại Mali đã mở một cuộc họp báo hôm chủ nhật ở Bamako để kêu gọi đoàn kết dân tộc.

Chủ tịch liên minh, ông Mohamed Mahmoud El-Oumrany, nói không nên để chiến thắng bị hoen mờ vì các lỗi lầm không cần thiết hay những hành động trả thù không đem lại gì cho nỗ lực chiến tranh, mà chỉ phủ mợt bóng mờ lên chiến thắng và gây khó khăn hơn cho việc sống chung trong tương lai.

Binh sĩ Senegal đã bắt đầu đến Bamako hôm qua trong khuôn khổ một lực lượng can thiệp khu vực đang đuợc chậm rãi củng cố nhằm mục đích chiến đấu cạnh quân đội Pháp và Mali.

Tổng thống lâm thời của Mali, ông Diouncounda Traore, đã nói chuyện với quốc dân hôm qua nhân dịp kỷ niệm 52 năm ngày thành lập quân đội.

Ông kêu gọi người Mali đoàn kết để ủng hộ quân đội và giúp binh sĩ bằng mọi cách. Ông nói có phần chắc đây sẽ là một cuộc chiến tranh “tốn kém và mỏi mệt” nhưng cũng là một cuộc chiến tranh cần thiết để bảo vệ an ninh khu vực và toàn cầu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG