Đường dẫn truy cập

Phân tích gia: Thư gửi cho Iran có thể ảnh hưởng cuộc đàm phán


Tổng thống Iran Hassan Rouhani đến thăm nhà máy điện hạt nhân Bushehr, ở miền nam Iran, 13/1/15
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đến thăm nhà máy điện hạt nhân Bushehr, ở miền nam Iran, 13/1/15

Cơn bão tranh luận ở Hoa Kỳ về bức thư ngỏ gửi cho Iran của 47 thượng nghị sĩ Mỹ phần lớn không được lập lại ở những nơi khác.

Cũng giống như mọi bức thư của các nhà lập pháp ở bất cứ nơi nào, phản ứng ngoài nước đối với bức thư này chủ yếu là một cái nhún vai, coi sự việc là “chính trị bình thường.”

Nhưng các chuyên gia nói điều ấy không có nghĩa là bức thư sẽ không gây ra một tác động nào đối với cuộc đàm phán, và có thể đối với sự thống nhất của 6 quốc gia đang thương lượng với Iran và sự kiên quyết của chế độ trừng phạt quốc tế.

Ông James Boys của trường đại học King’s ở London, tác giả một cuốn sách mới về chính sách đối ngoại của chính quyền Clinton, nói: “Nó làm vẩn đục làn nước khá nhiều. Nó gây khó khăn hơn nhiều, theo tôi, để Iran biết được là họ đang giao dịch với một người trung gian lương thiện ở đây. Trong mọi cuộc thương nghị, ta muốn bảo đảm rằng mọi thoả thuận đạt được sẽ được bên đối nghịch tôn trọng.”

Thực vậy, trong những nhận định được thông tấn xã Mehr của Iran trích dẫn, Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei nói ông “lo ngại” về bức thư “bởi vì phía bên kia nổi tiếng về tính cách mơ hồ, giả đối và đâm sau lưng.”

Ông Khamenei được trích thuật là lên án Hoa Kỳ về những “thủ đoạn và âm mưu lừa bịp,” và nói rằng mỗi lần một thoả thuận sắp đạt được, thì “luận điệu của phía bên kia, cụ thể là phía Mỹ, trở nên gay gắt hơn, thô bạo hơn và cứng rắn hơn.”

Trong khi đó, người nhận bức thư, Ngoại trưởng Iran và trưởng đoàn thương thuyết Javad Zarif, đã nhấn mạnh rằng ông không quan ngại.

Trong các nhận định được chính phủ Iran công bố, ông nói bức thư “không có giá trị pháp lý và chủ yếu là một âm mưu tuyên truyền.” Ông Zarif cũng chế nhạo các thượng nghị sĩ về điều ông coi là thiếu hiểu biết về cả luật lệ quốc tế lẫn luật lệ của Hoa Kỳ.

Điều quan trọng nhất, ông nói luật quốc tế đòi rằng bất cứ tổng thống Hoa Kỳ nào trong tương lai sẽ bị ràng buộc bởi bất cứ thoả thuận nào mà Tổng thống Barack Obama đạt được.

Nhưng ông Zarif cũng bày tỏ mối quan ngại được ông James Boys đề cập đến và phản ánh trong nhận định của lãnh tụ Khamenei. “Bắt buộc các đối tác phải chứng tỏ … sự tín nhiệm và ý chí chính trị để có thể đạt được một thoả thuận.”

Phản ứng của ông Zarif cho thấy rằng, trong tư cách các chính trị gia, ông và các nhà lãnh đạo khác của Iran hiểu rằng sự chia rẽ chính trị cay đắng này giữa phe Dân chủ, kể cả Tổng thống Obama, và phe Cộng hoà, trong đó có tất cả các thượng nghị sĩ đã ký tên vào bức thư. Phe Cộng hoà tại Hạ viện đã mời Thủ tướng Benjamin Netanyahu đến phát biểu chống lại thoả thuận Iran hồi tuần trước tại một phiên họp chung của Quốc Hội.

Nhưng ông James Boys nói bức thư có thể “gây phương hại” cho các phần tử trung dung ở Iran, như ông Zarif và thượng cấp là Tổng thống Hassan Rouhani, đang chống lại các phần tử cứng rắn để giành ảnh hưởng với Lãnh tụ Tối cao, người sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về một thoả thuận hạt nhân.

Ông Boys nói: “Theo tôi, bức thư này sẽ được sử dụng rất nhiều như vũ khí của các phần tử bảo thủ hơn có thái độ rất chống đối mọi thoả hiệp được xúc tiến.”

Ông Dana Stuster thuộc cơ quan nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Washington, chuyên theo dõi các cuộc đàm phán với Iran, nêu ý kiến:

“Ở cập bậc lãnh đạo mà các cuộc đàm phán đang diễn ra, sự kiện này dường như không có tác động lớn. Nơi nó có thể tác động là khuyến khích những phần tử chủ trương cứng rắn ở Iran tích cực chông đối thoả thuận nhiều hơn.”

Và có những lý do khác khiến bức thư của các thượng nghị sĩ có thể gây khó khăn hơn cho việc đạt được một thoả thuận.

Toán thương thuyết dự các cuộc đàm phán ở Iran do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm quy tụ các nước có quyền lợi khác nhau. Trong toán có Hoa Kỳ và một số đồng minh Âu châu, Anh, Pháp và Đức. Nhưng toán thương thuyết còn có cả Nga, hiện đang chịu các biện pháp chế tài kinh tế Tây phương vì can dự vào Ukraine, và Trung Quốc, ở cách xa và có các ưu tiên riêng về chính sách đối ngoại.

Nhóm được gọi là P5+1, gồm 5 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức. Cho đến nay, nhóm vẫn thống nhất trong các cuộc đàm phán, điều mà ông Boys gọi là “một trong những yếu tố nổi bật nhất của toàn bộ tiến trình này.”

Và trong khi ông không trông đợi một sự hoà nhập nhanh chóng của toán này, ông Boys cảnh báo rằng bức thư “rất có thể làm cho nhóm P5+1 ngồi thẳng lên và chú ý, và có lẽ tự hỏi liệu một thoả thuận có đạt được và được duy trì hay không, sau cuộc bầu cử tổng thống.”

Các khích lệ để đạt được điều đó vẫn còn mạnh. Các chuyên gia lo ngại rằng nếu không có được một thoả thuận tổng quát trước kỳ hạn cuối tháng 3 này, và một thoả thuận đầy đủ trước cuối tháng 6, các quốc gia trên khắp thế giới sẽ mất tin tưởng vào tiến trình. Các biện pháp chế tài có thể bắt đầu bung ra và trong tình huống xấu nhất, Iran có thể bãi bỏ thoả thuận tạm thời đã đạt được cách đây hơn 1 năm, trục xuất các thanh sát viên quốc tế và tiến tới việc chế tạo một quả bom hạt nhân – điều mà các nhà lãnh đạo Iran nói họ không muốn làm.

Sự kiện đó sẽ khiến kim đồng hồ quay ngược trở lại 2 năm, tới thời điểm mà không có con đường ngoại giao nào để thuyết phục Iran mở chương trình hạt nhân theo một cách có thể chứng minh với thế giới rằng nó hoàn toàn có mục đích hoà bình, như Iran tuyên bố. Trong tình huống đó, các chọn lựa mà cộng đồng quốc tế có thể viện tới là hoặc chấp nhận một Iran có vũ khí hạt nhân hoặc tìm cách ngăn chặn việc ấy thông qua hành động quân sự, điều được gọi là “tình huống Quả bom Iran hay Đánh bom Iran”

Vì thế trong khi bức thư của các thượng nghị sĩ đang gây ra một số quan ngại, các nhà thương thuyết của 6 quốc gia và Iran có rất nhiều động cơ để xúc tiến.

Về mặt thực tiễn, Quốc hội Hoa Kỳ không có một vai trò nào trong đoản kỳ có liên quan đến một thoả thuận với Iran. Các chuyên gia không trông đợi thoả thuận là một hiệp ước chính thức, vì thể nó không đòi hỏi sự phê chuẩn của Thượng viện. Và Tổng thống có quyền tiến hành các bước sơ khởi theo dự kiện về bất cứ thoả thuận nào, kể cả việc bãi bỏ một số biện pháp chế tài kinh tế đối với Iran.

Một tính toán chủ yếu của những người can dự vào các cuộc đàm phán là đến lúc cần có hành động của quốc hội để bãi bỏ các biện pháp chế tài còn lại, có thể là phải vài năm nữa, sẽ không có lý do để chống đối biện pháp đó, nếu các thanh sát viên quốc tế xác nhận rằng Iran tuân thủ đầy đủ và không tiến tới việc chế tạo một vũ khí hạt nhân.

Đó là một câu đố, nhất là với mức độ hiện nay về độc tố chính trị ở Washington.

Ông Dana Stuster nói: “Tôi lo ngại rằng các nhà lãnh đạo Iran sẽ coi đây là bằng chứng Quốc Hội không theo đúng sự tính toán chính trị này. Nhưng tính toán chính trị rất mạnh, tôi hy vọng là họ có thể nhìn thấu qua đó.”

Ông Stuster cũng nêu ra điểm các biện pháp chế tài kinh tế quốc tế đã giúp đưa Iran đến bàn thương nghị đã đạt được hiệu quả chính là bởi vì chúng gần như mang tính toàn cầu. Nếu các quốc gia khác bắt đầu huỷ bỏ các biện pháp chế tài theo một thoả thuận “sẽ là giảm thiểu tác động mà Quốc hội có thể có trong tác dụng như một vật cản đối với một thoả thuận hạt nhân.”

Các nhà phân tích không lấy làm ngạc nhiên là các cuộc đàm phán với Iran đang đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng vào lúc sắp đến kỳ hạn. Và họ thừa nhận sẽ không có gì bảo đảm là sẽ đạt được một thoả thuận, hay thoả thuận sẽ có hiệu quả. Tuy nhiên, đa số chuyên gia coi các cuộc đàm phán là lựa chọn tốt hơn so với một sự đối đầu trở lại.

Ông Stuster nói, “Có cơ may chúng ta đạt được một thoả thuận và nó không có tác dụng, chứng nó chắc chắn là một lựa chọn tốt hơn.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG