Đường dẫn truy cập

Iran vẫn theo đuổi vũ khí nguyên tử, hỗ trợ hoạt động cực đoan


Bản phúc trình chính thức đầu tiên của Ngũ Giác Đài về khả năng quân sự của Iran nói rằng mục tiêu chính của chính quyền Tehran là sự sống còn của chính họ. Bản phúc trình xác nhận rằng vì thế, giới lãnh đạo tại nước này đã áp dụng một chiến lược chủ yếu có tính phòng thủ, bao gồm hệ thống phòng vệ kỹ thuật cao nhằm phát hiện và ngăn chặn một cuộc tấn công tinh vi.

Nhưng bản phúc trình cũng nói rằng Iran vẫn tiếp tục cố gắng hướng tới việc triển khai một vũ khí hạt nhân và các phi đạn ngày càng có tầm xa hơn. Bản phúc trình ghi nhận rằng Iran đã vấp phải một số vấn đề tại cơ sở tinh chế uranium chính của họ, nhưng nói rằng một cơ sở mới dự kiến sẽ được xây dựng vào năm tới. Bản phúc trình không ước tính chừng nào thì Iran có thể chế tạo được một vũ khí hạt nhân, nhưng các giới chức Hoa Kỳ, trong đó có Thượng Tướng Ronald Burgess, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, nói rằng điều này có thể sẽ sớm xảy ra.

Tướng Burgess cho biết: “Ước tính chung là khoảng một năm nữa, vì không biết rõ con số chính xác những máy ly tâm mà chúng ta có thể nhìn thấy."

Nhưng Tướng Burgess cũng nói các cơ quan tình báo Mỹ không biết là liệu giới lãnh đạo Iran có chính thức thực hiện quyết định thực sự chế tạo một thứ vũ khí như vậy không; ông nói, vì chính sự sống còn của họ, chính quyền Iran có phần chắc sẽ không cố tình gây chiến hoặc là mở cuộc tấn công phủ đầu.

Bản phúc trình của Ngũ Giác Đài nói Iran cũng đang cố gắng xây dựng khả năng phi đạn đạn đạo của họ, và tuyên bố rằng họ có một phi đạn mới với tầm xa 2 ngàn kilomet. Vẫn theo bản phúc trình, Iran cũng đã thực hiện được những cải tiến về sự chính xác và tải trọng của các đầu đạn, và ước đoán rằng nước này có thể có một phi đạn có khả năng phóng tới Hoa Kỳ trước năm 2015 nếu như Iran có được hỗ trơ nào đó từ nước ngoài.

Bản phúc trình nói Iran đã sẵn có các phi đạn tầm ngắn có thể tấn công các quốc gia lân cận, và lực lượng Hoa Kỳ trú đóng trong khu vực, bằng các đầu đạn đúng qui ước. Phúc trình cũng nói Iran đã cải thiện hệ thống phòng thủ bảo vệ các trạm phóng đầu đạn của họ.

Bản phúc trình cũng nói rằng chính phủ Iran theo đuổi một chính sách phản động qua những nhóm cực đoan ở nước ngoài, đặc biệt là tại Trung Đông. Nhưng phúc trình nói các cơ quan Iran đã xây dựng những khả năng hoạt động tại các nơi khác nữa trong những năm gần đây, thậm chí tại những nơi xa như Venezuela. Không có thêm chi tiết nào được đưa ra.

Trong cuộc điều trần trước một ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ tuần trước, Thượng tướng Burguess đã mô tả hoạt động của Iran tại nước ngoài như sau.

Ông Burguess nói: Một công cụ chính mà Iran sử dụng là bảo trợ tích cực các nhóm khủng bố và bán quân sự, để phục vụ cho sách lược răn đe và tạo áp lực các quốc gia khác. Điều này bao gồm việc giao vũ khí độc hại cho các phần tử chủ chiến chọn lọc người Shia ở Iraq và phe Taliban tại Afghanistan.”

Tướng Burgess nói thêm, những hoạt động kiểu đó được xử lý bởi các lực lượng bán tự trị Quds, đơn vị vệ binh cách mạng Hồi giáo tại Iran. Người ta không rõ chính quyền Iran chỉ huy đơn vị này tới mức độ nào, nhưng tướng Burgess nói nó không hoàn toàn tự điều hành.

Tướng Burgess nhận xét: “Tôi cho rằng điều tôi muốn trình bày trong bản minh chứng này là lực lượng Quds, hay là bọn IRGC, được điều khiển một phần từ trên cao. Tới mức nào thì tôi chưa được chuẩn bị để đi vào chi tiết. Nhưng đó không phải là một lực lượng tự trị, mà có sự điều khiển từ trên.”

Phúc trình của Bộ Quốc phòng nói đơn vị Lực lượng Quds vẫn tiếp tục hậu thuẫn các phần tử nổi dậy tại Iraq, và tại Afghanistan với mức độ ít hơn, thậm chí ngay trong lúc chính phủ Iran theo đuổi mối bang giao cấp nhà nước với những chính phủ được Hoa Kỳ hỗ trợ tại các nước đó.

Vào ngày thứ tư tuần này, ông Geoff Morrell phát ngôn viên Ngũ Giác Đài nói Iran đang đe dọa các chính phủ tại Iraq và Afghanistan ngay trong lúc Iran xây dựng các quan hệ chính thức với các nước này.

Nhưng ông Morrell nói bản phúc trình về sức mạnh của Iran, công bố trong tuần này, chủ yếu là một sưu tập các thông tin và những phân tích đã từng được công bố bởi Bộ Quốc phòng và những cơ quan khác của chính phủ Hoa Kỳ .

Ông Morrell nói: “Thật sự tôi không nghĩ rằng bất kỳ điều gì được chia sẻ trong bản phúc trình mà tôi đã đọc tối hôm trước có gì là mới mẻ, và cần tới những sự điều chỉnh tại đây cũng như trong chính phủ về cách thức đối phó với Iran.”

Bản phúc trình vừa kể là bản đầu tiên thuộc loại này và do Quốc Hội yêu cầu. Vẫn theo bản phúc trình, mức chi về Quốc phòng hàng năm của Iran tương đương với 9.6 tỉ năm ngoái, chỉ kém Hoa Kỳ có 2%, nhưng chưa bao gồm những hoạt động của các cơ quan như Quds Force.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG