Đường dẫn truy cập

Ông Trọng thúc giục chống tham nhũng đất đai, tài nguyên, tài sản công


TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng phát biểu với Ban Nội chính Trung ương
TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng phát biểu với Ban Nội chính Trung ương

Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam, tại hai hội nghị khác nhau trong hai ngày liên tiếp, có những phát biểu yêu cầu 2 ban quan trọng của đảng đẩy mạnh chống tham nhũng, nhất là trong các lĩnh vực “quản lý, sử dụng đất đai; khai thác tài nguyên, khoáng sản” và “mua bán, chuyển nhượng tài sản công”, theo báo chí Việt Nam.

Các bản tin của Thanh Niên, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh, VNExpress, và Zing.vn nói ông Nguyễn Phú Trọng đã “chủ trì” một phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hôm 21/1 với cương vị là “Trưởng ban chỉ đạo”, và tiếp đó, hôm 22/1, ông Trọng đã đến dự “hội nghị tổng kết năm 2018” của Ban Nội chính Trung ương.

Phát biếu trước Ban chỉ đạo, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng điểm lại rằng trong năm 2018, hơn 650 đảng viên các cấp đã bị “kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái”. Đáng chú ý, theo lời ông Trọng, kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ 12, hồi cuối tháng 1/2016, đến nay đảng đã thi hành kỷ luật hơn 60 cán bộ cấp cao “thuộc diện Trung ương quản lý”.

Nhà lãnh đạo nắm cả hai chức vụ hàng đầu của Việt Nam đưa ra nhận định rằng “tham nhũng từng bước bị ngăn chặn, đẩy lùi” và nhấn mạnh đến thực tế là các ủy ban kiểm tra của đảng ở các cấp đã “xử lý nghiêm cả cán bộ đương chức lẫn cán bộ đã nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao”, theo các báo trong nước.

Ngoài ra, ông Trọng cũng đưa ra các dữ liệu để củng cố nhận định của ông. Một bài báo của Zing.vn đưa tin về phát biểu của ông Trọng viết rằng trong năm 2018, “cơ quan thanh tra, kiểm toán kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 108.000 tỷ đồng, hơn 1.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 2080 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 101 vụ, 151 đối tượng”.

Một bài báo khác của VNExpress trích lời ông Trọng nói công tác thanh tra “có bước tiến mạnh”, với kết quả trong năm 2018 là “đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi trên 33.000 tỷ đồng; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt trên 30%”.

Ông Đinh La Thăng, từng là ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, bị xử tù vì tham nhũng
Ông Đinh La Thăng, từng là ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, bị xử tù vì tham nhũng

Mặc dù vậy, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Trọng cũng thừa nhận vẫn có những “hạn chế, khuyết điểm” trong công tác chống tham nhũng, theo báo chí.

Không đi vào chi tiết, ông Trọng được báo chí trích lời nói rằng “việc xây dựng, hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án, xác minh một số vụ việc còn chậm; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở còn hạn chế; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực ("tham nhũng vặt") vẫn xảy ra ở nhiều nơi gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp...”

Nhà lãnh đạo kiêm chức Trưởng ban chỉ đạo chống tham nhũng nêu rõ rằng trong năm 2019, công tác phòng, chống tham nhũng “phải tiếp tục quyết liệt”. Bên cạnh đó, ông Trọng cũng đặt ra mục tiêu là đến hết nhiệm kỳ của ông, Ban chỉ đạo chống tham nhũng sẽ “cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để ‘không thể tham nhũng’”.

Vấn đề chống tham nhũng cũng là trọng tâm trong bài phát biểu của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Trọng khi ông dự hội nghị của Ban Nội chính Trung ương hôm 22/1.

Ông Trọng gọi ban này là “cơ quan tham mưu chiến lược” của đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

Trọng trách trong năm 2019 mà Tổng bí thư-Chủ tịch nước đặt ra với ban là “phải tham mưu hoàn thiện các quy định của Đảng; thể chế, chính sách, pháp luật của nhà nước; bịt kín những ‘khoảng trống’, ‘kẽ hở’ để ‘không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng’”, các bản tin trong nước cho hay.

Cụ thể hơn, theo một bài của Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh, vị lãnh đạo tối cao của Việt Nam yêu cầu Ban Nội chính Trung ương giúp Bộ Chính trị, được xem là có nhiều quyền lực nhất trong đảng, và các đảng ủy cấp tỉnh, thành “nâng cao hiệu quả” phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực chính như “quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; mua bán, chuyển nhượng tài sản công; cổ phần hóa, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp”.

Cũng bị nhắm làm mục tiêu là “hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT; quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh”, các bản tin cho hay.

Trong bài phát biểu với Ban Nội chính, ông Trọng nói việc phòng, chống tham nhũng thật “khó” và “phức tạp” vì việc này “đụng chạm đến lợi ích, đụng chạm đến con người”.

Theo lời ông được báo chí dẫn lại, “lợi ích ở đây là lợi ích nhóm, nó liên quan chằng chịt với nhau, ở các cấp, các ngành, rất lắt léo”. Vì vậy, nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam cho rằng “các cơ quan chức năng phải thực sự có bản lĩnh, có kiến thức, có kinh nghiệm, đặc biệt là phải trong sáng, công tâm, liêm khiết, phối hợp chặt chẽ” trong nỗ lực phòng chống tham nhũng.

Theo quan sát của VOA, phản ứng trên mạng xã hội về các bản tin kể trên của báo chí nhà nước, dư luận tỏ ra không mấy lạc quan về các thành tựu chống tham nhũng.

Mâu thuẫn về đất đai giữa người dân và nhà nước đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình ở Việt Nam
Mâu thuẫn về đất đai giữa người dân và nhà nước đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình ở Việt Nam

Khoảng 100 lời bình luận trong diễn đàn Bàn luận về Kinh tế-Chính trị có hơn 183.000 thành viên, trên nền tảng Facebook, cho rằng nhóm lợi ích lớn nhất chính là “Đảng Cộng sản”, và chỉ những đảng viên cộng sản mới có thể tham nhũng, hay “với một đảng duy nhất, không bao giờ hết tham nhũng”.

Một số thành viên đưa ra ý kiến rằng việc đảng chống tham nhũng khó vì “tay ai cũng nhúng chàm”. Cũng có người nhận định rằng việc chống tham nhũng có thể “khó với ông Trọng, nhưng không khó với dân”. Theo họ, chỉ cần “xóa bỏ cái thể chế chính trị ông đang điều hành là xong”.

Trong khi đó, có thành viên nêu ra việc phải áp dụng các biện pháp cực kỳ cứng rắn như “Cứ tham nhũng là bắn vào đầu chúng nó là hết”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động vì dân chủ nổi tiếng, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của VOA từng đề xuất rằng Việt Nam không cần đi đâu xa mà hãy “học” Singapore ngay trong khu vực.

Theo tiến sĩ Quang A, chống tham nhũng hiệu quả không nhất thiết phải gắn với thể chế dân chủ vì thực tế cho thấy có những nước dân chủ nhưng tham nhũng vẫn cao, và ngược lại.

Ông Quang A phân tích thêm: “Singapore chưa phải là một nước dân chủ, nhưng nền pháp trị của người ta rất rạch ròi. Pháp luật là trên hết, không có ai là ngoại trừ cả. Quản trị đất nước một cách minh bạch, hiệu quả. Chuyện minh bạch là rất quan trọng trong chống tham nhũng. Luật pháp nghiêm minh, minh bạch và quản trị tốt thì lập tức tham nhũng sẽ giảm”.

Nhà hoạt động này cho rằng tuy Việt Nam khác Singapore ở quy mô lãnh thổ và dân số, song nếu các nhà lãnh đạo chóp bu trong Bộ Chính trị quyền lực nhất của Đảng Cộng sản thật sự cứng rắn, họ vẫn có thể kiểm soát hay thậm chí định đoạt số phận của các lãnh đạo cấp dưới, những người thường được người dân và đôi khi cả báo chí gọi là “những ông vua con".

Chủ tịch nước thúc giục chống tham nhũng
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:41 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG