Đường dẫn truy cập

Ở Việt Nam, ‘cám ơn’ không dễ... hiểu


Các cơ quan tư pháp tại Việt Nam không xem ông Nguyễn Văn Vịnh, ông Chu Ngọc Anh hoặc nhiều người tương tự nhận “quà cám ơn” là “nhận hối lộ”.
Các cơ quan tư pháp tại Việt Nam không xem ông Nguyễn Văn Vịnh, ông Chu Ngọc Anh hoặc nhiều người tương tự nhận “quà cám ơn” là “nhận hối lộ”.

Ông Vịnh là người hỗ trợ Công ty Lilama thực hiện kế hoạch khai thác apatite suốt từ 2009 đến 2015, lúc ông còn là Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai đến khi ông trở thành Chủ tịch tỉnh rồi Bí thư tỉnh này.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Lào Cai, cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN khóa 12 vừa bị truy tố vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Nói cách khác, các cơ quan tư pháp (công an, kiểm sát) nhất trí chuyện ông Vịnh nhận năm tỉ đồng của Công ty Lilama hồi Tết âm lịch năm 2015 là “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ông Vịnh bị công an khởi tố rồi kiểm sát truy tố vì Bộ Công Thương đã xác định ở thôn 2, xã Đồng Tuyên, thành phố Lào Cai có một mỏ apatite (khoáng vật dùng vào việc sản xuất các hoạt chất trong y khoa hay sản xuất phân bón), theo quy định của pháp luật thì muốn khai thác apatite tại đó phải xin phép Bộ Tài nguyên Môi trường. Tuy nhiên nhiều viên chức hữu trách của tỉnh Lào Cai không tuân thủ quy định này, cấp khu đất có mỏ apatit cho Công ty Lilama để doanh nghiệp này thực hiện một dự án xây dựng nhà hàng, khách sạn.

Với giấy phép đầu tư vừa kể, Công ty Lilama đã khai thác apatite rồi bán cho một doanh nghiệp khác. Lượng apatite bị khai thác trái phép tại thôn 2, xã Đồng Tuyên, thành phố Lào Cai trị giá hơn 600 tỉ đồng.

Ông Vịnh là người hỗ trợ Công ty Lilama thực hiện kế hoạch khai thác apatite suốt từ 2009 đến 2015, lúc ông còn là Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai đến khi ông trở thành Chủ tịch tỉnh rồi Bí thư tỉnh này.

Cứ như Kết luận điều tra và Cáo trạng thì ông Vịnh hoàn toàn “chí công, vô tư” suốt từ 2009 đến Tết âm lịch năm 2015 – từ lúc thông qua chủ trương đầu tư, cấp giấy phép đầu tư nhà hàng - khách sạn, đến cấp giấy phép tận thu apatite, cấp giấy phép tiêu thụ apatite. Ông Vịnh chỉ phạm tội khi nhận món quà cám ơn trị giá năm tỉ đồng của Công ty Lilama nhân dịp Tết Nguyên đán (1). Thiên hạ có tin hay không không quan trọng. Quan trọng là cả công an lẫn kiểm sát cùng bảo như thế và chắc tòa án cũng sẽ nhất trí.

***

Cũng nhận quà cám ơn nhưng ông Chu Ngọc Anh (Chủ tịch Hà Nội, cựu Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13) lại bị truy tố tội khác - tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trước khi trở thành Chủ tịch Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh là Bộ trưởng Khoa học Công nghệ (KHCN). Ở cương vị này, ông Anh đã cho phép Học viện Quân y liên kết với Công ty Việt Á sử dụng công quỹ “nghiên cứu” về bộ xét nghiệm COVID-19. Về nguyên tắc, kết quả nghiên cứu thuộc quyền sở hữu của nhà nước nhưng Công ty Việt Á lại sử dụng thành quả để kinh doanh. Tuy “nghiên cứu” và “thành quả” có nhiều vấn đề cần bàn cặn kẽ hơn nhưng xin đề cập vào dịp khác, kẻ viết bài này chỉ muốn nhấn mạnh, ông Anh không tùy tiện như thế thì sẽ không có bộ xét nghiệm COVID-19 do “Việt Á nghiên cứu, sản xuất”, bộ xét nghiệm COVID-19 này không thể đạt mức tiêu thụ như đã biết và tất nhiên, không có đại án Việt Á!

Ông Phan Quốc Việt – nhân vật được xác định là chính phạm trong đại án Việt Á khai đã gửi quà để “cám ơn” ông Anh (2). Ông Anh thừa nhận điều này và các cơ quan tư pháp xem việc nhận 200.000 Mỹ kim (xấp xỉ năm tỉ đồng) ấy không phải là nhận hối lộ.

***

Luật Hình sự Việt Nam xác định, “nhận hối lộ” là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích vật chất hoặc phi vật chất nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ” và nhận từ ba tỉ đồng trở lên là có thể bị phạt tù chung thân hặc tử hình (3) song các cơ quan tư pháp tại Việt Nam không xem ông Vịnh, ông Anh hoặc nhiều người nhận “quà cám ơn” như họ là “nhận hối lộ”.

Dẫu bản chất và hậu quả của việc ông Vịnh, ông Anh nhận “quà cám ơn” chẳng khác gì nhau song ông Vịnh bị truy tố vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ với hình phạt từ 5 năm tù (thấp nhất) đến 15 năm tù (cao nhất) [4]. Còn ông Anh bị truy tố tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” với hình phạt từ... cải tạo không giam giữ đến ba năm (thấp nhất) hoặc phạt tù đến 12 năm tù (cao nhất) [5].

Bất kỳ ai cũng có thể xác định hậu quả của việc ông Vịnh nhận “quà cám ơn” có nghiêm trọng hơn hậu quả của việc ông Anh nhận “quà cám ơn” hay không (?), thế thì tại sao ông Vịnh lại bị khởi tố và truy tố với tội danh nặng hơn? Chẳng lẽ ông Vịnh là Ủy viên BCH TƯ đảng đã nghỉ hưu còn ông Anh là Ủy viên BCH TƯ đương nhiệm, do vậy ông còn nhiều “chiến hữu” đang tại nhiệm? Đây là những câu hỏi chỉ các cơ quan tư pháp đang bảo vệ “pháp chế XHCN” mới có thể trả lời!

Chú thích

(1) https://vnexpress.net/cuu-bi-thu-tinh-uy-lao-cai-bi-truy-to-vi-nhan-5-ty-dong-cam-on-4666141.html

(2) https://danviet.vn/vu-an-viet-a-cuu-bo-truong-chu-ngoc-anh-noi-to-cam-on-khi-nhan-200000-usd-cua-phan-quoc-viet-20230818164315945.htm

(3) https://thuvienphapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/839C641-hd-nhan-hoi-lo-bao-nhieu-tien-thi-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su.html

(5) https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/toi-vi-pham-quy-dinh-ve-su-dung-tai-san-nha-nuoc-gay-that-thoat-lang-phi-co-bao-nhieu-khung-hinh-ph-374543-57149.html

(6) https://thuvienphapluat.vn/banan/tin-tuc/toi-loi-dung-chuc-vu-quyen-han-khi-thi-hanh-cong-vu-bi-xu-phat-the-nao-7670

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG