Đường dẫn truy cập

Nắng nóng và cháy rừng hoành hành khắp châu Âu


Lính cứu hỏa đang cố gắng dập lửa ở Louchats gần Gironde, miền tây nam nước Pháp 
Lính cứu hỏa đang cố gắng dập lửa ở Louchats gần Gironde, miền tây nam nước Pháp 

Anh được dự báo sẽ chứng kiến nhiệt độ lần đầu tiên lên đến 40 độ C hôm 19/7 sau khi ghi nhận buổi tối nóng nhất từng được biết, trong khi cháy rừng hoành hành trên khắp vùng đồng quê đất đai nứt nẻ ở Pháp, Tây Ban Nha và những nơi khác.

Khi đợt nóng vốn bao trùm nam Âu hồi tuần trước tiến về phía bắc Âu, miền nam và miền tây nước Đức và Bỉ cũng chuẩn bị cho nhiệt độ có khả năng phá kỷ lục, với nhiều nhà khoa học đổ lỗi cho biến đổi khí hậu.

Trong khi nhiệt độ giảm trở lại mức bình thường của mùa hè ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, lính cứu hỏa ở cả hai nước vẫn đang chiến đấu dập lửa nhiều đám cháy.

Anh đã được đặt trong tình trạng ‘khẩn cấp quốc gia’ khi nhiệt độ dự báo vượt qua kỷ lục trước đó là 38,7 độ C được ghi nhận vào năm 2019, với cái nóng cực đoan làm gián đoạn việc đi lại khi một số chuyến tàu buộc phải ngừng chạy và các chuyến bay bị hủy.

“Chúng tôi đã chứng kiến việc đi lại bị gián đoạn đáng kể”, Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps nói với BBC.

“Có lẽ chúng ta sẽ chứng kiến ngày nóng nhất từng có ở Anh được ghi nhận vào hôm nay, và cơ sở hạ tầng, phần lớn được xây dựng từ thời Victoria, rõ ràng là không được xây để đương đầu với nhiệt độ ở mức này”.

Một nghiên cứu được các nhà khoa học khí tượng công bố vào tháng 6 trên tạp chí ‘Nghiên cứu môi trường: Khí hậu’ đã kết luận rằng rất có khả năng biến đổi khí hậu đang làm các đợt nắng nóng trở nên tồi tệ hơn.

Với biến đổi khí hậu do con người gây ra dẫn đến hạn hán, số vụ cháy rừng cực đoan dự kiến sẽ tăng 30% trong vòng 28 năm tới, theo một phúc trình của Liên Hợp Quốc vào tháng 2/2022.

Hơn 30 trận cháy rừng tiếp tục tàn phá các vùng ở Tây Ban Nha, trong đó nhà chức trách đặc biệt chú ý đến bốn đám cháy ở Castile và Leon và Galicia.

Tại Losacio, thuộc tỉnh tây bắc Zamora, nơi có hai người chết và ba người bị thương nặng, hơn 6.000 người ở 32 ngôi làng đã được sơ tán.

Cảnh quay kịch tính cho thấy ngọn lửa và cột khói bốc lên bầu trời đêm gần thị trấn Tabara của Zamora.

Tại Galicia, hơn 1.500 người đã được sơ tán khỏi đường đi của bốn đám cháy, với một số tòa nhà bị hư hại.

Tính đến thời gian này trong năm nay, 70,000 ha đã bị cháy ở nước này, khoảng gấp đôi mức trung bình của thập kỷ trước, dữ liệu chính thức cho thấy trước đợt nóng.

Ở nước láng giềng Bồ Đào Nha, khoảng 50 vùng đô thị, chủ yếu ở miền trung và miền bắc, vẫn đối mặt với ‘nguy cơ cao nhất’ về cháy rừng, theo viện thời tiết IPMA.

Hơn 1.000 lính cứu hỏa đã vật lộn với năm trận cháy lớn, trong đó đám lớn nhất bắt đầu ở thành phố phía bắc Murça và lan sang hai thành phố lân cận.

Hàng trăm người đã được sơ tán khỏi các ngôi làng và một cặp vợ chồng lớn tuổi được phát hiện đã chết hôm 18/7 bên trong một chiếc xe bị cháy.

Các đám cháy lớn cũng tiếp tục bùng cháy ở Gironde, tây nam nước Pháp, nơi 34.000 người đã được sơ tán.

Khoảng 2.000 lính cứu hỏa với sự hỗ trợ của máy bay thả nước đang chiến đấu với đám cháy, vốn bắt đầu từ một tuần trước và đã thiêu rụi khoảng 19.300 ha.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG