Đường dẫn truy cập

Hội nghị hạt nhân Seoul không đem lại kết quả đáng kể


Sinh viên Hàn quốc biểu tình chống hạt nhân bên ngoài trường Đại học Hankuk ở Seoul, ngày 26/3/2012
Sinh viên Hàn quốc biểu tình chống hạt nhân bên ngoài trường Đại học Hankuk ở Seoul, ngày 26/3/2012

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay đã họp với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và các giới chức cấp cao của gần 50 quốc gia để tìm cách giảm thiểu nguy cơ về chủ nghĩa khủng bố hạt nhân. Nhưng hội nghị ở thủ đô Nam Triều Tiên đã bị lu mờ vì những quan ngại về các hoạt động hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Từ địa điểm hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân ở Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

  • Vào lúc kết thúc 2 ngày đàm phán tại Seoul, các nhà lãnh đạo của hơn 50 quốc gia đã công bố một thông cáo trong đó:


  • - Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các công cụ đa phương để giải quyết vấn đề an ninh hạt nhân.


  • - Tái khẳng định vai trò của IAEA trong việc tăng cường an ninh hạt nhân.


  • - Nhấn mạnh rằng uranium tinh chế ở mức cao và plutonium tách rời đòi hỏi những biện pháp đề phòng đặc biệt.


  • - Kêu gọi các quốc gia bảo toàn chất liệu hạt nhân trong khi cứu xét các công dụng y khoa, khảo cứu và công nghiệp.


  • - Nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khẩn cấp tại các cơ sở hạt nhân.


  • - Nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đề phòng, phát hiện và truy tố việc mua bán hạt nhân bất hợp pháp.

Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân đã tránh không mở rộng sứ mạng của mình để kêu gọi thực hiện các biện pháp cụ thể hướng tới việc thế giới loại trừ vũ khí nguyên tử.

Nước chủ nhà Nam Triều Tiên nói cuộc họp thượng đỉnh “đem lại các kết quả thực tiễn để giảm thiểu mối đe dọa khủng bố hạt nhân.”

Nhưng các chuyên gia gọi các kết quả trên thực tế là khiêm nhường và nêu ra rằng đã không phê chuẩn được điều gì có tính cưỡng hành.

Italia đã cam kết loại bỏ tất cả các chất liệu hạt nhân.

Hoa Kỳ đã cùng với Bỉ, Pháp và Hà Lan đạt một thỏa thuận bắt đầu sản xuất trong vòng 4 năm nữa, các chất đồng vị y khoa mà không sử dụng đến uranium được tinh chế cao.

Nhiều nước đã đồng ý chuyển qua uranium tinh chế ở mức thấp, không thể dùng làm vũ khí để làm nhiên liệu cho các lò phản ứng khảo cứu.

Nhưng ngoài những sự kiện vừa kể, thì có rất ít kết quả góp phần vào mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh là làm cho các chất liệu hạt nhân trên khắp thế giới được an toàn hơn.

Thông cáo công bố vào cuối hội nghị thượng đỉnh không đề cập đến Bắc Triều Tiên hay Iran. Hai nước này là mối quan ngại hàng đầu khi nói đến việc phát triển các vũ khí hạt nhân đáng nghi ngờ.

Trước việc Bắc Triều Tiên phóng một phi đạn đạn đạo có thể chỉ trong vài tuần nữa, Tổng thống Obama và các đối tác của ông đã thảo luận bên lề hội nghị về cách thức đáp ứng nếu Bình Nhưỡng xúc tiến hành động mà họ gọi là một vụ phóng vào không gian với mục đích hòa bình.

Bộ trưởng bộ Thống nhất Nam Triều Tiên Yu Woo-ik tuyên bố trong khi Bắc Triều Tiên không nằm trong nghị trình thảo luận, các nước tham dự hội nghị đều đồng ý về vấn đề Bình Nhưỡng.

Là người phối hợp chính sách của Seoul đối với Bắc Triều Tiên, ông Yu nói các nhà lãnh đạo dự cuộc họp thượng đỉnh đã đưa ra một cách rõ ràng các yêu cầu đòi Bình Nhưỡng từ bỏ kế hoạch phóng phi đạn vào giữa tháng tư.

Người chủ trì hội nghị, Tổng thống Lee Myung-bak của Nam Triều Tiên, nói rằng việc miền Bắc theo đuổi các dự án như thế trong khi dân chúng của họ quá thiếu thốn là một điều không xứng hợp.

Ông Lee nói vụ phóng sẽ chỉ làm cho Bình Nhưỡng cô lập hơn với cộng đồng quốc tế.

Trong một tuyên bố hôm nay, Bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên bênh vực vụ phóng theo kế hoạch đã định, và lập luận rằng không nên coi sự kiện này như một vi phạm các biện pháp chế tài cấm họ sử dụng kỹ thuật phi đạn đạn đạo.

Thông cáo của Bình Nhưỡng nói rằng họ “sẽ không bao giờ từ bỏ vụ phóng vệ tinh.” Thông cáo còn nói một hoạt động hòa bình như thế là một quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền và là điều cấp thiết cho sự phát triển kinh tế của Bắc Triều Tiên.

Quốc gia nghèo khó và cô lập này đã hai lần thất bại trong việc đưa một vệ tinh vào quỹ đạo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG