Đường dẫn truy cập

Những điều tân du học sinh nên biết (p1)


Mấy hôm trước, mọi người ở chỗ Cá cứ hễ đi ra ngoài là lại bàn tán chuyện sao thời tiết năm nay lạnh thế, nhất là khi bây giờ mới chỉ tháng 8. Riêng Cá thì lại thấy không lạ lắm, mà lại còn thấy quen quen, vì Cá nhớ lần đầu tiên khi tới Mỹ, một đứa học sinh Việt Nam người gầy nhom, da bọc xương, đã run cầm cập vì cái ‘rét’ mùa thu ở Mỹ. Nói là rét thì cũng hơi quá, nhưng nếu ở Việt Nam, thì mọi người ít nhất cũng phải mặc áo khoác rồi. Đến năm thứ hai quay lại Mỹ, cho dù sau một năm tăng cân vù vù và khái niệm rét đã được Cá chuyển sang khái niệm ‘mát trời,’ nhưng quả thật là mùa thu ở Mỹ vẫn không thể coi thường. Nhân dịp không đặc biệt cho lắm với những người không phải là sinh viên, Cá xin viết một bài dành đặc biệt cho các tân du học sinh Mỹ. (Nhân tiện, có bạn nào giải thích cho Cá rõ một chút là tại sao cho dù trở thành sinh viên đại học rồi nhưng mọi người vẫn nói là du học sinh chứ không phải là du sinh viên không?? Câu hỏi ngoài lề thôi, Cá vốn mắc bệnh tò mò mà…)

Như tiêu đề Cá đã nói, bài này Cá sẽ điểm qua một số điều mà những bạn du học sinh mới chân ướt chân ráo đặt chân đến Mỹ nên và có lẽ cũng cần biết. Những điều này không phải là những ‘nội quy,’ không phải là những ‘chân lý’ từ sách vở, mà tất cả chỉ được đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân của Cá. Nó có thể đúng với người này, nhưng có thể không phù hợp với người khác. Cho nên nếu các bạn thấy những điều Cá nói không thuyết phục các bạn thì cũng đừng thắc mắc nha. Còn nếu bạn nào có thêm đóng góp thì cứ để lại comment bên dưới cho những người khác cùng biết nha.
  1. Hành lý: Khi bạn xuống sân bay và phát hiện rằng người ở đây nhưng hành lý thất lạc nơi nao thì đừng hoảng hốt. Chuyện thất lạc hành lý là chuyện bình
    thường, nhất là đối với những chuyến bay dài từ Việt Nam qua Mỹ, phải chuyển qua 3,4 chặng bay và chuyện chuyến bay bị trì hoãn là hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì những lần trễ, hoãn này mà xác suất hành lý ký gửi bị thất lạc là chuyện không bất ngờ. Cho nên, nếu khi nhận ra mình là người còn lại duy nhất ở khu lấy hành lý thì bạn cứ bình tĩnh. Hỏi nhân viên sân bay bốc dỡ hành lý ở đó xem còn hành lý nào khác không, nếu không thì bạn hãy đến văn phòng phụ trách hành lý mất, thất lạc gần đó để báo. Thông thường sau khi báo, sẽ mất khoảng 2,3 ngày, thậm chí một tuần để vật trở về với chủ. Chính vì thế khi xếp hành lý, ngoài tiền mặt và chút đồ ăn vặt, Cá bao giờ cũng để ít nhất 2,3 bộ trong hành lý xách tay để đề phòng chuyện này xảy ra còn có đồ mà mặc.
Mà thường thì du học sinh mới sang còn khá nhẹ cân cho nên như Cá đã nói ở trên, thời tiết ở Mỹ có thể nóng, có thể lạnh hơn những gì các bạn tưởng, cho nên một chiếc áo khoác mỏng không bao giờ là thừa.

2. Điện thoại: Có nhiều bạn đã email cho Cá gần đây để hỏi về chuyện này. Bản thân Cá lúc trước thì thú thật Cá không hề mua điện thoại cho tới tận 2,3 tháng sau đó vì một lý do đơn giản. Một khi bạn có laptop, smartphone, hay tablet và thường cho dù ở trong dorm (ký túc) hay thuê nhà ở ngoài thì bạn đều có wifi. Vì thế, nếu muốn liên lạc về gia đình thì chỉ cần bạn có ít nhất một trong ba thứ trên là bạn có thể thông báo tình hình cho gia đình các bạn rồi. Nếu bạn nào ở thành phố lớn thì còn đơn giản hơn vì chỉ cần tạt vào bất cứ một cửa hàng Starbucks nào là bạn đều có thể dùng ké wifi miễn phí rồi. Ngoài ra, nếu bạn chưa hề có bất cứ thứ nào trong ba thứ trên thì bạn có thể dùng máy tính trong thư viện hay các phòng lab của trường. Vì thế, nếu chưa có điện thoại thì các bạn cũng đừng lo quá.

Tuy nhiên, đối với những bạn nào vẫn muốn dùng điện thoại ngay thì cũng không phải là không thể. Ở Mỹ bạn có thể dùng điện thoại theo hai cách chính. Cách thứ nhất là ký hợp đồng (contract) với một công ty mạng nào đó ít nhất hai năm và chọn một plan nào đó. Cách này gọi ngắn gọn là trả sau. Tuy nhiên, để dùng cách này thì bạn cần phải có số Social Security Number thì mới có thể đăng ký được plan với nhà mạng. Nhưng nếu bạn có bạn bè, người quen bên này đã có sẵn plan thì có thể xin cùng vào chung. Dùng trả sau theo dạng này thì số tiền điện thoại một tháng trung bình trong khoảng $30-$60, tùy thuộc vào việc bạn có dùng mạng (data plan) hay không và có bao nhiêu người trong gói điện thoại đó. Càng nhiều người thì càng rẻ, nhưng tối đa chỉ có năm người trong một gói thôi nhé.

Cách thứ hai là trả trước (prepaid). Giống như ở Việt Nam, bạn mua điện thoại, nạp tiền, và dùng thôi. Tuy nhiên, riêng loại prepaid cũng lại có một vài sự lựa chọn. Lấy ví dụ, nếu bạn không quan tâm lắm tới dùng mạng, điện thoại cùi hay đẹp, bạn chỉ cần nghe, gọi, nhắn tin, thì bạn cứ dùng dịch vụ kiểu như tracfone. Mua một chiếc điện thoại, kèm theo thẻ kích hoạt, và cứ vậy mà nạp thẻ thôi. Nhưng loại này không có sim, cho nên về sau nếu bạn có muốn thay đổi điện thoại mà vẫn muốn giữ số thì là điều không thể. Nếu không, bạn đơn giản tìm một nhà mạng nào đò và tìm hiểu các gói trả trước của họ như thế nào và cân nhắc.

Một điều lưu ý là có nhiều bạn nói với Cá là đã mua sẵn sim ở Việt Nam, theo Cá, điều này là không cần thiết vì mang sim sang bên này bạn sẽ phải cắt sim hoặc sẽ phải chịu cước roaming (phí gọi quốc tế) rất cao. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể mang sẵn điện thoại ở Việt Nam của mình sang nếu không muốn mua máy mới. Khi đăng ký dùng trả trước của một hãng nào đó (T-mobile chẳng hạn) thì hãng đó sẽ bắt bạn phải mua máy của họ. Bạn cứ chọn đại một chiếc máy rẻ thôi, chủ yếu để lấy sim, và dùng sim đó lắp vào máy điện thoại của mình là ổn. Nhưng nói chung, không phải hãng nào cũng cho bạn làm như vậy. Vì thế, vào website của từng hãng để tìm hiểu bạn nhé. Hiện tại có một số hãng mà Cá biết như AT&T, Verizon, T-mobile, Sprint, Virgin Mobile. T-mobile thường được chọn vì giá phải chăng. Mặc dù AT&T đắt nhưng lại có chất lượng sóng khá tốt và ổn đinh. Verizon cũng khá tốt. Còn hai hãng còn lại thì Cá không rõ…Bạn có thể thử.

Có lẽ Cá nói quá nhiều cho vấn đề điện thoại, cho nên Cá sẽ chuyển sang vấn đề tiếp theo.

  1. Textbook (sách giáo khoa): Nhiều bạn mới sang thường không biết nhiều về chuyện này nếu chưa hỏi qua các anh chị đi trước. Thường, cả sinh viên Mỹ và
    sinh viên quốc tế đều đau đầu với chuyện mua sách mỗi đầu học kỳ vì chúng quá đắt. Trung bình một cuốn sách giáo khoa được cho là rẻ thì cũng phải 20, 30$. Cá đang nói tới những quyển sách rẻ nhất được bán trong nhà sách của trường. Và nhà sách của trường cũng hay bán đắt hơn ở trên mạng, cho nên bạn không nên mua sách của trường ngay lập tức nhé. Còn sách được coi là đắt ở đây thì $400, $500/một cuốn (ở nhà sách hay cả trên mạng) là chuyện bình thường. Và thường những cuốn sách kinh tế, tài chính, kỹ thuật, toán, khoa học có giá như vậy vì hàng năm họ phải tái bản sách, cập nhật các thông tin mới. Vì thế, giá sách từ phiên bản cũ với phiên bản mới có thể cách xa nhau một trời một vực. Còn những sách các môn xã hội thì giá mềm hơn và không phải năm nào họ cũng phải cập nhật thông tin mới cho nên nhiều khi họ cũng không ra phiên bản mới.
Đó là vấn đề về sách. Vậy đâu là cách giải quyết?

Nguồn đầu tiên bạn nên tìm là hệ thống thư viện ở trường. Bạn không phải lên tận thư viện trường mà tìm sách đâu. Hiện tại, các hệ thống thư viện ở các trường đại học ở Mỹ đều được máy tính hóa, cho nên trong những ngày orientation (giới thiệu tổng quát về trường, môi trường học v..v..) bạn hãy chú ý xem trường có nói về vấn đề thư viện không nhé. Nếu không thì bạn cần phải hỏi nhân viên nhà trường, bạn bè, người quen đi trước để tìm hiểu. Thường nếu bạn mượn được sách trên thư viện thì bạn giải quyết được cả một vấn đề lớn đó. Nhưng số lượng ở thư viện là có hạn nên bạn cần phải nhanh tay, nếu không người khác sẽ mượn trước bạn đó.

Ngoài thư viện, bạn có thể còn một số cách khác để có sách.

Vì tuần đầu tiên của các bạn thường chưa có gì ngoài việc tìm hiểu, tập thích ứng với môi trường mới, kết bạn, và đăng ký môn học cho nên Cá xin tạm dừng ở đây. Trong bài tuần sau, Cá sẽ chia sẻ với các bạn một vài cách nữa để kiếm textbook bên cạnh các vấn đề khác. Bây giờ thì Cá xin chào các bạn và chúc các bạn vượt qua hoặc sẽ vượt qua jetlag sớm nhé.
  • 16x9 Image

    Cá Vàng

    Mong với những trải nghiệm nho nhỏ nhưng rất thật của mình với tư cách là một du học sinh ở Mỹ, mình có thể giúp được một số người, đặc biệt những ai Thích Đi Mỹ, có thể hiểu hơn chút ít về miền đất Bắc Mỹ này.
XS
SM
MD
LG