Đường dẫn truy cập

Nhiều người Việt bình luận việc Trung Quốc giao tàu tốc độ cao cho Lào


Tap chi xe 360 reports on Laos' new high-speed train, Oct. 18, 2021.
Tap chi xe 360 reports on Laos' new high-speed train, Oct. 18, 2021.

Lào tiếp nhận đoàn tàu tốc độ cao đầu tiên của nước này hôm 16/10 để chuẩn bị vận hành, các báo Việt Nam đưa tin, dẫn lại tin của Trung Quốc. Hệ thống tàu này, bao gồm cả đường ray và các đoàn tàu, được đầu tư bằng vốn vay của Trung Quốc và cũng do chính Trung Quốc xây dựng, chế tạo.

Các báo Việt Nam dẫn lại tin của Tân Hoa Xã hoặc Hoàn Cầu Thời Báo cho biết Trung Quốc mới đây giao cho Lào đoàn tàu tốc độ cao chạy tuyến nối Lào với Trung Quốc sẽ khai trương vào ngày 2/12 tới, sau 5 năm thi công với số tiền xấp xỉ 6 tỉ đôla.

Trên tuyến dài tổng cộng 1.000 km này, trong đó, phần bên Lào dài hơn 400 km, mỗi đoàn tàu chạy điện được mô tả là rộng rãi, tiện nghi, hiện đại có thể đạt tốc độ tới 160 kilomet/giờ và chở được 720 khách, các báo tường thuật.

Nhiều người Việt trên các trang Facebook của Soha.vn, IFact và Hà Tĩnh bình luận về việc nhân dân ở nước Lào láng giềng sắp được đi tàu nhanh do Trung Quốc giúp, đồng thời đưa ra so sánh với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội bị đình trệ nhiều năm nay.

Như VOA đã đưa tin, tuyến Cát Linh-Hà Đông dài hơn 13 km do Trung Quốc cho vay và xây dựng với số tiền gần 870 triệu đô la được khởi công cách đây 10 năm, dự kiến khai trương năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng do có nhiều vướng mắc giữa Bộ Giao thông-Vận tải Việt Nam và nhà thầu Trung Quốc.

Trong hơn 1.400 ý kiến đăng trên các trang Facebook mang tên Soha.vn, IFact và Hà Tĩnh, một số người cho rằng Bộ Giao thông Việt Nam nên sang “xách dép” cho Bộ Giao thông Lào, hay cán bộ Lào giỏi hơn, thông minh hơn cán bộ Việt, và mỉa mai rằng tuyến tàu mới của Lào “làm sao so” với tuyến Cát Linh-Hà Đông.

Họ chỉ ra rằng đường sắt Lào mất 14,5 triệu đô la để xây 1km và sau 5 năm đưa vào hoạt động, trong khi Cát Linh-Hà Đông tốn đến 65 triệu đô la cho mỗi kilomet nhưng sau 10 năm xây dựng chưa biết ngày nào mới có thể sử dụng. Không ít người cho biết họ “thấy sốc quá” khi đọc sự so sánh vừa nêu.

Một số người khác đưa ra quan điểm rằng trước đây người Việt khi tự so nước mình với Lào hay Campuchia là để thấy lạc quan rằng vẫn hơn họ điểm này điểm kia, còn nay không dám so nữa, thậm chí có người cho rằng giờ đây “chúng ta không theo kịp Lào”.

Nhưng cũng có những ý kiến cảnh báo rằng dự án mà Lào vay của Trung Quốc đã đội vốn từ 1,6 tỉ đô là lên 6 tỉ, và như vậy Lào đã sập bẫy nợ của Trung Quốc. Mặc dù vậy, những người khác đáp lại rằng dù có sập bẫy hay không, Lào cũng có tàu “để sài” còn hơn là như Việt Nam “bỏ đống tiền ra xong vẫn ngồi ngắm”.

Đưa tin về sự kiện Lào sắp khai trương tuyến tàu nhanh nối với Trung Quốc, Tân Hoa Xã nói tuyến đường giúp hiện thực hóa giấc mơ của nước Lào không có biển trở thành một trung tâm nằm sâu trong đất liền được kết nối với bên ngoài.

Đại sứ Trung Quốc tại Lào Jiang Zaidong được thông tấn xã nhà nước Trung Quốc trích lời nói rằng việc bàn giao đoàn tàu là một tiến bộ có tính quyết định trong việc xây dựng tuyến đường sắt Trung-Lào, và cũng là dấu mốc về sự ghép nối chiến lược giữa Sáng kiến Vành đai-Con đường của Trung Quốc và sách lược chuyển đổi nước Lào sang một trung tâm có sự kết nối trên bộ.

VOA quan sát thấy nhiều người Việt tỏ ý lo ngại trên các trang Soha.vn, IFact và Hà Tĩnh về việc Lào ngày càng gắn bó và chịu ảnh hưởng của Trung Quốc trong khuôn khổ Vành đai-Con đường.

VOA Express

XS
SM
MD
LG