Đường dẫn truy cập

Nhà máy Bình Sơn tăng 112% công suất để giảm áp lực khan hiếm xăng dầu


Nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi.

Nhà máy lọc dầu Bình Sơn của Việt Nam, chiếm khoảng 1/3 sản lượng quốc gia, vừa đẩy mạnh sản xuất hơn nữa giữa lúc nước này tìm cách ngăn chặn tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu, theo Reuters.

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết trong một tuyên bố vào cuối tuần rằng nhà máy lọc dầu Dung Quất với công suất 130.000 thùng / ngày hiện đang hoạt động ở mức 112% công suất thiết kế, tăng so với 109% trước đây, nhằm giảm bớt áp lực đối với nguồn cung nhiên liệu địa phương.

“Nhà máy có thể tăng và giữ ổn định ở 112% công suất nếu đảm bảo nguồn nguyên liệu bổ sung và điều kiện thời tiết thuận lợi. Hiện từ đêm 4/11 đến rạng sáng 5/11/2022, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã nâng dần công suất lên 112% để góp phần giảm áp lực nguồn cung xăng dầu cho đất nước”, tuyên bố của công ty cho biết.

Việt Nam hiện có hai nhà máy lọc dầu với tổng công suất 330.000 thùng / ngày, đáp ứng 70% đến 80% nhu cầu nhiên liệu. Nhà máy còn lại là nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa, với công suất thiết kế 200.000 thùng dầu thô /ngày, tương đương 10 triệu tấn/ năm.

Vào tháng trước, Bộ Công Thương Việt Nam yêu cầu hai nhà máy này phải tăng công suất để phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hôm 5/11 cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc đảm bảo các sản phẩm xăng dầu tinh chế, sau khi hàng trăm cửa hàng xăng dầu ở các thành phố lớn nhất đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng trong những tuần gần đây, với lý do khó khăn về tài chính và nguồn cung khan hiếm.

Cũng hôm 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính thừa nhận rằng các cơ quan chức năng đã chậm phản ứng trước tình trạng khan hiếm nhiên liệu và Việt Nam sẽ xem xét nâng công suất dự trữ nhiên liệu quốc gia và sản xuất nhiên liệu trong nước để tránh tình trạng thiếu nhiên liệu trong tương lai.

Reuters dẫn dữ liệu chính thức của Việt Nam cho biết nhập khẩu nhiên liệu tinh chế của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2022 đã tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước, tăng lên 7,13 triệu tấn, nhưng chi phí đã tăng 123,8%, đến 7,37 tỷ đôla.

Báo Thanh Niên hôm 7/11 loan tin rằng nếu trước đây tình trạng khan hiếm xăng dầu chủ yếu diễn ra tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía nam thì mấy ngày nay đã lan ra Hà Nội.

Trang này cho biết nhiều người dân ở thủ đô buộc phải tìm đến “cây xăng cục gạch” để mua với giá đắt hơn 10.000 đồng/lít vì không thể xếp hàng quá lâu ở các cây xăng trong hai ngày cuối tuần qua.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 5/11, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 3 lý do dẫn đến tình trạng nguồn cung xăng dầu ngày càng khan hiếm, đó là: nguồn cung thế giới ngày càng khan hiếm, do châu Âu và các nền kinh tế lớn tăng mua nguồn dầu lớn từ OPEC + và Nga, trước hạn 25/11 khi phương Tây tiếp tục áp lệnh cấm vận lên Nga; tỷ giá ngoại tệ như USD, Euro so với VND liên tục thay đổi, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu; việc tiếp cận vốn, ngoại tệ để được bảo lãnh nhập, hỗ trợ thanh toán của nhiều doanh nghiệp đang hết sức khó khăn, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu cho vay và bảo lãnh của ngân hàng.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG