Đường dẫn truy cập

Nhà bất đồng: phiên tòa chuyến bay giải cứu là ‘diễn cho dân xem’


Các quan chức ở Bộ Ngoại giao ra tòa trong vụ án 'chuyến bay giải cứu'
Các quan chức ở Bộ Ngoại giao ra tòa trong vụ án 'chuyến bay giải cứu'

Mặc dù các bản án trong phiên tòa chuyến bay giải cứu là ‘nặng nề’ và ‘có tính răn đe’ nhưng nó ‘nằm trong tính toán’ của chính quyền để xoa dịu sự phẫn nộ của người dân và về lâu dài nó ‘không có tác dụng gì nhiều’ để chống tham nhũng, một nhà bất đồng từ Hà Nội nói với VOA.

Sau ba tuần xét xử, Tòa án Hà Nội hôm 28/7 đã tuyên tổng cộng bốn án chung thân trong tổng số 54 bị cáo, trong đó có ba án chung thân cao hơn mức đề nghị của Viện Kiểm sát vốn chỉ ở mức từ 12-13 cho đến 19-20 năm tù.

Ba trong bốn án chung thân dành cho các quan chức ăn hối lộ nhiều nhất để cấp phép các chuyến bay giải cứu, bao gồm bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Phạm Trung Kiên, Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế; và Vũ Anh Tuấn, cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Riêng mức án chung thân của bị cáo Phạm Trung Kiên là đã được giảm nhẹ hơn mức đề nghị trước đó của Viện Kiểm sát là tử hình. Mặc dù là người nhận số tiền hối lộ nhiều nhất trong vụ án với 42,6 tỷ đồng nhưng bị cáo Kiên và gia đình đã nộp lại 42 tỷ đồng trước giờ tuyên án.

Án chung thân còn lại dành cho bị cáo Hoàng Văn Hưng, Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ do liên quan đến chạy án

Quan chức cấp cao nhất bị xử trong vụ án Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng bị tuyên án 16 năm tù cho tội ‘Nhận hối lộ’ trong khi mức án đề nghị cho ông chỉ là 12-13 năm tù. Các bị cáo còn lại trong nhóm ‘Nhận hối lộ’ nhận mức án từ 3 năm cho đến 7 năm tù.

Sở dĩ tòa tuyên án nặng cho các ông, bà này là vì họ ‘nhận số tiền hối lộ đặc biệt lớn, gây nhức nhối trong xã hội, mất niềm tin trong nhân dân nên cần áp dụng mức hình phạt cao hơn đề nghị mới đủ sức răn đe’, tờ Người Lao Động dẫn bản án được tuyên tại tòa cho biết.

Phiên tòa được đưa báo chí trong nước đưa tin rộng rãi, rầm rộ và cụ thể đến từng chi tiết tranh tụng và đã nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận – điều hiếm khi xảy ra trong hệ thống truyền thông vốn bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ.

‘Vở diễn được đạo diễn trước’

Trao đổi với VOA, ông Nguyễn Quang A, một nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội, nhận định rằng các bản án được tuyên là ‘nghiêm khắc’.

“Bản án như thế khá là nặng. Chắc chắn nó có tính răn đe trong thời gian trước mắt. Nhưng về dài hạn, sự răn đe không có tác dụng bởi vì chuyện tham nhũng hối lộ xuất phát từ những đặc tính cố hữu của hệ thống,” ông A phân tích.

Cho nên, ông cho rằng chừng nào Việt Nam chưa giải quyết rốt ráo những căn nguyên gây ra tham nhũng như lương công chức thấp, không có báo chí tự do, không có xã hội dân sự lành mạnh và không có một nền tư pháp độc lập thì ‘dù có xử cả trăm, cả nghìn vụ như thế thì vẫn sẽ phát sinh tham nhũng’.
“Bản thân phiên tòa đã cho thấy ngành tư pháp không phải độc lập mà phải tuân theo lệnh của đảng,” ông chỉ ra.

Theo đánh giá của ông từ việc viện kiểm sát truy tố, tranh tụng ở tòa cho đến thẩm phán đi đến tuyên án ‘đều là một vở diễn’ mà ông cũng như những người dân khác ‘đều là khán giả đang xem’.

“Đây là một vụ án điểm nên nhận được sự chỉ đạo rất kỹ lưỡng, sát sao của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nên có sự phối hợp với nhau từ công án đến công tố và tòa án,” ông giải thích.

Ông dẫn ra những nguyên tắc như ‘suy đoán vô tội’ hay ‘trọng chứng hơn trọng cung’ mà ông cho rằng ‘đã không được thể hiện’ trong phiên tòa này.

“Tòa án chưa kết tội thì các thẩm phán phải lắng nghe, dựa theo những bằng chứng không thể chối cãi thì mới kết tội được,” ông nói. “Đằng này, chưa gì mà tòa đã gọi các bị cáo là ngoan cố, xảo trá và các thẩm phán không để ý gì lắm đến chuyện tranh tụng tại tòa.”

Khi được hỏi nếu được xử theo chỉ đạo với án bỏ túi có sẵn thì liệu có xảy ra oan, sai với các bị cáo hay không, ông A nói những người ăn hối lộ và đưa hối lộ ‘dứt khoát phải bị trừng trị’.

“Đây là vở diễn đã được định rồi và nó bộc lộ những sự thật thối nát của bộ máy công quyền: trong hoàn cảnh rất là khó khăn của người dân mà họ còn xả thịt người dân ra để kiếm chác.”

‘Thành công tuyên truyền’

Tuy nhiên, nhà bất đồng này cho rằng về mặt tuyên truyền thì đây là một ‘phiên tòa rất thành công’ đối với Đảng Cộng sản.

“Vụ án này được một cái ưu điểm hơn những vụ án khác, nhất là các vụ án đối với các nhà hoạt động, đó là họ cho báo chí đưa tin rất là rầm rộ. Người dân có thể theo dõi các pha rất gay cấn xảy ra trong tòa án,” ông chỉ ra.

Ông nói mục đích của chính quyền khi làm như vậy là để ‘trấn an, xoa dịu sự phẫn nộ của người dân’.

“Họ là bậc thầy về tuyên truyền. Tất cả báo chí đều được bật đèn xanh để đưa tin để người dân thấy là họ kiên quyết thế nào, minh bạch ra sao và trừng trị nghiêm minh thế nào,” ông A giải thích. “Tuyệt đại bộ phận người dân sẽ thấy như thấy là rất công khai, minh bạch, thỏa đáng.”

Khi được hỏi về nguy cơ ‘tự vạch trần’ cho thiên hạ thấy sự thối nát của các quan chức chính quyền khi cho công khai phiên tòa như vậy, ông A nói ‘chính quyền đã có sự tính toán rất kỹ được, mất’. “Mặc dù người dân nghe những chuyện đó họ thấy bất bình nhưng cách xử lý như vậy lại lấy lại niềm tin cho họ,” ông phân tích.

“Sau khi có phán quyết thì đồng loạt tất cả báo chí đều ca ngợi, ai mà lên tiếng nói khác sẽ bị trấn áp.”

Những vấn đề chưa giải quyết

Từ kết quả phiên tòa, ông A chỉ ra một số câu hỏi chưa được giải quyết rốt ráo chẳng hạn như vụ án ‘sẽ đi lên đến đâu?’, liệu chỉ dừng lại ở ‘thư ký của thư trưởng’ hay ‘thư ký của phó thủ tướng’ hay không?

“Tại sao ông trợ lý thứ trưởng nộp mấy chục tỉ khắc phục để được án chung thân nhưng ông thứ trưởng là cấp trên của ông ta thì chẳng ai nói gì cả,” ông đặt vấn đề.

Do đó, ông cho rằng ‘vụ án đã có được sự chỉ đạo chặt chẽ chỉ đi đến mức độ nào đó thôi’ nên những gì công chúng thấy ‘chỉ là một phần nhỏ của tảng băng nổi lên mặt nước, còn phần lớn tảng băng bị chìm thì vẫn để yên’.

“Nếu Việt Nam có nền tư pháp độc lập và nghiêm minh thì đằng sau vụ này sẽ có những vụ động trời hơn nữa,” ông nói với VOA.

Ông cũng cho rằng nếu so với các vụ tham nhũng khác gây thiệt hại hàng ngàn tỷ thì vụ chuyến bay giải cứu này ‘rất là nhỏ’ nhưng gây bức xúc vì đụng chạm đến lợi ích của số đông.

Khi được hỏi liệu những người dân vốn là nạn nhân của các chuyến bay giải cứu này có thể đòi quyền lợi hay không, ông nói: “Người dân hoàn toàn có quyền nhưng cái khó ở Việt Nam là người dân cần phải tập hợp lại để cùng khởi kiện, và họ cần đến các tổ chức xã hội dân sự giúp đỡ vì từng người một không thể làm được.”

Ông chỉ ra là phiên tòa vừa rồi đã xử các doanh nghiệp làm sai, các quan chức nhận hối lộ là sai thì các nạn nhân có cơ sở pháp lý để đấu tranh và nếu hàng chục ngàn người có thể tập hợp lại được thì họ có thể đòi được quyền lợi cho mình.

“Họ có thể yêu cầu Nhà nước rằng trong số tiền hàng chục tỷ mà Nhà nước thu hồi vốn không phải tiền Nhà nước có thể được trích lấy một phần để bồi thường thiệt hại cho họ,” ông nói.

‘Không phải khẩu hiệu suông’

Trong một bài viết có tựa đề “Thủ đoạn lợi dụng phiên tòa xét xử vụ án chuyến bay giải cứu’ để chống phá Đảng, Nhà nước”, đăng hôm 28/7, trang điện tử của tờ Công an Nhân dân viết rằng “từ phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 54 bị cáo trong vụ án ‘chuyến bay giải cứu’ cho thấy, chống tham nhũng, tiêu cực phải đi liền với chống lợi ích nhóm, suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’”.

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam cũng viết thêm rằng vụ án “cũng chứng minh chủ trương ‘kiên quyết, không có vùng cấm, không có ngoại lệ’” của Việt Nam, “chứ không phải ‘khẩu hiệu suông, mị dân’ như luận điệu kẻ xấu”.

“Đồng thời, từ vụ án cũng cho thấy tính chất phức tạp của tệ nạn tham nhũng hiện nay, nếu không được kiểm soát tốt có thể lây lan thành căn bệnh nguy hiểm với sự tham gia của nhiều cán bộ có chức quyền ở nhiều bộ, ngành, địa phương”, báo Công an Nhân dân nhận định.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG