Đường dẫn truy cập

Vụ chuyến bay giải cứu: các quan chức vòi tiền, ra giá tính trên đầu người


Bà Nguyễn Thị Hương Lan, cục trưởng Cục Lãnh sự, là một trong những bị can chủ chốt trong vụ án chuyến bay giải cứu
Bà Nguyễn Thị Hương Lan, cục trưởng Cục Lãnh sự, là một trong những bị can chủ chốt trong vụ án chuyến bay giải cứu

Các bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu khai trước tòa về hành vi vòi tiền và chung tiền cho mỗi chuyến bay được phê duyệt với mức giá được tính trên mỗi đầu hành khách, nếu không việc giải cứu công dân sẽ bị làm khó dễ, theo diễn biến phiên tòa được báo chí trong nước tường thuật.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án chuyến bay giải cứu đã bắt đầu từ ngày 11/7 và dự kiến sẽ kéo dài trong một tháng. Cáo bị truy tố với các tội danh như ‘đưa hối lộ’, ‘môi giới hối lộ’, ‘nhận hối lộ’, ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ và ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Tổng cộng có 54 bị cáo phải ra tòa trong lần này, chủ yếu là các quan chức nhà nước từ các bộ Ngoại giao, Y tế, Công an…, cao nhất là cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng.

Cứu dân hay hút máu dân?

Để được thực hiện chuyến bay giải cứu các công dân Việt Nam bị kẹt ở các nước trong đại dịch COVID-19 hồi năm 2021, các doanh nghiệp phải xin phép một loạt các cơ quan từ Bộ Y tế sang đến Bộ Ngoại giao và Bộ Công an. Việc này đã tạo điều kiện cho các quan chức ở các bộ này vòi tiền ‘bôi trơn’, theo lời khai của các bị cáo đưa hối lộ được Tuổi Trẻ dẫn lại.

Ông Đào Minh Dương, chủ tịch Vijasun, một trong những công ty được cấp phép thực hiện 17 chuyến bay giải cứu, khẳng định trước Tòa rằng ông bị các quan chức làm khó dễ đủ điều để vòi tiền.

“Nhiều lần bà Lan (Nguyễn Thị Hương Lan-Cục trưởng Cục Lãnh sự-Bộ Ngoại giao) yêu cầu đưa tiền nhưng bị cáo không đưa nên bị gây khó bằng cách ngày mai bay thì hôm trước mới được thông báo. Bị cáo bị đưa vào tình thế khó khăn cùng cực,” ông Dương nói trong lời khai được Tuổi Trẻ dẫn lại. “Để tổ chức chuyến bay thì phải đặt cọc thuê tàu bay, 6 đến 9 tỉ đồng cho một chuyến bay.”

“Người dân ở nước ngoài muốn về nước phải trả tiền nhà, xin nghỉ việc, nhưng ngày mai bay thì hôm trước mới thông báo thì họ không xoay xở kịp,” ông nói thêm.

Ông Dương tố cáo trước tòa rằng trong giai đoạn người dân bị điêu đứng vì dịch bệnh, Cục Lãnh sự ‘không phải bảo hộ công dân mà hành dân’.

Không chỉ mình bà Lan mà ông Dương còn bị ông Phạm Trung Kiên, thư ký của Thứ trưởng Y tế, vòi thẳng thừng số tiền 150 triệu đồng cho mỗi chuyến bay được cấp phép. “Nếu không đưa thì họ sẽ không duyệt cho bay,” ông khai.

“Tại phòng họp của Bộ Y tế bị cáo chứng kiến ông Kiên quát một số chủ doanh nghiệp, yêu cầu phải nộp tiền 150 triệu,” ông Dương được Tuổi Trẻ dẫn lời nói.

Nogài ra, ông cũng bị ông Vũ Anh Tuấn, phó phòng tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, vòi tiền như ông Kiên khi ông sang xin cấp phép. Ông khai đã đưa cho ông Phạm Trung Kiên 1,1 tỉ, và ông Vũ Anh Tuấn 1,6 tỉ đồng.

Một chủ doanh nghiệp khác là bà Nguyễn Thị Dung Hạnh, giám đốc Công ty G19 vốn được cấp phép 12 chuyến bay, đã khai trước tòa là đã lót tay cho ông Kiên và ông Tuấn lần lượt là 1,2 tỉ và 1,4 tỉ đồng, chi cho Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng 400 triệu và hai cán bộ ngoại giao khác mỗi người 40 triệu, cũng theo Tuổi Trẻ.

Ông Vũ Minh Thắng, giám đốc Công ty Thuận An, lúc đầu do không chung chi nên bị làm khó dễ, xin phép 8 lần thì đều bị bác. Đến lần thứ 9, ông phải chi 600 triệu đồng cho bà Cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan thì mới được cấp phép bay, theo lời khai của ông được dẫn lại.

Sau khi chi cho bà Lan, ông Thắng còn bị ông Phạm Trung Kiên, thư ký của Thứ trưởng Y tế, và ông Vũ Anh Tuấn, phó phòng tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh, yêu cầu ‘lên gặp nói chuyện’ và bị vòi ‘150 triệu đồng cho mỗi chuyến để báo cáo sếp thì mới được cấp phép’.

Tổng cộng, ông Thắng đã đưa 2,1 tỉ cho ba người là bà Nguyễn Thị Hương Lan, ông Phạm Trung Kiên và ông Vũ Anh Tuấn.

‘Ra giá trên đầu người’

Theo lời khai của các chủ doanh nghiệp trước tòa, thì họ bị đòi tiền từ các cơ quan có trách nhiệm trong vụ chuyến bay giải cứu, từ cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài phê duyệt danh sách hành khách cho đến các quan chức trung ương cấp phép chuyến bay và quan chức địa phương cấp phép cách ly. Các quan chức còn ra giá cụ thể cho mỗi đầu hành khách được bay.

Bà Đào Thị Chung Thúy, người Việt ở Nga thực hiện môi giới chuyến bay giải cứu cho người mắc kẹt, khai bà đã liên hệ với ông Lý Tiến Hùng, cán bộ lãnh sự tại Đại sứ quán Việt Nam ở Moscow, để nhờ giúp đỡ các sinh viên bị mắc kẹt về nước. Bà cho biết ông Hùng đã ra giá mỗi sinh viên được cho về phải chi cho ông 500 đô la Mỹ và bà đã chuyển cho ông Hùng tổng cộng gần 19.000 đô la cho hai chuyến bay đầu tiên mà bà môi giới.

Cũng theo lời khai trước Tòa được Tuổi Trẻ dẫn lại, bà Võ Thị Hồng, giám đốc Công ty Minh Ngọc, đã phải chi 3,3 tỉ đồng cho một cán bộ môi giới ở Bộ Y tế để được cấp phép các chuyến bay đưa người Việt bị kẹt ở Malaysia về nước. Ông Vũ Sỹ Cường, cán bộ Cục quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an, ra giá với bà Hồng là 6 triệu đồng cho một hành khách.

Ngoài ra, bà Hồng còn phải xin Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cho phép thực hiện cách ly các hành khách này khi về nước. Cơ quan này đã ra giá 2 triệu một người và bà Hồng đã nộp 300 triệu đồng cho chuyến bay đầu tiên với 158 hành khách. Tuy nhiên, sau đó chuyến bay này không thực hiện được nhưng tỉnh Hải Dương ‘chỉ trả lại trả lại 50 triệu’ còn số tiền còn lại ‘đã gửi các bác lãnh đạo’, theo lời khai của ông Bùi Huy Hoàng, chuyên viên Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, người môi giới cho bà Hồng, được Tuổi Trẻ dẫn lại.

Chủ tịch Vijasun Đào Minh Dương cho biết đã phải chi cho ông Vũ Ngọc Minh, đại sứ Việt Nam tại Angola, để nhờ ông hỗ trợ về thủ tục cất, hạ cánh tại Angola, 3 triệu đồng cho mỗi đầu hành khách. Tổng cộng, ông Dương đã lót tay cho ông Minh 864 triệu đồng.

Một lãnh đạo địa phương tổ chức việc cách ly là ông Trần Văn Tân, cựu phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, khai trước Tòa rằng ông nhận 5 tỉ đồng từ doanh nghiệp mới cho phép thực hiện cách ly người về nước ở tỉnh của ông.

Cụ thể, ông Tân đã nhận của giám đốc công ty Bầu Trời Xanh số tiền 5 tỉ đồng trong 9 lần. Ông khai trước Tòa rằng do ông nghĩ ‘đây không phải là tiền ngân sách Nhà nước nên mới nhận’ và ‘khi nhận lần đầu đã muốn trả lại, nhưng vì bận bịu chống dịch nên chưa trả’ và ‘sau đó còn nhận thêm 8 lần nữa’.

Phó chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng khai nhận đã nhận tiền để ký đồng ý cho bốn công ty được đưa công dân về cách ly trên địa bàn. Cụ thể, qua môi giới là một cán bộ lễ tân của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, ông đã nhận 54.000 đô la và 500 triệu đồng từ các doanh nghiệp.

Trước Tòa, bà Nguyễn Thị Hương Lan, cục trưởng Cục Lãnh sự, một trong những bị cáo chủ chốt của vụ án, khai đã nhận hối lộ 32 lần với tổng số tiền hơn 25 tỉ đồng, tờ Tuổi Trẻ cho biết.

“Việc nhận tiền của đại diện một số doanh nghiệp của bị cáo là sai. Đây là nguyên nhân để các doanh nghiệp lợi dụng tăng giá các chuyến bay, gây thiệt hại cho công dân,” bà Lan được Tuổi Trẻ dẫn lời nói.

Để được đi trên các chuyến bay ‘giải cứu’ về nước, các công dân Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài đã bị các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay đòi số tiền cắt cổ từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng mỗi người, theo tìm hiểu của VOA.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG