Đường dẫn truy cập

Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Tòa xử cán bộ tham nhũng, không có đền bù cho người dân


Nhiều người bày tỏ lòng biết ơn khi được về Việt Nam trong các chuyến bay giải cứu thời đại dịch COVID-19.
Nhiều người bày tỏ lòng biết ơn khi được về Việt Nam trong các chuyến bay giải cứu thời đại dịch COVID-19.
Trong phiên tòa ở Việt Nam kéo dài tới 30 ngày, bắt đầu từ 11/7, xét xử hơn 50 bị cáo về các tội liên quan đến hối lộ, chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ…, không có nạn nhân là những người dân và vấn đề đền bù họ không được nêu ra, theo quan sát của VOA. Một số luật sư nói rằng người dân bị thiệt hại cần kiện dân sự hoặc tố cáo hình sự để đòi bồi thường.

Như VOA đã đưa tin, hơn 1 tuần xét xử đã trôi qua, 54 bị cáo chủ yếu là cán bộ nhà nước Việt Nam bao gồm cả một số các quan chức cấp cao như ông Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao, và một cựu trợ lý của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, đối diện với các mức án từ tù treo cho tới tử hình.

Họ bị cáo buộc đã phạm các tội “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “môi giới hối lộ”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ông Phạm Trung Kiên, thư ký của một thứ trưởng Bộ Y tế, bị cơ quan công tố Việt Nam đánh giá là kẻ nhận hối lộ “nhiều lần nhất”, lên đến 253 lần, và “trắng trợn nhất”, với số tiền 42,6 tỷ đồng, đang đối diện với bản án tử hình. Chỉ có ông Kiên bị đề nghị phải chịu án tử hình trong vụ án này.

Một số bị cáo nhận số tiền hối lộ lớn và nhiều khả năng phải chịu án tù nặng là ông Vũ Anh Tuấn, một phó trưởng phòng thuộc Bộ Công an; bà Nguyễn Thị Hương Lan, một cục trưởng thuộc Bộ Ngoại giao; và cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng.

Chỉ riêng 3 người này đã nhận hối lộ hơn 73 tỷ đồng và bị bên công tố đề nghị mức án từ 12-20 năm tù mỗi người.

Ngay từ những ngày đầu của phiên xét xử, theo ghi nhận của VOA, nhiều người bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội rằng họ quan tâm đến việc nhà nước Việt Nam có biện pháp nào để những “nạn nhân” của các “chuyến bay giải cứu” được đền bù hay không.

Những người đó nói rằng bản thân họ hoặc người thân của họ đã phải trả những mức giá “cắt cổ” để bay từ nước ngoài về Việt Nam trong đại dịch COVID-19 thời những năm 2020-2021.

Cho đến ngày xét xử thứ 8, vấn đề nêu trên chưa được nêu ra tại tòa và cũng không có bất kỳ ai xuất hiện với tư cách nạn nhân chịu thiệt hại bởi các hành vi của các bị cáo, vẫn theo quan sát của VOA.
Bị cáo Phạm Trung Kiên, thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
Bị cáo Phạm Trung Kiên, thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
Một số luật sư cho rằng phiên tòa đang chỉ xử lý các hành vi trái luật giữa các doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay và các quan chức nắm quyền phê duyệt các chuyến bay đó, chứ không giải quyết vấn đề mức giá phi lý mà người dân phải trả cho các bên cung cấp dịch vụ gắn với các chuyến bay.

Luật sư Hà Huy Sơn nói với VOA rằng những người dân nào thấy rằng họ phải trả giá vé máy bay hoặc chi phí ăn ở quá đắt ở các cơ sở cách ly cần phải kiện:

“Đây là vấn đề dân sự. Theo luật, người nào kiện, người đó phải cung cấp chứng cứ. Nếu không biết thì nhờ luật sư để tìm ra rằng họ bị chiếm đoạt hoặc là mua với giá không đúng”.

Trong trường hợp các bằng chứng cho thấy sự việc đạt mức độ phạm pháp hình sự, người bị thiệt hại cũng có thể tố cáo với công an, vẫn theo luật sư Sơn:

“Mình so sánh giá người ta bán cho mình, giá có hóa đơn chẳng hạn và giá ngoài không có hóa đơn, thấy giá người ta bán vượt mức quy định. Nếu cái phần thu đấy đủ dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm hoặc chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, thì phải tố giác lên cơ quan công an”.

Luật sư Ngô Anh Tuấn thuộc hãng luật ATN ở Hà Nội, người được biết tiếng rộng rãi trên mạng xã hội, nêu ý kiến trên trang cá nhân rằng những người bị thiệt hại cuối cùng trong các “chuyến bay giải cứu” chính là các hành khách đã “phải mua vé với giá cao mà không có sự lựa chọn khác”.

Nhưng trong phiên tòa hiện nay, bên công tố không xác định những người mua vé “chuyến bay giải cứu” là người bị hại hay nguyên đơn dân sự, nên họ không có quyền yêu cầu phần bồi thường thiệt hại, nếu có, thông qua vụ án này, vẫn luật sư Tuấn phân tích.

Cũng như luật sư Hà Huy Sơn, ông Ngô Anh Tuấn cho rằng nếu những người mua vé muốn đòi lại một phần tiền mà đáng lẽ họ đã không phải bỏ ra để cho các tổ chức, cá nhân mang đi “bôi trơn” cho quan chức, họ cần phải thực hiện việc khởi kiện thông qua một hoặc một số vụ án dân sự độc lập khác.

“Dù hơi khó khăn, lằng nhằng chút nhưng không phải là không khả thi”, ông Tuấn nhận định.
Thứ trưởng Ngoại giao VN Tô Anh Dũng (ảnh lớn) bị bắt hôm 14/4/2022 vì tội "nhận hối lộ".
Thứ trưởng Ngoại giao VN Tô Anh Dũng (ảnh lớn) bị bắt hôm 14/4/2022 vì tội "nhận hối lộ".
Về cách thức tiến hành, luật sư Sơn nói với VOA rằng cá nhân nào bị người khác hay tổ chức nào xâm phạm quyền lợi thì kiện hoặc tố giác người đấy hoặc tổ chức đấy. Nếu kiện dân sự, đơn kiện được gửi đến tòa án; nếu là tố cáo hình sự, hồ sơ tố giác được gửi đến cơ quan cảnh sát điều tra của công an, ông Sơn nói.

Vẫn vị luật sư nói tiếp rằng trong trường hợp hồ sơ kiện hoặc tố giác chứa đựng đủ các căn cứ, tòa sẽ phải thụ lý đơn và cảnh sát điều tra sẽ xác minh, khởi tố vụ án.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có người bị hại nào thực hiện các điều nêu trên nên không thể dự báo được diễn biến tiếp theo sẽ ra sao, ông Sơn nói.

Luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân, từng bị nhà nước Việt Nam bỏ tù, đặt vấn đề ở tầm mức cao hơn khi ông kêu gọi 200.000 “nạn nhân” là những người “bị móc túi trong thời điểm cực kỳ khốn quẫn” nên khởi kiện chính phủ Việt Nam.

Luật sư Quân, người cũng tích cực đấu tranh vì nhân quyền, chỉ ra với VOA rằng số tiền mà các bị cáo chiếm đoạt, chia nhau chính là tiền của các nạn nhân gồm hơn 200.000 người đã đi trên hơn 2.000 “chuyến bay giải cứu”.

“Số tiền đó đang bị truy thu lại một phần và sẽ bị sung công quỹ. Xét về mặt logic tư duy, những nạn nhân bị các cá nhân ép lấy tiền, xong giờ lại đưa vào công quỹ. Điều đó là sai”, ông Quân nói với VOA.

“Bởi vậy hơn 200.000 nạn nhân phải tiến hành một vụ kiện tập thể, chống lại chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo một chùm tội danh liên quan đến tài sản, gồm tội ‘Cưỡng đoạt tài sản’ theo Điều 170 Bộ luật Hình sự, tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ theo Điều 174, và tội ‘Cướp tài sản’ quy định tại Điều 168”, vẫn lời luật sư Quân.

Dẫn ra việc chính phủ Việt Nam đã ra quyết định thành lập một tổ công tác gồm 5 bộ để tổ chức “các chuyến bay giải cứu”, ông Quân cho rằng 54 bị cáo đã "sử dụng quyền lực", "nhân danh quyền lực nhà nước" để thực hiện các hành vi gian dối, lừa gạt, ép buộc để chiếm đoạt tài sản của “đồng bào” trong đại dịch.
Hành khách của một chuyến bay giải cứu tại sân bay Cần Thơ, 7/8/2020.
Hành khách của một chuyến bay giải cứu tại sân bay Cần Thơ, 7/8/2020.
“Chỉ khi khởi kiện và bị truy tố bởi những điều khoản trên thì mới có nạn nhân và những nạn nhân mới được bồi thường”, luật sư nhân quyền này nói với VOA.

Trên trang cá nhân, luật sư Ngô Anh Tuấn đề xuất rằng số tiền thu giữ từ vụ án cần giữ lại ở một tài khoản độc lập trong một thời hạn nhất định để những người bị thiệt hại có thể có yêu cầu chi trả lại quyền lợi cho họ. Sau thời hạn đó, nếu người dân không có yêu cầu thì khoản tiền này sẽ được sung công quỹ.

“Nếu chúng ta vội vàng sung công quỹ thì sẽ không công bằng với người dân”, ông Tuấn viết.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG