Đường dẫn truy cập

Nhật cám ơn Việt Nam vụ máy bay tuần thám kẹt ở Tân Sơn Nhất


Chiếc máy bay tuần thám của Nhật trước khi bay về nước.
Chiếc máy bay tuần thám của Nhật trước khi bay về nước.

Nhật Bản mới bày tỏ “lòng tri ân sâu sắc” tới phía Việt Nam vì cho máy bay tuần thám của “xứ sở mặt trời mọc” quá cảnh khi gặp sự cố giữa đợt dịch COVID-19, cũng như đã hỗ trợ hai tháng qua.

Đại sứ quán Nhật Bản hôm 6/7 thay mặt chính phủ và Bộ Quốc phòng “gửi lời cảm ơn chân thành” tới phía Việt Nam, ít ngày sau khi chiếc P-3C bay về nước.

“Nghĩa cử đẹp của Việt Nam đã thể hiện tình cảm đối với Nhật Bản và tinh thần sẵn sàng hỗ trợ khi nước bạn gặp khó khăn”, cơ quan ngoại giao của Nhật viết, nói thêm rằng dù dịch bệnh COVID-19, Việt Nam “vẫn đồng ý cho máy bay P-3C quá cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất và hỗ trợ nhân đạo đối với tổ bay của máy bay sau khi sự cố phát sinh”.

Tin cho hay, chiếc P-3C được Bộ Quốc phòng Nhật Bản cử đến nước Cộng hòa Djibouti ở Châu Phi để thực hiện nhiệm vụ chống hải tặc tại Vịnh Aden ngoài khơi Somalia.

Ngoài ra, chiếc máy bay tuần thám này còn được giao thêm nhiệm vụ thu thập thông tin để đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền đi qua khu vực Trung Đông.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, P-3C quay trở về Nhật và trong hành trình từ Djibouti, chiếc máy bay này phải quá cảnh ở một số sân bay để tiếp nhiên liệu.

“Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang lây lan rộng rãi trên nhiều quốc gia nhưng Việt Nam vẫn đồng ý cho phép máy bay quá cảnh để nạp nhiên liệu tại sân bay Tân Sơn Nhất. Nhờ có sự đồng ý của Việt Nam mà máy bay P-3C có thể lên kế hoạch thực hiện chuyến bay từ Djibouti về nước”, đại sứ quán Nhật cho biết.

Tuy nhiên, do động cơ gặp trục trặc nên máy bay không thể cất cánh, và phía Việt Nam đã cho phép tổ bay gồm 19 thành viên nhập cảnh và tạm trú.

Sau khi kết luận rằng động cơ cần phải được thay thế, tin cho hay, Việt Nam “đã nhanh chóng cấp phép khi nhận được đề nghị của phía Nhật Bản xin phép cho máy bay vận tải C-2 được vận chuyển động cơ bằng đường không sang Việt Nam và xin phép cho đội ngũ nhân viên kỹ thuật được nhập cảnh vào Việt Nam”.

Trước khi sang Việt Nam, theo đại sứ quán Nhật, các nhân viên kỹ thuật đã được xét nghiệm COVID-19 và khi nhập cảnh vào Việt Nam, họ cũng đã được cách ly 14 ngày.

“Với sự hỗ trợ tích cực từ các đơn vị trong sân bay Tân Sơn Nhất, nhiệm vụ thay thế, sửa chữa động cơ đã hoàn thành đúng kế hoạch. Tròn 2 tháng kể từ khi sự cố động cơ phát sinh, máy bay P-3C đã bay về Nhật Bản an toàn”, cơ quan ngoại giao “xứ sở mặt trời mọc” cho biết.

Tin cho hay, chiếc P-3C quá cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất hôm 19/4 sau khi Việt Nam thông báo “dừng các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam”, nhưng quyết định này “không áp dụng với khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, khách nước ngoài tham dự hoạt động đối ngoại quan trọng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và các trường hợp đặc biệt được sự đồng ý của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19”.

Liên quan tới quan hệ Hà Nội – Tokyo, trước khi xảy ra sự cố P-3C, Nhật Bản trao tặng Việt Nam lô hàng với tổng trị giá khoảng 20 triệu yên (gần 180 nghìn đôla) để giúp thực hiện các xét nghiệm phát hiện nhanh COVID-19 ở Việt Nam.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho VOA Việt Ngữ biết rằng nhiều loại sinh phẩm đã được phía Nhật chuyển cho phía Việt Nam, sau khi nhận được “đề nghị hỗ trợ khẩn cấp từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương”.

Cơ sở y tế này, nơi có lắp đặt phòng xét nghiệm an toàn sinh học nhờ nguồn vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) của Nhật, đã được Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 tại khu vực miền Bắc.

JICA cho hay rằng phía Việt Nam đã đánh giá cao “hành động tức thời” của Nhật Bản nhằm giúp ngăn chặn COVID-19.

Theo JICA, sau khi Việt Nam phải đối phó với rất nhiều bệnh truyền nhiễm mà cơ quan này nói là nguy hiểm như đại dịch SARS năm 2003 và cúm gia cầm H5N1 năm 2004, từ năm 2006, chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ các dự án viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam để “thiết lập phòng an toàn sinh học cấp 3, dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống phòng xét nghiệm y tế về an toàn sinh học và xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG