Đường dẫn truy cập

Người tị nạn thành dân biểu: My-Linh Thai mong đón Tết đầu tiên với cộng đồng Việt


My-Linh Thai cùng chồng, Don, và hai con, đều đang là học sinh trung học ở Bellevue School District. (my-linhthai.com)
My-Linh Thai cùng chồng, Don, và hai con, đều đang là học sinh trung học ở Bellevue School District. (my-linhthai.com)

Nhậm chức chỉ vài tuần trước Tết, dân biểu gốc Việt của Hạ viện tiểu bang Washington My-Linh Thai đang mong chờ đón năm mới Kỷ Hợi với cộng đồng Việt ở đây. Là một người tị nạn đầu tiên trở thành một nhà lập pháp ở Hạ viện Washington, người phụ nữ 50 tuổi cảm thấy vinh dự khi được là tiếng nói đại diện cho cộng đồng của mình ở tiểu bang. My-Linh hy vọng bắt đầu một năm mới bằng việc giúp những người tị nạn Việt nói riêng, và những di dân nói chung, không bị trục xuất khỏi Mỹ cũng như giúp cộng đồng Việt vượt qua những khó khăn và có được sự quan tâm tốt hơn từ chính phủ Mỹ.

Sau đây là cuộc trò chuyện mà My-Linh Thai dành cho VOA.

Người tị nạn thành dân biểu: My-Linh Thai mong đón Tết đầu tiên với cộng đồng Việt
please wait

No media source currently available

0:00 0:09:29 0:00

Nhậm chức vào ngày 14/1, công việc của một dân biểu trong những tuần đầu tiên như thế nào?

Công việc rất nặng nhưng tôi hạnh phúc được làm ở vị trí này vì tôi có cơ hội sử dụng những kinh nghiệm mà tôi có và mỗi khi tôi đọc qua 1 dự luật tôi đều nghĩ ngay tới việc nó sẽ ảnh hưởng thế nào tới những người tị nạn Việt và những người tị nạn nói chung và dân di cư – những người bị ảnh hưởng tệ hại bởi những dự luật đó?

Có cơ hội trở thành một tiếng nói như vậy thật là tốt đối với tôi.

Là người tị nạn đầu tiên trở thành dân biểu của Hạ viện Washington. Điều đó có nghĩa gì đối với chị?

Đối với tôi, nó có nghĩa là sự đại diện. Thực sự là như vậy. Nếu tôi không nhầm thì tiểu bang Washington là cộng đồng người tị nạn Việt lớn thứ 3 hoặc thứ 5 ở Mỹ. Làm việc cật lực để trở thành một tiếng nói đại diện cho một cộng đồng nhất định – một cộng đồng không được biết tới và không được nghe tới. Đây là một vinh dự to lớn và cũng là một trách nhiệm to lớn.

Chị cho biết thêm về câu chuyện của chị khi đến Mỹ cùng gia đình tị nạn?

Tôi tới Mỹ lúc 15 tuổi. Giống như nhiều những gia đình Việt Nam khác, trước đó chúng tôi đã dùng hết các khoản tiền tiết kiệm để tìm kiếm con đường chốn thoát, trong đó có lúc bị lừa đảo. Lúc đó thực sự là cuối con đường – chúng tôi không còn tiền tiết kiệm, không còn hy vọng.

Cha tôi là một công chức quân đội trong chính quyền trước và bị đi tù. Và tất cả mọi thứ đổ lên vai mẹ tôi. Bên cạnh việc kiếm tiền nuôi chúng tôi, bà ấy còn tìm mọi cách làm giấy tờ thủ tục với các chương trình giành cho người Việt từng làm việc với chính quyền trước và bị bỏ lại phía sau. Tới thời điểm mà chúng tôi mất hết hy vọng, mẹ tôi bị chẩn đoán ung thư bàng quang. Sau đó bố tôi được ra khỏi tù và lúc đó chúng tôi biết được những tác động tệ hại của nó – cả về tinh thần lẫn thể chất, và cuộc sống phía trước như thế nào.

Chúng tôi tìm cách đi theo chương trình đoàn tụ gia đình. Chúng tôi may mắn đã được chọn với sự tài trợ của chị gái của mẹ tôi. Chúng tôi rời Việt Nam một cách bí mật vào năm 1983, không nói cho ai biết. Chúng tôi không thể tin được là chúng tôi có thể rời đi cho tới khi hạ cánh tại sân bay quốc tế Takoma ở Seattle, Washington. Lúc đó, chúng tôi mới thực sự tin là cuối cùng chúng tôi đã thoát khỏi sự trả thù về chính trị nhắm vào gia đình chúng tôi.

Cuộc sống của chị và gia đình những ngày đầu tiên ở Mỹ như thế nào?

Khó khăn đầu tiên chúng tôi gặp phải là chúng tôi không thấy có một cái gì làm cơ sở cho cuộc sống của cộng đồng Việt. Toàn bộ Seattle chỉ có một chợ châu Á. Những cái như nước mắm, gạo lúc đó là những thứ hàng xa xỉ. Và chúng tôi nhận ra một thực tế rằng: thứ nhất chúng tôi ở rất xa quê hương; thứ 2 là không có một sự bình thường hóa nào giữa hai nước. Cuối cùng chúng tôi cũng yên ổn và không có cơ hội để trở về quê hương. Lúc đó chúng tôi biết rằng một là sống sót, hai là không.

Chúng tôi được trợ cấp tài chính từ chương trình của liên bang trong vòng 18 tháng. Việc đầu tiên là chúng tôi làm là học tiếng Anh. Như nhiều người Việt khác, chúng tôi phải bươn trải để sống còn và đồng thời giúp những người thân còn đang ở lại Việt Nam lúc đó đang rất khó khăn về tài chính.

Tôi học tiếng Anh, rồi vào học trung học và cố gắng hoàn thành chương trình đúng thời hạn. Tôi muốn không những học xong trung học đúng thời hạn mà còn vào học đại học để thực hiện được ước mơ của mình. Tôi làm việc sau giờ học, trong thời gian nghỉ hè để trợ giúp thu nhập cho cha mẹ.

Trước 1975, mẹ tôi là phó chủ tịch của một ngân hàng nhà nước và sang đây làm người trông nom một nhà nghỉ. Điều đó là cần thiết để sống còn nhưng tất cả những điều này làm tôi nhận ra rằng những người tị nạn tới Mỹ, và trên toàn thế giới nói chung, họ là những tài năng và nếu chúng ta, ở vào vị trí của những người lãnh đạo, mà không nhận ra thì chúng ta thất bại trong việc cho những người tị nạn và những người di dân này cơ hội để trở thành một người hữu ích. Họ là những cá nhân tuyệt vời giúp làm giàu thêm văn hóa, môi trường và kinh tế của nơi đó. Khi những người này tới đất nước của bạn và có thể đóng góp cho nơi đó. Gia đình tôi chỉ là một câu chuyện trong đó. Giờ đây tôi biết có người là bác sỹ, có người là giáo sư, có người là kỹ sư. Với những kinh nghiệm của họ, với những sáng kiến của họ đã có thể là một nguồn hiệu quả khi họ tới những cộng đồng đón nhận họ.

Tại sao chị lại tranh cử vào Hạ viện?

Năm 2013, tôi tranh cử làm giám đốc ban quản trị trường học. Tôi thường cho rằng tôi tình cờ trở thành chính trị gia. Nhưng tôi làm mọi việc chủ yếu theo tiếng gọi của trái tim. Tôi cũng may mắn có được sự đồng lòng giúp đỡ của gia đình, của chồng, của con tôi và của cộng đồng.

Điều làm trái tim tôi rung động là khi tôi gặp những sinh viên không có giấy tờ vào thời điểm năm 2013 khi Đạo luật Dream Act chết. Họ nhắc tôi nhớ lại chính bản thân mình khi tôi là đứa trẻ 15 tuổi tới Mỹ và tin vào giấc mơ Mỹ, và họ nhanh chóng bị quật ngã vì hệ thống không hỗ trợ cho những giấc mơ của họ. Tôi tranh cử làm giám đốc trường họ vì điều đó, vì tôi muốn tạo nên một sự thay đổi.

Và tôi tranh cử vào Hạ viện vì tôi bị rung động trước tình cảnh những người tị nạn và những di dân tại Mỹ. Là một công dân Mỹ, tôi thấy có trách nhiệm hoàn toàn phải nêu bật những câu chuyện đó lên. Chúng tôi là ai? Chúng tôi làm gì? Chúng tôi có thực sự là những tội phạm mà tổng thống của chúng ta nói tới không? Hay chúng tôi là những người hữu ích đang đóng một vai trò tích cực ở đất nước mà giờ đây chúng ta gọi là nhà. Đó là điều chạm vào tim tôi, hình ảnh những người tị nạn bị chối bỏ, bị nghi ngờ về họ là ai, họ sẽ trở thành cái gì. Điều đó khiến tôi phải hành động.

Chị có hy vọng làm thay đổi hình ảnh của người Việt tị nạn?

Tôi chỉ hy vọng chia sẻ câu chuyện của mình. Hình ảnh là một cái gì đó tổng thể, của toàn thể mọi người. Tôi không nghĩ rằng một câu chuyện có thể đại diện cho toàn bộ. Tôi công khai với mọi người rằng tôi là một trong những người tị nạn có may mắn và tôi đã sống với sự sinh tồn đó trong một thời gian. Thứ nhất tôi không phải là một thuyền nhân và tôi không biết những trải nghiệm đó khó khăn đến thế nào trong đó họ phải đánh đổi cả tính mạng của mình để tìm kiếm tự do. Về cá nhân mà nói, tôi không dám nói hộ họ. Đối với hầu hết những hình ảnh của người tị nạn, tôi muốn trở thành người đầu tiên đưa ra tiếng nói đó, là người đầu tiên chia sẻ câu chuyện của mình. Nhưng tôi thực tình hy vọng điều đó sẽ mở đường và mở ra cánh cửa – tôi sẽ là người giữ cánh cửa đó mở – để nhiều người hơn nữa chia sẻ được câu chuyện của họ.

Tôi không có sức mạnh và cũng không có quyền để có thể thay đổi hình ảnh người tị nạn vì chỉ có họ mới có quyền nói lên câu chuyện của họ và chính họ là người nói ra câu chuyện của họ tốt hơn ai hết. Và có được cơ hội để làm điều đó là cực kỳ quan trọng cho nền dân chủ.

Gần đây chị tham gia cuộc tuần hành phản đối những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm trục xuất các di dân Việt tới Mỹ trước năm 1995. Là một dân biểu, chị sẽ làm gì để ngăn cản điều đó không xảy ra?

Là một người làm luật ở Washington, tôi đại diện cho tiểu bang nói chung. Chúng tôi tiếp tục làm việc cùng với văn phòng tổng chưởng lý tiểu bang để tìm kiếm các lựa chọn cũng như tiếp tục làm việc với văn phòng thống đốc bang để tiếp tục phản đối bất cứ hành động nào từ Nhà Trắng mà có thể làm tổn hại tới những người tị nạn và di dân được cư trú hợp pháp ở tiểu bang chúng tôi và ở cả mức độ quốc gia.

Đâu là những thách thức mà cộng đồng Việt đang phải đối mặt?

Chúng tôi đối mặt với thách thức về sự nối tiếp các thế hệ và khoảng cách về hiểu biết chính trị trong cộng đồng của chúng tôi. Đó là công việc trước mắt của chúng tôi.

Một vấn đề khác là sự đại diện. Bản thân tôi hy vọng rằng Joe Nguyen (ở Thượng viện) và tôi (ở Hạ viện) cùng có thể tạo ra một sự tiếp cận tới thông tin và là tiếng nói đại diện tại tầng lớp lãnh đạo. Có một sự thiếu những tiếng nói đại diện như vậy từ cộng đồng có thể chia sẻ những sự thật về việc một đạo luật nào đó được nhìn nhận như thế nào hay có ảnh hưởng như thế nào ở hạ tầng cơ sở. Với những tiếng nói đại diện mà chúng tôi có hiện nay, chúng tôi hy vọng có thể thay đổi ít nhất là những hiểu biết ở mọi tầng lớp, ở chính phủ, ở cộng đồng để chúng tôi có thể thay đổi sự hiểu biết về việc làm chính sách và những người bị ảnh hưởng bởi những chính sách đó.

Khi làn sóng người tị nạn đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh Việt Nam, tiểu bang Washington mở rộng cánh tay và mở rộng cửa đón những người tị nạn Việt tìm kiếm nơi lánh nạn và một nơi an toàn. Tuyên bố của Thống đốc Dan Evans (đảng Cộng hòa) lúc đó là tuyên bố mà chúng ta cần để làm mẫu và thực sự để chúng ta phải hỏi chính mình “Đó có phải là giá trị mà chúng ta muốn đề cao?” Chúng tôi tiếp tục giang rộng cánh tay và mở cửa đối với những người tìm kiếm nơi trú ẩn và tự do. Đó là thách thức mà chúng tôi đang đối mặt.

Chị sẽ tham gia các hoạt động Tết trong cộng đồng Việt?

Các hoạt động Tết đã bắt đầu và lễ khai trương dịp lễ sẽ vào cuối tuần này (1/26-27). Tôi vinh dự được đến để cắt băng khai trương.

Tôi đang cùng làm việc với Nghị sỹ tiểu bang Joe Nguyen để đưa ra một nghị định chung để chào mừng Tết âm lịch. Tôi mong được chung vui Tết với cộng đồng. Tuy nhiên vào ngày giao thừa, tôi sẽ ở Olympia để làm việc. Đang có rất nhiều dự luật mà chúng tôi cần phải đẩy mạnh để được thông qua.

Tại gia đình, chúng tôi luôn ăn Tết. Những đứa trẻ con tôi thường dậy vào buổi sáng đầu tiên của năm mới và đến chúc chúng tôi những lời chúc năm mới và chúng tôi lì xì chúng. Tôi luôn mong muốn được ăn Tết với chúng. Những đứa con của tôi, hiện đã ở tuổi thiếu niên, tặng tôi một chuyến về thăm Việt Nam trước khi tôi bắt đầu làm việc ở Hạ viện.

Người tị nạn gốc Việt đắc cử vào Hạ viện bang Washington
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:34 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG