Đường dẫn truy cập

Người thiểu số Campuchia chống chọi làn sóng phát triển


Người dân chờ đò qua sông Se San (ảnh tư liệu, 12/2015)
Người dân chờ đò qua sông Se San (ảnh tư liệu, 12/2015)

Hạ Se San II với công suất 400 megawatt là đập thủy điện lớn nhất của Campuchia, có vùng ngập nước rộng 335 km2.

Dự án này gây tranh cãi không chỉ vì nó làm cho khoảng 4.000 gia đình buộc phải di dời.

Mà nó còn có những tác động sâu rộng hơn đến ngư nghiệp, thủy sản, theo lời các nhà bảo tồn.

Nhà máy thủy điện này nằm gần lưu vực sông Sre Pok và sông Se San, thuộc tỉnh Stung Treng của Campuchia.

Theo một báo cáo nghiên cứu của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, hơn 9% thủy sản của toàn bộ sông Mekong sẽ bị mất đi vì Hạ Se San II.

Ngay chính cuộc nghiên cứu đánh giá tác động môi trường do các bên xây dựng đập tiến hành và được chính phủ Campuchia thông qua năm 2010 cũng đã cho thấy rằng những tác động đối với cá sẽ rất nghiêm trọng, vì đập sẽ chặn đường của các loài di cư.

Có những ước tính cho rằng nhu cầu năng lượng của Campuchia sẽ tăng gấp ba trong khoảng từ năm 2012 đến năm 2020, và nguồn cung hiện đã phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, vì vậy, chính phủ cho rằng dự án trị giá 800 triệu đôla sẽ cung cấp nguồn điện đang rất cần cho 5 tỉnh.

Đang diễn ra tranh luận gay gắt về việc lợi ích kinh tế này có sánh nổi với mất mát về cá và những ảnh hưởng đến dòng chảy và chất lượng nước.

Tuy nhiên, trong các tranh luận về số liệu, không một lập luận nào có thể thấu hiểu về giá trị của một lối sống hoàn toàn khác biệt, hay có thể làm rõ liệu những người dân bị ảnh hưởng sẽ đạt được tiêu chuẩn sống tốt hơn hay không khi họ bị kéo vào nền kinh tế chính thức so với việc họ sống tách biệt, tự cung tự cấp.

Loek Sreyneang, một cán bộ dự án của Hiệp hội Thanh niên Dân tộc Thiểu số Campuchia, nói: "Người dân tộc thiểu số có lối sống đối lập với người chiếm số đông, người dân tộc thiểu số coi thiên nhiên là bạn và không đam mê sở hữu”.

Hàng chục hộ gia đình đang cố trụ lại muốn chính phủ lắng nghe, nhưng điều đó vẫn chưa diễn ra.

Vì vậy thay vào đó, họ đã đưa trường hợp của mình lên tòa án cấp tỉnh, lập luận rằng dự án phát triển này là một cuộc tấn công có hệ thống đối với người dân bản địa và do đó, theo luật của Campuchia, đó là một tội ác chống lại nhân loại.

Gần như chắc chắn là hành động tuyệt vọng này sẽ không có tác động gì, và trong những tuần tới, nhà cửa của họ sẽ chìm dưới nước.

Loek Sreyneang than thở: "Tôi có thể cảm nhận sự đau khổ của họ khi phải rời bỏ nhà cửa, nơi quê cha đất tổ mà họ đã sống nhiều đời”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG