Đường dẫn truy cập

Người dân vườn rau Lộc Hưng bị chính quyền ‘cấm’ họp báo


Hình ảnh một người dân nằm xuống trước xe ủi để phản đối việc cưỡng chế đất ở vườn rau Lộc Hưng. Người dân khu vực này đã không được chính quyền cho phép họp báo để công khai thông tin về việc sử dụng đất ở đây.
Hình ảnh một người dân nằm xuống trước xe ủi để phản đối việc cưỡng chế đất ở vườn rau Lộc Hưng. Người dân khu vực này đã không được chính quyền cho phép họp báo để công khai thông tin về việc sử dụng đất ở đây.

Người dân vườn rau Lộc Hưng bị chính quyền bác đơn xin tổ chức họp báo công khai để cung cấp thông tin “trung thực” về tình trạng thực tế việc sử dụng khu đất đã bị cưỡng chế trong khi truyền thông chính thống “chỉ đưa tin một chiều.”

Một người dân Lộc Hưng cho VOA biết hôm 13/3 rằng buổi họp báo dự kiến diễn ra lúc 14:30 (giờ địa phương) cùng ngày nhưng họ chỉ được chính quyền thông báo trước hai tiếng rằng họ không được phép làm điều đó trong khi lực lượng an ninh được bất ngờ đưa đến bủa vây khu vực Lộc Hưng.

“Cuộc họp báo muốn công bố cho các báo chí chính thức hoặc không chính thức, có nghĩa là lề trái và lề phải đều được biết, về thực trạng của bà con vườn rau Lộc Hưng,” Cao Hà Trực, một trong những người tổ chức buổi họp báo, cho biết. “Trong khi đó, nhà nước không quan tâm mà báo chí lề phải của nhà nước chính thống thì im hơi lặng tiếng hoặc nếu có lên tiếng thì thông tin một chiều.”

Theo anh Trực, cũng là một nông dân trồng rau ở Lộc Hưng nhưng đã mất đất trong vụ “thu hồi” đất hồi tháng 1, truyền thông chính thống chỉ đăng tin về sự chỉ đạo của các cơ quan nhà nước mà không thông tin về người dân trong hai tháng qua.

Anh Trực cho biết dân đã nộp đơn xin phép tổ chức họp báo từ ngày 11/3, nhưng Ủy ban Nhân dân TPHCM và Sở Thông tin và Truyền thông không cho phép buổi họp báo được diễn ra vào ngày 13/3. Khu vực này đã bị lực lượng an ninh bao vây từ 5 giờ sáng cùng ngày để “khủng bố tinh thần bà con,” theo anh Trực.

Trong thư trả lời đại diện người dân vườn rau Lộc Hưng, Sở TT-TT TPHCM “không chấp thuận đơn xin tổ chức họp báo theo đề nghị của các cá nhân” đại diện vười rau Lộc Hưng, bất chấp một điều khoản của Luật Báo chí theo đó “công dân Việt Nam có quyền tổ chức họp báo để công bố, tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của cá nhân đó”.

Sở TT-TT cho rằng “khu đất công trình công cộng phường 6, quận Tân Bình như trong thông báo họp báo của các cá nhân nêu trên là chưa phù hợp, không đại diện cho người dân của khu vực, chưa phản ánh đúng tình hình thực tế địa phương.”

“Họ làm sai pháp luật, họ chà đạp (lên) pháp luật. Sở truyền thông chỉ có nhiệm vụ chỉ xem xét có đủ điều kiện chưa để người dân được họp báo để họ bày tỏ quan điểm và quyền lợi của người dân," theo anh Trực. "Nhưng sở làm sai vì họ không phải là cơ quan giải quyết việc khiếu nại và tố cáo và họ làm thay cho cơ quan (này) khi họ nói đây là đất công để nói rằng nhận định của chúng tôi là không đúng (về thực tế địa phương).”

Anh Trực khẳng định rằng người dân vườn rau Lộc Hưng là những người xuất thân từ miền Bắc đã đến định cư tại Lộc Hưng từ năm 1954 và có đầy đủ cơ sở pháp lý để sử dụng khu đất này.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương cho rằng những người dân đã chiếm dụng đất và xây dựng trái phép trong khu vực này. Hôm 4/1, chính quyền TPHCM tiến hành cưỡng chế và phá hủy hàng trăm ngôi nhà ở khu vườn rau Lộc Hưng. Đây là khu đất nằm trong vùng có dự án xây trường công lập do Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình làm chủ đầu tư.

Gần 500 căn nhà đã bị đập phá và thiệt hại lên tới gần 100 tỷ đối với những người dân vườn rau Lộc Hưng, theo anh Trực.

Vấn đề cưỡng chế đất tại Lộc Hưng đã được đưa ra tại một buổi họp tại Quốc hội Mỹ do dân biểu Alan Lowenthal chủ trì hôm 23/1 có sự hiện diện của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink. Ông Lowenthal yêu cầu Đại sứ Kritenbrink xem xét vụ cưỡng chế và phá hủy vườn rau và các ngôi nhà ở khu Lộc Hưng. Dân biểu Mỹ cho rằng chính quyền Việt Nam đang gạt sang một bên những người sở hữu đất ‘thấp cổ bé họng’ cho các dự án bất động sản sinh lời trong khi trả rất ít tiền đền bù cho những người bị mất đất. Đại sứ Kritenbrink hứa với các thành viên Quốc hội Mỹ ông sẽ tìm hiểu vấn đề này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG