Đường dẫn truy cập

Dân Pohnpei lo lắng, bất bình tàu Việt Nam đến 'ăn cắp'


Peter Immanuel, một người dân địa phương, kéo thuyền ra khỏi vùng nước nông để chuẩn bị đi câu cá, Pohnpei, Liên bang Micronesia, ngày 27 tháng 4, 2017.
Peter Immanuel, một người dân địa phương, kéo thuyền ra khỏi vùng nước nông để chuẩn bị đi câu cá, Pohnpei, Liên bang Micronesia, ngày 27 tháng 4, 2017.

Peter Immanuel tắt máy thuyền và thả neo. Gần 30 phút sau khi rời khỏi miệng kênh và hướng ra biển, ông quyết định bắt đầu cuộc tìm kiếm ngay tại chỗ này. Một vùng biển nông gần bờ phía nam của đảo Pohnpei thuộc Liên bang Micronesia. Ánh nắng loang loáng trên mặt nước trong vắt soi rõ những bãi san hô phủ rộng gần như kín mặt cát bên dưới.

Ngư dân 61 tuổi này biết mình sẽ làm gì. Ông cởi áo, đeo kính lặn và ống thở và nhảy ùm xuống nước sâu chỉ tới nửa thân người. Sau vài phút lùng sục giữa những bãi san hô lởm chởm, ông ngoi lên với thứ gì đó cầm trong tay.

“Đây nè,” Peter la lớn về phía chiếc thuyền tròng trành theo từng đợt sóng. “Tôi nghĩ chắc họ bắt loại này.”

Một con hải sâm báo. Loài này khá dễ nhận dạng với những đốm da cam phủ khắp thân mình tròn căng mềm mại. Nó phun ra những sợi màu trắng dính chắc như keo, một cơ chế phòng vệ được kích hoạt khi nó bị quấy nhiễu.

Peter Immanuel cầm một con hải sâm báo mà ông vừa mới bắt lên, ở Pohnpei, Liên bang Micronesia, ngày 27 tháng 4, 2017.
Peter Immanuel cầm một con hải sâm báo mà ông vừa mới bắt lên, ở Pohnpei, Liên bang Micronesia, ngày 27 tháng 4, 2017.

Cầm nắm sinh vật vô hại này có thể khiến người ta cảm thấy khó chịu mà buông nó xuống vì chất dính cứng đầu, nhưng điều này không làm nản lòng những người mà Peter vừa nhắc tới - những ngư dân Việt Nam vượt hàng ngàn cây số để tới đây bắt trộm các loài hải sâm cao giá.

Tình trạng này gia tăng cường độ trong những năm gần đây, với hơn 100 người Việt Nam, đại đa số đến từ tỉnh Quảng Ngãi, bị đảo quốc nhỏ bé và biệt lập ở tây Thái Bình Dương này bắt giữ và kết tội.

Dù nhà chức trách chưa bắt giữ tàu cá nào từ Việt Nam bắt trộm hải sâm trong vùng biển nơi mà VOA tới, nhưng ở đây trên đảo Pohnpei, cái tên Việt Nam giờ được nhắc tới bằng nỗi lo ngại và bất an.

“Tôi nghĩ chuyện này gây ra vấn đề cho nước của tôi,” Peter nói trong khi ông kể về gia đình và cuộc mưu sinh của ông ở Pohnpei.

Gắn bó với biển hàng chục năm qua, ông nói nghề đánh cá giờ không mang về cho ông nhiều thu nhập nữa và ông đã chuyển sang làm nông, trồng chuối và khoai môn. Ông nói giờ ông ra biển câu cá một, hai ngày mỗi tuần.

Đối với ông, những người Việt Nam này đơn giản là những kẻ trộm đến nhà ông lấy những thứ vốn không thuộc về họ. “Tôi nghĩ chuyện này không đúng vì tôi không muốn ai ăn cắp thứ gì đó,” ông nhấn mạnh. “Họ cần có giấy phép đánh bắt hoặc xin phép nước của chúng tôi.”

Họ không được phép đụng tới hải sâm, đó là tiền của chúng tôi.
Mariana, người chuyên bắt hải sâm

Liên bang Micronesia không có thỏa thuận song phương nào với Việt Nam cho phép khai thác thủy sản trong vùng biển của nước này, nhưng điều đó không ngăn cản những ngư dân Việt Nam tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn trong những vùng biển cách rất xa ngư trường truyền thống của họ.

Những người dân địa phương mà VOA hỏi chuyện đều nói họ có biết về những vụ ngư dân Việt Nam đến bắt trộm hải sâm và đều tỏ thái độ tiêu cực về chuyện này. Và đó là một vấn đề sát sườn đối với những người như bà Mariana.

Người phụ nữ 53 tuổi này cho biết bà làm nghề bắt hải sâm từ “rất lâu rồi” và đó là công việc mưu sinh hàng ngày của bà. Hải sâm sau khi bắt về được bà sơ chế và cho vào những chai nhựa tái chế để bán cho các chợ. Mỗi chai có giá từ ba tới bốn đôla, một mức giá không phải là rẻ đối với nhiều người dân địa phương ở đây.

Ruột hải sâm ngâm với muối và nước cốt chanh đựng trong những chai như thế này được nhiều người dân địa phương mua để ăn sống, Pohnpei, Liên bang Micronesia, ngày 26 tháng 4, 2017.
Ruột hải sâm ngâm với muối và nước cốt chanh đựng trong những chai như thế này được nhiều người dân địa phương mua để ăn sống, Pohnpei, Liên bang Micronesia, ngày 26 tháng 4, 2017.

Khi được hỏi bà cảm thấy như thế nào về việc những người Việt Nam đến bắt trộm hải sâm, bà thẳng thắn trả lời “Sapuwng,” có nghĩa là “sai trái” trong tiếng địa phương.

“Họ không được phép đụng tới hải sâm, đó là tiền của chúng tôi,” Mariana nói thông qua một người phiên dịch, gương mặt và giọng nói của bà biểu lộ sự bất bình.

Hải sâm là loài sinh vật biển thân dài hình ống sống trên đáy biển, rất được ưa chuộng ở những thị trường Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Singapore và Malaysia. Chúng thường được phơi khô để làm thuốc hoặc được chế biến thành những món cao lương mỹ vị.

Nhu cầu tiêu thụ to lớn là động lực thúc đẩy những thị trường và hoạt động khai thác hải sâm. Có khoảng hơn 20 loài được khai thác ở các đảo Thái Bình Dương. Giá cả một kilogram dao động từ vài chục cho tới hàng trăm - thậm chí gần 2.000 đôla đôla ở Hong Kong - tùy theo loài, kích cỡ sản phẩm và chất lượng chế biến.

Các quan chức ngư nghiệp ở các đảo quốc này cho biết ngư dân Việt Nam thường nhắm vào những loài có giá trị cao nhất.

Tư liệu - Một người phơi hải sâm khô trên vỉa hè ở Hong Kong
Tư liệu - Một người phơi hải sâm khô trên vỉa hè ở Hong Kong

Nhà chức trách Liên bang Micronesia nói khó mà đánh giá được đầy đủ tác động của tình trạng tàu cá Việt Nam đánh bắt hải sâm trái phép trong vùng biển của nước này nếu chỉ dựa trên những tàu bị bắt giữ. Với vùng biển rộng hàng triệu kilômét vuông trong khi chỉ có vài ba tàu tuần tra, đảo quốc này lo ngại quy mô của hoạt động này và những tổn hại kinh tế do nó gây ra có thể còn lớn hơn nữa.

“Chúng tôi không biết có bao nhiêu người ở ngoài kia. Chúng tôi không biết họ đã ở đâu, đã tới đảo nào, rạn san hô nào để lấy những tài nguyên này và đã làm chuyện này bao lâu rồi,” ông Eugene Pangelinan, Giám đốc Điều hành Cơ quan Quản lý Tài nguyên Đại dương Quốc gia nói.

Nhưng ông Pangelinan nói phí tổn cụ thể nhất là khoản tiền hơn 200.000 đôla mà nước ông phải gánh chịu trong hai, ba năm qua liên quan tới hoạt động tuần tra, giám sát ngoài khơi cũng như chăm lo cho những nhu cầu cơ bản của những người Việt Nam trong lúc họ bị câu lưu.

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên ít ỏi, Liên bang Micronesia lệ thuộc gần như hoàn toàn vào ngành ngư nghiệp và nông nghiệp để sinh tồn. Cơ sở vật chất thiếu thốn, hạ tầng giao thông kém phát triển và sự cô lập giữa đại dương khiến tiềm năng du lịch bị hạn chế.

Ngân hàng Phát triển Châu Á nhận định nền kinh tế của đảo quốc này, vốn thuộc hàng nhỏ nhất trên thế giới và đối mặt với nhiều thách thức to lớn về phát triển, đang đình trệ.

Dù ngành khai thác hải sâm ở đây có quy mô rất nhỏ hơn rất nhiều so với những ngành đánh bắt thủy sản khác như cá ngừ, song hải sâm đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của những người dân xứ biển nơi đây.

Ellen Jean Ehsa làm việc với một khách hàng trong ngôi chợ do cô sở hữu và quản lý, Pohnpei, Liên bang Micronesia, ngày 29 tháng 4, 2017.
Ellen Jean Ehsa làm việc với một khách hàng trong ngôi chợ do cô sở hữu và quản lý, Pohnpei, Liên bang Micronesia, ngày 29 tháng 4, 2017.

Ellen Jean Ehsa hào hứng mô tả cách thức mà ngư dân trên đảo khai thác và duy trì nguồn hải sâm. Họ chỉ lấy phần ruột của loài hải sâm được gọi là “werer” trong tiếng địa phương để làm thức ăn, và vứt phần thân xuống biển. Họ nói nó sẽ tự tái tạo cơ quan nội tạng và tiếp tục sinh tồn.

Nhưng cô Ehsa, chủ một chợ có bán những chai ruột hải sâm, đưa ra một lý do khác nữa lý giải vì sao người ta không bắt sạch loài sinh vật này để tiêu thụ.

“Những người già nói rằng hải sâm giữ cho biển sạch sẽ,” cô nói trong khi bận bịu ghi chép sổ sách và nhập số liệu vào máy tính. “Chúng ăn những thứ mà cá không ăn, những thứ độc hại.”

Ông Eugene Joseph, Giám đốc của tổ chức phi chính phủ Hội Bảo tồn Pohnpei, nói chức năng làm sạch này của hải sâm còn giúp kìm hãm sự sinh sôi của tảo gây hại cho hệ sinh thái và cân bằng quá trình axít hóa đại dương. Vì thế ông nói rằng phương thức khai thác của những người Việt Nam là không bền vững, có tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái.

Đó là nhận định mà ông Ricky Carl, Giám đốc Ngoại vụ Chương trình Micronesia của tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (The Nature Conservancy), tán đồng.

“Lợi ích thiết thân của chúng tôi trong việc khai thác hải sâm là đảm bảo rằng khi nó được thực hiện thì phải được thực hiện một cách bền vững,” ông nói.

“Chúng tôi có một phần trăm đất liền và 99 phần trăm đại dương. Chỉ như thế thôi cũng khiến người ta hiểu được biển cả quan trọng với chúng tôi đến mức nào, kể cả những nguồn tài nguyên như hải sâm và những thứ khác.”

XS
SM
MD
LG