Đường dẫn truy cập

Người dân Philippines biểu tình phản đối Việt Nam ‘quân sự hóa’ Biển Đông


Các thành viên của nhóm Makabansa xé các tấm giấy in hình cờ đỏ sao vàng của Việt Nam khi biểu tình trước cửa Đại sứ quán Việt Nam ở Manilia, Philippines, hôm 1/8.
Các thành viên của nhóm Makabansa xé các tấm giấy in hình cờ đỏ sao vàng của Việt Nam khi biểu tình trước cửa Đại sứ quán Việt Nam ở Manilia, Philippines, hôm 1/8.

Một nhóm người dân Philippines biểu tình hôm 1/8 trước Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Manila để phản đối điều mà họ gọi là hành động “quân sự hóa” của Việt Nam ở Biển Đông, theo truyền thông Philippines.

Khoảng 50 thành viên của nhóm chuyên vận động chống chiến tranh và chống khủng bố có tên Makabansa còn kêu gọi chính phủ Việt Nam ngừng đánh cá tại các đảo thuộc Trường Sa tại buổi tụ tập hôm 1/8, theo Manila Bulletin.

Theo tờ báo tiếng Anh được đọc nhiều nhất ở Philippines, cảnh sát Manila cho biết cuộc biểu tình bắt đầu lúc 9h45 phút sáng và kết thúc vào lúc 10 giờ sáng.

“Đảo của các bạn là của các bạn. Đảo của chúng tôi là của chúng tôi”, người phát ngôn của nhóm Makabansa Benny Delos Reyes được Manila Bulletin trích lời nói khi biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam.

Đoạn video về cuộc biểu tình do Manila Bulletin Online đăng tải cho thấy cảnh sát Philippines tạo một hàng rào trước nhóm người của Makabansa đang cầm nhiều tấm biển với các biểu ngữ như “Hòa bình chứ không phải chiến tranh” hay “Việt Nam hãy ngừng quân sự hóa nhóm đảo Kalayaan của Philippines ngay”.

Cùng đưa tin về cuộc biểu tình hôm 1/8, tờ Philippine Star cũng nói rằng nhóm Makabansa lên án việc quân sự hóa ở Biển Tây Phillipines – tức Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam – và thúc giục Việt Nam ngừng các hoạt động đánh bắt cá dọc bờ biển của cụm đảo Kalayaan, mà Việt Nam gọi là quần đảo Trường Sa nơi có nhiều tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các nước trong khu vực.

Những hình ảnh về buổi biểu tình được đăng tải trên trang mạng xã hội chính thức của tờ nhật báo tiếng Anh cho thấy một số thành viên của nhóm Makabansa còn xé những tấm giấy có in hình lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam trong khi những người khác cầm biểu ngữ ghi “Việt Nam hãy ra khỏi Trường Sa” bằng tiếng Philippines.

Hàng chục thành viên của nhóm này còn thúc giục Đại sứ quán Việt Nam tôn trọng các yêu cầu của họ về mối quan hệ thân thiện giữa Philippines và Việt Nam, theo Manila Bullentin.

“Hãy cho phép các ngư dân của chúng tôi được hỗ trợ gia đình của họ thông qua việc đánh bắt cá”, người phát ngôn của nhóm nói.

Các cuộc gọi của VOA tới Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines ngoài giờ làm việc không được hồi đáp. VOA đã gửi đề nghị đưa ra bình luận tới đại sứ quán ở Manila cũng như tới người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội về cuộc biểu tình này.

Philippines trước đây đã nhiều lần phản đối việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo tranh chấp ở Biển Đông và từng kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế ở La Haye trong vụ kiện mà họ được xử thắng hồi năm 2016.

Các ghi nhận của Manila Bulletin và Philippine Star không cho biết vì sao nhóm vận động này tổ chức buổi biểu tình nhắm vào Việt Nam tại thời điểm này.

Nhà báo tự do Việt Nam Đặng Sơn Duân, người có nhiều phân tích sâu về các vấn đề Biển Đông, đưa ra nhận định trên trang cá nhân có 36.000 người theo dõi rằng “Đây không phải là một cuộc biểu tình bất chợt mà nhiều khả năng là một vụ giật dây do ‘bàn tay vô hình’ nào đó đạo diễn”.

Theo ông Duân, người từng được nhiều báo nước ngoài theo dõi hoặc trích dẫn, “không loại trừ khả năng” là cuộc biểu tình này “đã được hoạch định” trong một “âm mưu”.

Ông phân tích thêm rằng “Mục đích của âm mưu này không ngoài việc rêu rao hoạt động xây đảo của Việt Nam, xem Việt Nam là kẻ gây hấn lớn ở quần đảo Trường Sa, chia rẽ Việt Nam với Philippines, Malaysia, cũng như hướng dư luận Philippines có thái độ không thân thiện với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, phá hoại sự đoàn kết trong ASEAN”.

Vẫn nhà báo tự do có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội lưu ý rằng tuy “Việc Việt Nam có tranh chấp với các nước khác ở Trường Sa là một thực tế”, song “Makabansa không hẳn đại diện cho người Philippines” và ông cảnh báo “Nếu chúng ta vội vã lao vào một cuộc cãi vã và đấu khẩu với phía bạn, thì có thể sẽ mắc mưu chính những kẻ giật dây”.

Trước cuộc biểu tình vài ngày, các báo của Philippines đăng tải các thông tin cho rằng Việt Nam “đang tích cực xây các công trình kiên cố trong vùng lãnh thổ có tranh chấp ở Biển Tây Philippines” khi trích dẫn một tài liệu do Hải quân Việt Nam đưa ra hồi tháng 3 năm nay.

“Kế hoạch các dự án xây dựng trên đảo Phan Vinh và Tiên Nữ ở Trường Sa” do Phó Đô Đốc Trần Thanh Nghiêm - Tư lệnh Hải quân Việt Nam ký ngày 27/3 mà Manila Times có được cho biết Việt Nam đang xây dựng các cơ sở quân sự và nhà ở dân sự trong khu vực nói trên.

Cũng trích dẫn tài liệu này, tờ Philippine Star nói rằng Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với đảo Phan Vinh vào năm 1978 và đối với đảo Tiên Nữ vào năm 1988. Tờ báo còn cho biết rằng các đảo này cũng nằm trong số những hòn đảo mà Philippines có tuyên bố chủ quyền.

Việt Nam, Philippines, Trung Quốc và Đài Loan là những bên có tuyên bố chủ quyền chồng lấn đối với các đảo đá ở Trường Sa.

Tài liệu nói rằng hải quân Việt Nam cho biết mục đích và ý nghĩa của việc thực hiện Quy hoạch xây dựng đảo ở Trường Sa là nhằm “nâng cao năng lực quản lý, phòng thủ các đảo, củng cố lòng tin và tinh thần của cán bộ, quân dân quần đảo, bảo vệ các đảo, thềm lục địa và vùng dầu khí phía Nam”, theo Manila Times. Vẫn theo tờ báo, tài liệu này nhấn mạnh đến vị trí chiến lược của các đảo san hô cho mục đích quân sự.

Trong tài liệu, vẫn theo Manila Times, Việt Nam lưu ý về “tình hình quốc tế và khu vực phức tạp và đầy biến động trong những năm gần đây”, đặc biệt là các yêu sách chủ quyền đối chọi nhau của một số quốc gia về khu vực Biển Đông, đã ảnh hưởng đến nền kinh tế và quốc phòng của Việt Nam “theo nhiều cách”.

Việt Nam chưa có phản ứng công khai gì trước các thông tin do truyền thông Philippines đưa ra về việc xây dựng ở Biển Đông.

Nhưng theo báo cáo mà Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ đưa ra hồi cuối năm ngoái, Việt Nam đã tiến hành mở rộng việc nạo vét và bồi đắp tại quần đảo Trường Sa.

Báo cáo mà Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của trung tâm này đưa ra vào tháng 12/2022 nói rằng phạm vi hoạt động mở rộng của Việt Nam là ở 4 đảo trong đó có Phan Vinh và Tiên Nữ. Viện nghiêu cứu ở Mỹ cho rằng còn phải xem các tiền đồn mở rộng này sẽ có những cơ sở hạ tầng gì trên đó.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG