Đường dẫn truy cập

Người biểu tình tìm cách chặn chuyến tàu chở dầu của Nga


Một thành viên của Greenpeace trên chiếc dù lượn mang theo tấm biểu ngữ viết 'No Arctic Oil' (tạm dịch: Không khoan dầu ở Bắc Băng Dương) bay trên đầu chiếc tàu chờ dầu của Nga Mikhail Ulyanov ở cảng Rotterdam. '
Một thành viên của Greenpeace trên chiếc dù lượn mang theo tấm biểu ngữ viết 'No Arctic Oil' (tạm dịch: Không khoan dầu ở Bắc Băng Dương) bay trên đầu chiếc tàu chờ dầu của Nga Mikhail Ulyanov ở cảng Rotterdam. '
Những người vận động thuộc tổ chức môi trường Greenpeace đã tìm cách ngăn một chiếc tàu của Nga cập bến ở Hà Lan. Họ nói chiếc tàu này chở khối dầu đầu tiên khoan từ vùng nước Bắc Băng Dương. Cuộc phản kháng diễn ra vào lúc nhiều nhà lập pháp ở châu Âu tìm cách đa dạng hóa khối năng lượng cung cấp ra khỏi Nga vào lúc căng thẳng tăng cao với Moscow về vấn đề Ukraine.

Tổ chức Greenpeace nói tàu chở dầu Nga, chiếc Mikhail Ulyanov hiện đang đậu ở cảng Rotterdam của Hà Lan, chở khối dầu đầu tiên khoan từ vùng nước Bắc Băng Dương.

Khoảng 80 nhà hoạt động thuộc tổ chức này tìm cách chặn chiếc tầu chở dầu cập vào bến hồi sáng thứ năm.

Ông Ian Duff là người đứng đầu cuộc Vận động Bắc Băng Dương của Greenpeace ở Anh Quốc.

Ông nói: “Lý do duy nhất các công ty dầu khí có thể khoan dầu trong vùng Bắc Băng Dương là bởi vì lớp băng đang tan và họ muốn khoan để lấy thêm phần dầu thoạt đầu đã gây ra việc tan chảy. Chúng tôi nghĩ đây là điều thật là vô lý.”

Cảnh sát Hà Lan cuối cùng đã lên các tàu của Greenpeace và chiếc tàu chở dầu đã cập được vào bến.

Greenpeace nói lượng dầu này là từ giếng Prirazlomnaya, thuộc quyền sở hữu của công ty dầu khí quốc doanh Nga Gazprom.

Tháng 9 năm ngoái, 30 nhà hoạt động của Greenpeace và các ký giả đã bị bỏ tù hai tháng ở Nga sau khi tổ chức một cuộc phản kháng tại giếng dầu này.

Nhiều người bị giữ ở Nga đã tham gia cuộc phản kháng hôm thứ năm ở Rotterdam – trong số này có nhà hoạt động Faiza Oulahsen:

“Chiếc tàu chở dầu này chở theo khối lượng dầu do công ty Gazprom khoan ở ngoài khơi Bắc Băng Dương, do đó gây tranh cãi vì nhiều lý do. Và chúng tôi yêu cầu chính phủ Hà Lan hãy có lập trường ngăn chặn chiếc tàu chở dầu này.”

Việc giao chuyến hàng chở dầu diễn ra vào châu Âu tranh luận chuyện bớt dần việc lệ thuộc vào năng lượng do Nga cung cấp tiếp theo vụ khủng hoảng ở Ukraine. Ông Ian Bond thuộc tổ chức chính sách Trung tâm Cải cách Âu châu:

“Ít nhất phân nửa ngân sách quốc gia của Nga xuất phát từ số bán hydrocarbon qua châu Âu. Và mặc dầu về mùa đông thì đúng là châu Âu sẽ đóng thành băng trước khi Gazprom khánh tận, trong mùa hè châu Âu có nhiều lợi thế hơn.”

Ông Ian Duff thuộc tổ chức Greenpeace nói dường như nói thì nhiều nhưng hành động thì không bao nhiêu:

“Chúng ta không thấy hình thức khoảng cách nào được đặt ra giữa các công ty năng lượng Tây phương và Nga. Thực vậy, dầu hôm nay đang được tiếp nhận bởi Total, một công ty trước đây đã cam kết không khoan dầu trong vùng Bắc Băng Dương vì họ nghĩ là quá nguy hiểm."

Cả hai công ty Total và Gazprom đều không đáp lại những yêu cầu bình luận về cuộc phản kháng của Greenpeace.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG