Đường dẫn truy cập

Ngoại Trưởng Mỹ tới Myanmar, giải quyết khủng hoảng Rohingya


Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại Trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi tại Bộ Ngoại Giao ở Naypyitaw, Myanmar, ngày 15/11/2017. (AP Photo/Aung Shine Oo)
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại Trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi tại Bộ Ngoại Giao ở Naypyitaw, Myanmar, ngày 15/11/2017. (AP Photo/Aung Shine Oo)

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson trong chuyến thăm Myanmar, bày tỏ quan ngại về “những nguồn tin đáng tin cậy tường trình về những hành vi tàn ác do các lực lượng an ninh và những kẻ tự giao cho mình nhiệm vụ gìn giữ trật tự gây ra" ở bang Rakhine, nhưng ông Tillerson nói trong tình hình hiện tại, không nên áp đặt thêm "các biện pháp trừng phạt kinh tế" chống lại Myanmar.

Nói về những gì mà Liên Hiệp Quốc cho là “những vụ thanh tẩy chủng tộc rõ rệt” mà nạn nhân là thiểu số người Hồi giáo Rohinya, ông Tillerson nói:

"Tôi không nghiệm ra được là áp dụng các biện pháp chế tài sẽ giúp giải quyết khủng hoảng ".

Đứng bên cạnh nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, ông Tillerson nói các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân" có thể phù hợp hơn.

"Chúng tôi muốn thấy Myanmar thành công", ông Tillerson nói, và ông loan báo Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm 47 triệu đô la để trợ giúp người tị nạn Rohingya, nâng tổng số tiền viện trợ trong năm lên tới 87 triệu đô la.

Ngoại Trưởng Tillerson miêu tả những cảnh tượng diễn ra tại bang Rakhine là “khủng khiếp”, và ông hối thúc Myanmar hãy thi hành những đề nghị ghi trong phúc trình của cựu Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, trong đó có tạo ra một lộ trình để người Rohingya được cấp quy chế công dân đầy đủ.

Đáp lời, bà Aung San Suu Kyi cảm ơn ông Tillerson vì đã thừa nhận những thách thức khó khăn, và duy trì thái độ cởi mở.

Ngay sau khi tới thủ đô Naypyidaw hôm thứ Tư, ông Tillerson đã đến gặp người đứng đầu quân đội Myanmar, Thống Tướng Min Aung Hlaing, người mà các lực lượng thuộc quyền bị cáo buộc đã phát động một chiến dịch đốt phá làng mạc và đất đai của người Rohingya sống tại vùng tây-bắc bang Rakhine, để đáp trả các cuộc tấn công do các lực lượng chủ chiến Rohingya thực hiện, nhắm vào các trạm biên phòng Myanmar hồi tháng 8.

Chiến dịch này đã dẫn tới làn sóng di dân ồ ạt, khoảng 600.000 người Rohingya đã chạy sang nước láng giềng Bangladesh. Họ báo cáo với các tổ chức nhân quyền quốc tế những hành động tàn bạo do các lực lượng an ninh của chính quyền Myanmar, như bắn bỏ bừa bãi, hãm hiếp và đốt làng mạc.

Các giới chức quân sự Myanmar nói rằng một cuộc điều tra nội bộ không tìm thấy bằng chứng cho thấy binh lính của họ đã phạm bất cứ tội ác nào đối với người Rohingya, và chỉ có 376 "tên khủng bố Rohingya" bị quân đội giết trong các cuộc giao tranh với các phần tử nổi dậy.

Báo cáo của quân đội Myanmar đã bị Tổ chức Human Rights Watch ở New York tố cáo là một nỗ lực của quân đội nhằm "tẩy sạch" các hành động của mình.

Uy tín của bà Aung San Suu Kyi trong tư cách một khôi nguyên giải Nobel hòa bình, và biểu tượng của phong trào dân chủ, đã bị sứt mẻ vì những chỉ trích về phản ứng trì chậm của bà trước cuộc khủng hoảng.

Bà Suu Kyi đang chia sẻ quyền lực với quân đội, đó là lý do nhiều chính phủ phương Tây tỏ ra miễn cưỡng, không muốn tấn công bà trong giai đoạn chuyển tiếp sang nền dân chủ.

Nhóm thiểu số Rohingya từ lâu đã bị từ chối quyền công dân và các quyền khác ở Myanmar, nơi đa số dân chúng theo đạo Phật. Họ bị coi là người nhập cư từ Bangladesh, cho dù trên thực tế, nhiều gia đình đã sống ở Myanmar từ nhiều thế hệ.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG