Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ khuyên châu Phi đừng để mất chủ quyền vì vay tiền TQ


Ngoại trưởng Rex Tillerson tại buổi họp ở Liên hiệp châu Phi ngày 8/3/2018.
Ngoại trưởng Rex Tillerson tại buổi họp ở Liên hiệp châu Phi ngày 8/3/2018.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm 8/3 cảnh giác các quốc gia châu Phi nên cẩn thận, đừng để mất chủ quyền khi chấp nhận các khoản vay từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của lục địa này, Reuters tường thuật.

Ông Tillerson đang có chuyến công du ngoại giao đầu tiên tới châu Phi với mục tiêu tăng cường liên minh an ninh tại một lục địa đang ngày càng ngả về Bắc Kinh vì các khoản trợ giúp và thương mại.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng tìm cách xoa dịu căng thẳng sau khi Tổng thống Trump gọi một số quốc gia châu Phi là “các nước hố phân” hồi tháng Giêng. Ông Trump sau đó đã từ chối bình luận về điều này.

“Không phải chúng tôi cố ngăn đồng đôla của Trung Quốc đổ vào châu Phi”, ông Tillerson nói tại một cuộc họp báo ở thủ đô Ethiopia. “Điều quan trọng là các nước châu Phi nên cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản của các thỏa thuận này và đừng để mất chủ quyền”.

Hoa Kỳ là quốc gia viện trợ hàng đầu cho châu Phi, nhưng Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong tư cách đối tác thương mại vào năm 2009. Bắc Kinh đã bơm hàng tỷ đôla vào các dự án cơ sở hạ tầng, mặc dù các nhà phê bình nói việc sử dụng các công ty và lao động Trung Quốc làm suy giảm giá trị của họ.

Ông Tillerson nói các khoản đầu tư của Trung Quốc “không tạo ra việc làm đáng kể ở địa phương” và chỉ trích cách Bắc Kinh cấp các khoản vay cho chính phủ châu Phi.

Ông nói nếu một chính phủ chấp nhận khoản vay của Trung Quốc và “gặp rắc rối”, “có thể mất quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng hoặc các nguồn lực của chính mình vì vỡ nợ”, nhưng Ngoại trưởng Mỹ không đưa ra ví dụ cụ thể.

Cũng trong ngày 8/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, trong chuyến viếng thăm Zimbabwe, nói với các nhà báo rằng việc ông Tillerson chỉ trích mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia châu Phi là không phù hợp.

Ông nói: “Không phù hợp để chỉ trích các mối quan hệ của các nước chủ nhà - khi ông đang có mặt ở đó - với một quốc gia khác”.

Nhiều chính phủ châu Phi đang thụ hưởng mối quan hệ mật thiết với cả Washington và Bắc Kinh.

Chẳng hạn như Kenya, nước này đã khánh thành một đường sắt trị giá 3,2 tỷ đôla do Trung Quốc tài trợ vào năm ngoái, trong khi nhận hơn 100 triệu đôla hỗ trợ an ninh hàng năm của Hoa Kỳ trong 3 năm qua.

Khi được hỏi về lời chỉ trích của Ngoại trưởng Tillerson về cách tiếp cận lục địa này của Trung Quốc, Ngoại trưởng Kenya Monica Juma nói: “Đất nước này tham gia với các đối tác trên toàn thế giới vì lợi ích riêng của chúng tôi và vì giá trị của chúng tôi”.

Trước đó vào ngày thứ Tư, ông Tillerson đã tới Ethiopia, nước đông dân thứ hai của châu Phi, và đến thăm trụ sở Liên Hiệp Châu Phi hôm thứ Năm. Cơ sở này được tài trợ và xây dựng bởi Trung Quốc. Đây được xem là một biểu tượng của sự thúc đẩy ảnh hưởng của Bắc Kinh và tiếp cận các tài nguyên thiên nhiên của lục địa này.

Trong những ngày tới, ông Tillerson sẽ bay đến Djibouti, thăm các căn cứ quân sự mà Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp và Ý sở hữu, rồi đến Kenya, một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống các chiến binh Hồi giáo Al Shabaab ở Somalia, trước khi đến Chad và Nigeria, nơi cũng đang chống lại các phần tử Nhà nước Hồi giáo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG