Đường dẫn truy cập

Nghị viên Châu Âu tranh luận ‘không cân sức’ về EVFTA


European Parliament's International Trade Committee holds a hearing on Dec 3 2019. Photo by INTA.
European Parliament's International Trade Committee holds a hearing on Dec 3 2019. Photo by INTA.

Uỷ ban Thương mại Quốc tế (INTA) của Nghị viện Châu Âu hôm 2-3/12 thảo luận các vấn đề như quyền của người lao động, quyền tự lập hội, và quyền con người để hướng tới phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam. Nhưng các nhà quan sát nói rằng cuộc họp không có sự hiện diện của các tổ chức nhân quyền là “một điều thiếu sót.”

Ông Hoàng Hải, thạc sỹ phần mềm hiện đang sinh sống và làm việc tại Brussels, nói với VOA, sau phiên bế mạc của cuộc thảo luận ở Uỷ ban INTA hôm 3/12:

“Hai hiệp định này là đòn bẩy để thúc đẩy Việt Nam theo hướng cởi mở tự do dân chủ.”

“Cuộc tranh luận về 2 hiệp định cực kỳ quan trọng tại Uỷ ban INTA đã không mời đại diện của các tổ chức phi chính phủ (NGO) về quyền con người, như nghị sỹ Saskia Bricmont yêu cầu, mà chỉ mời Phòng thương mại EU tại Việt Nam (Eurocham) và Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO Vietnam) tới tranh biện.”

Chính vì vậy, ông Hải nhận định: “Đây là một trận bóng không cân bằng chút nào, ngay từ đầu có thể phán đoán là không cân sức!”

Theo ông Hoàng Hải, đại diện của Eurocham và ILO Việt Nam chỉ nêu những điểm “tích cực” mà hai hiệp định này mang lại trong khi đó một số nghị viên lên tiếng lo ngại về quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội tại Việt Nam.

Trong phiên thảo luận được Nghị viện Châu Âu truyền hình trực tiếp, Nghị viên Saskia Bricmont, người Bỉ, thuộc đảng Xanh, vừa đắc cử vào tháng 5 vừa rồi, đặt ra các câu hỏi cho Eurocham Việt Nam về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp châu Âu.

Nghị viên EU kêu gọi ngưng phê chuẩn EVFTA với VN vì nhân quyền
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:13 0:00

Bà Bricmont chất vấn tại sao không yêu cầu Việt nam phải cải tổ Luật Hình sự trước khi đòi cải tổ Luật Lao động, trong đó có yêu cầu về công đoàn độc lập.Theo bà nếu Luật Hình sự mà không có thay đổi thì các quyền về công đoàn cũng không tạo ra thay đổi gì cả. Bà lên tiếng chỉ trích việc không mời đại diện của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức công đoàn độc lập đến để trình bày về vấn đề vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Nhắc đến những vụ bắt bớ mới vừa xảy ra, bao gồm bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng như bà đã lên tiếng vào tuần trước, bà Bricmont nói: “Trước tiên hãy chờ nhà nước Việt Nam chứng tỏ thiện chí của họ trước khi thông qua hai hiệp định này. Chúng ta cần phải có phương pháp theo dõi và giám sát việc thực thi các hiệp định này từ phía Việt Nam.”

Tương tự, Nghị sỹ Emmanuel Maurel, thuộc đảng Xã hội Pháp, nêu ra những bất nhất của chính quyền Việt Nam trong kế hoạch thông qua các đạo luật về công đoàn. Ông nói dù về lý thuyết thì có thể có tiến bộ trong Luật công đoàn, nhưng trong thực tế thì chính quyền có thể vận dụng các điều khoản của Bộ Luật Hình để đem ra áp dụng cho vô số các cuộc đình công, biểu tình của các tổ chức công đoàn.

Ông Andre Menras, người Pháp nổi tiếng qua bộ phim Hoàng Sa – Việt Nam: nỗi đau mất mát, nói với VOA rằng ông phản đối việc thông qua hai hiệp định này cho đến khi nào chính quyền Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền.

Ông Menras nói:

“Nếu một quốc gia mà quyền của người lao động bị từ bỏ, kể cả quyền tối thiểu là lên tiếng cho tổ chức của mình cũng bị chà đạp, hay quyền bày tỏ các vấn đề chính trị bị ngăn cấm thì rõ ràng việc phê chuẩn các hiệp định này không mang lại hữu ích gì.”

Việc ông Phạm Chí Dũng bị chính quyền bắt giam chỉ làm cho Việt Nam ngày càng bị cách ly khỏi cộng đồng thế giới.
Ông Andre Menras


Đạo diễn người Pháp nói thêm:

“Cụ thể như việc ông Phạm Chí Dũng bị chính quyền bắt giam chỉ làm cho Việt Nam ngày càng bị cách ly khỏi cộng đồng thế giới.”

Ông Andre Menras và Nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn, tháng 4/2019. Photo Facebook Menras Andre.
Ông Andre Menras và Nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn, tháng 4/2019. Photo Facebook Menras Andre.

“Qua theo dõi cuộc thảo luận, tôi nghĩ rằng dường như Uỷ ban châu Âu (EC) phần lớn thiếu sự hiểu biết về tình hình Việt Nam do chưa có các viện nghiên cứu chuyên sâu về Việt Nam,” ông Hoàng Hải nói với VOA.

“Chỉ may mắn là như ông Mauriel, ông có một NGO tư vấn về Việt Nam, về Luật Hình sự Việt Nam, nhờ đó ông nắm được tình hình thực tế,” ông Hải cho biết thêm.

Báo cáo viên Jan Zahradil, người phụ trách hồ sơ EVFTA và EVIPA của Việt Nam, đồng thời là nghị sỹ đại diện của Cộng hòa Czech, thừa nhận rằng ông nghiêng về hướng thúc đẩy cho thông qua hai hiệp định, vì rằng “nhiệm vụ của ông là hoàn thành công việc.”

Trong phát biểu, ông Zahradil nhắc mọi người rằng hai hiệp định này không phải là “để thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam.”

Ông Hoàng Hải, từng là ứng cử viên trong kỳ bầu cử chính quyền địa phương ở Brussels, nhận định:

“Ông Zahradil nói đúng, nhưng chưa đủ! Tại sao Liên Hiệp Châu Âu không tận dụng cơ hội này để ép chính quyền Việt Nam cởi bớt trói cho người dân. Để họ dễ thở hơn, để họ có niềm tin là có công bằng và có cơ hội vươn lên, để mọi người tin rằng Việt Nam tuân thủ các quyền căn bản của con người, những giá trị mà người dân châu Âu đang được hưởng.”

Ông Winkler Gyula, Nghị viên người Romania, viết trên Twitter sau phiên thảo luận hôm 3/12: “Ngoài thương mại và đầu tư, còn nhiều thứ khác mà EVFTA và IPA cần đạt được: Một là, Triển khai hiệu quả để khai thác lợi ích song phương cho các công dân & công ty; Hai là, Thúc đẩy thay đổi trong xã hội Việt Nam để phát triển bền vững; Ba là, Viễn cảnh địa chính trị của châu Ấu ở Đông Nam Á.”

Theo lịch trình, Uỷ ban INTA sẽ bỏ phiếu cho các kiến nghị sửa đổi vào ngày 20-21 tháng 01/2020 và sau đó toàn Nghị viện sẽ bỏ phiếu phê chuẩn hiệp định EVFTA vào tháng 2/2020. Còn hiệp định IPA phải mất nhiều thời gian hơn do phải đợi tất cả các nước thành viên EU phê chuẩn.

VOA Express

XS
SM
MD
LG