Đường dẫn truy cập

Ngành chế tạo VN có nguy cơ đình trệ sản xuất trong tháng 3 vì virus corona


Các hãng sản xuất VIệt Nam phụ thuộc nhiều và nguyên liệu từ nước ngoài
Các hãng sản xuất VIệt Nam phụ thuộc nhiều và nguyên liệu từ nước ngoài

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể phải dừng sản xuất vì hết nguyên liệu trong vòng 1 tháng tới do dịch virus corona làm gián đoạn nguồn cung đến từ nước ngoài, một cục trưởng của Bộ Công thương cho hay tại một cuộc họp của bộ hôm 26/2, theo tường thuật của nhiều báo Việt Nam.

Thanh Niên, Zing, Vietnam Plus dẫn lời ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, nói rằng các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ linh kiện để sản xuất “khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3”, còn ngành dệt may, da giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu “tới đầu tháng 3 hoặc đầu tháng 4”.

Vị cục trưởng tiên liệu rằng có khả năng “rất lớn” là nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày “phải tạm ngừng sản xuất”.

Cục Công nghiệp của ông Hoài cũng đưa ra báo cáo cho thấy đến khoảng cuối tháng 3, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ chịu “ảnh hưởng lớn” từ việc “thiếu hụt” linh kiện, phụ kiện.

Cục trưởng Hoài khẳng định tại cuộc họp của Bộ Công thương rằng nguyên nhân của tình trạng đáng lo ngại là ngành chế tạo của Việt Nam hiện “phụ thuộc rất lớn” vào các nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc và Hàn Quốc song cả hai nước này đều có dịch lan rộng, làm Việt Nam khó có thể nhập hàng.

Cục Công nghiệp đánh giá rằng các doanh nghiệp Việt “khó tìm được nguồn thay thế” nguyên phụ liệu, linh kiện từ các nước khác ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, các bản tin trong nước cho hay.

Hoạt động sản xuất tại nhà máy chế tạo máy in ở Bắc Ninh, Vietnam, tháng 5/2018.
Hoạt động sản xuất tại nhà máy chế tạo máy in ở Bắc Ninh, Vietnam, tháng 5/2018.

Trong nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề này, Cục trưởng Hoài đề nghị chính phủ Việt Nam “khuyến khích, hỗ trợ” các doanh nghiệp tìm nguồn cung thay thế, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.

Quan chức này cũng đề nghị các bộ, ngành xem xét các chính sách về “ưu đãi thuế” và “giảm, giãn nợ” đối với các khoản vay ngắn hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Trong trường hợp các doanh nghiệp phải “tạm ngừng” sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh, nhà nước cần “hỗ trợ” doanh nghiệp trả chi phí bảo hiểm xã hội cho người lao động, ông Hoài đề xuất.

Một quan chức khác của Bộ Công thương, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường, đồng ý “nên có thêm gói kích cầu”, và theo ông, gói này không chỉ dành cho sản xuất mà cho cả tiêu dùng.

Ngoài lĩnh vực chế tạo, ảnh hưởng của dịch bệnh đang khiến tiêu thụ hàng hóa trong nước lẫn xuất khẩu sang các đối tác chủ chốt đều có dấu hiệu chậm lại, các báo Việt Nam dẫn lại lời các quan chức Bộ Công thương cho hay.

Trong hai tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ chỉ tăng trưởng hơn 8%, thấp nhất trong nhiều năm gần đây, các báo dẫn lại thông tin từ Vụ trưởng Trần Duy Đông.

Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài sang quý 2, Vụ thị trường dự báo rằng tổng mức bán lẻ năm 2020 “chỉ tăng trưởng khoảng 10%”, Vụ trưởng Đông nói.

Về xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, những thị trường tiêu thụ lớn một số mặt hàng Việt Nam, đặc biệt là dệt may, da giày, đồ điện tử và linh kiện…, Bộ Công thương dự báo “không mấy khả quan” về xuất khẩu và tiêu thụ tại các nước này, do những tác động của dịch bệnh.

VOA Express

XS
SM
MD
LG