Đường dẫn truy cập

‘Ngàn Cánh Hạc’ và chuyện Hội sách TP.HCM kỳ 6


Một góc của Hội Sách Sài Gòn
Một góc của Hội Sách Sài Gòn

Cậu em ở Sài Gòn mới gửi điện thư sang hỏi thăm, trong có đoạn kể: “Em […] mới vào trở lại Sài Gòn trong khoảng 1 tuần này, lại đang lúc diễn ra hội chợ sách (15-21 tháng 3-2010) nên ngày nào cũng ra ngoài đó. Cũng thấy cả tác phẩm ‘Ngàn Cánh Hạc’ của Kawabata vừa tái bản, đề tên người dịch là Trùng Dương.”

Câu chuyện ‘Ngàn Cánh Hạc’

Cuốn truyện này tôi dịch cách nay đã 40 năm, của nhà văn Nhật Yasunari Kawabata (1899 – 1972), giải Nobel văn chương năm 1968, và đã được nhà xuất bản Trình Bầy in vào năm 1969. Trong mấy cuốn sách tôi đã dịch trước 1975, đây không phải là cuốn tôi ưng ý nhất. Tôi dịch cuốn này vì hồi ấy ở Miền Nam có khuynh hướng giới thiệu tác phẩm của các tác giả được giải Nobel và vì nhà xuất bản đặt dịch. Điều đáng nói là câu chuyện sau đây.

Vào năm 2003, tôi nhận được điện thư của ông Triều Xuân, nội dung như sau (xin in lại nguyên văn phần đầu của bức điện thư không có dấu):

On Thu, 24 Jul 2003 07:40:01 +0700 "Trieu Xuan" <xuantrieu@hotmail.com> writes:

Thua Nha van Trung Duong!

Toi la Trieu Xuan, Nha van, Nha bao, Truong Chi nhanh Nha Xuat Ban Van Hoc tai Sai Gon (bao gom cac tinh mien Nam). Toi nho Nha van Nguyen Mong Giac la ban than, cho E-Mail Address cua ba.

Chung toi de nghi ba cho tai ban cuon Ngan Canh Hac cua Yasunari Kawabata do Nha van Trung Duong dich, NXB Trinh bay xuat ban tai Sai Gon thang 5 nam 1969. Toi xin phep duoc de nghi cu the ve viec Tai ban:So luong in 1000 ban. Tien Nhuan but la 8% gia bia nhan voi so luong in, cung voi 10 cuon sach tac quyen.

Neu ba cho phep, va neu co sua chua, bo sung, ba cho y kien hoi am theo dia chi: Nha van Trieu Xuan. Truong Chi nhanh Nha xuat ban Van hoc. 290/20 Nam Ky Khoi Nghia Quan 3, Tp Ho Chi Minh. Tel: 848 3481; 846 9858; Fax: 848 3481; Mobile: 0903 10 20 36. Home: 844 0180. [...]

Tôi nghĩ giá ông Triều Xuân có in lại bản dịch đó không cần hỏi xin phép thì cũng... chẳng sao. Bởi vì việc này – tái bản cuốn sách dịch “Ngàn Cánh Hạc” – thì nhà xuất bản Xuân Thu đã làm ở ngoài này từ cả 20 năm trước, và tôi tình cờ thấy cuốn đó ở nhà một người quen và có tò mò mượn về đọc lại. Cũng vậy là việc ai đó in lại hai tập truyện của tôi, “Lập Đông” và “Mưa Không Ướt Đất”, đâu hồi đầu thập niên 1980. Tập “Lập Đông” thì tôi tình cờ thấy tại một thư viện công cộng ở Stockton, Calif., nơi có vài kệ sách tiếng Việt dành cho cái cộng đồng khoảng chục ngàn người Việt ở đây. Còn tập “Mưa Không Ướt Đất” thi do một người bạn tình cờ thấy bán ở một tiệm sách ở Nam Cali vào giữa thập niên 1990, nên mua tặng tôi. Cầm những tập sách tái bản ngoài hiểu biết của mình, tôi chỉ tặc lưỡi, tò mò, như tình cờ gặp lại những đứa con bị thất lạc từ sau 1975, đã trưởng thành, và mình không có quyền gì, cũng như trách nhiệm, đối với chúng nữa. Tuy nhiên, giá được hỏi xin phép thì mình cũng sẽ... vui hơn một tí, vậy thôi.

Do đấy, khi được thư xin phép của ông Triều Xuân, tôi thấy vui vui. Nhưng vui hơn cả là thấy rằng ít ra lúc này người Sàigòn biết làm ăn theo luật quốc tế, biết tôn trọng bản quyền, mặc dù là bản quyền của một cuốn sách dịch, như vậy còn hơn cả những người đã “vô tư” in lại sách của tôi ở hải ngoại. Và tôi coi đấy thật là một khích lệ đáng mừng. Do đấy tôi đồng ý để ông Triều Xuân in lại, và nhờ nhà văn Văn Quang đang ở Sàigòn làm trung gian, và cũng nhờ anh luôn khi nhận được tiền thì xung vào quỹ giúp văn nghệ sĩ có nhu cầu ở nhà. Sau đây là hình chụp tờ giấy ủy quyền của tôi gửi ông Triều Xuân, có Cc: một bản gửi cho Văn Quang:

Rồi một thời gian sau đó, anh Văn Quang điện thư sang cho tôi biết là ông Triều Xuân có gọi điện thoại cho anh, nói là cuốn “Ngàn Cánh Hạc” đã có ngưởi dịch lại rồi, nên hợp đồng với tôi coi như hủy bỏ.

Thế cho nên tôi hơi ngạc nhiên khi được tin cuốn “Ngàn Cánh Hạc” đã được trưng ở chợ sách TP-HCM kỳ 6 vừa rồi, vẫn với tên Trùng Dương là người dịch. Tôi nhờ cậu em xem xem người xuất bản là ai, nhưng đã trễ, vì chợ sách đã đóng cửa. Dầu sao thì đấy cũng chỉ là chuyện nhỏ. Tôi chỉ muốn ghi lại đây vì tình cờ đọc thấy câu sau đây về hội chợ sách vừa qua ở Sài Gòn, với chủ đề là “Sách – Tri thức – Hội nhập & Phát triển”, trong bản đúc kết hội chợ kéo dài một tuần này:

"Hội sách TP.HCM lần VI đã là nơi hội tụ giao lưu của toàn ngành xuất bản-in-phát hành sách tron gnước với NXB nước ngoài, đây là cơ hội tốt nhất để ngành phát hành sách trong nước khai thác, trao đổi, ký kết bản quyền với các đối tác nước ngoài, làm phong phú thêm các đầu sách nóng phục vụ bạn đọc Việt Nam." [chữ đậm là của tôi]

Hội sách TP.HCM kỳ 6

Cũng nhờ sự góp mặt của cuốn “Ngàn Cánh Hạc” trong chợ sách Sài Gòn năm nay mà tôi không khỏi không để ý tới hội chợ sách này. Mặc dù đấy là lần thứ sáu ở Sài Gòn người ta tổ chức hội sách, nhưng đến giờ tôi mới để ý.

Tôi chưa thấy có hội chợ sách nào trên thế giới mà kéo dài tới một tuần. Giỏi lắm thì được ba hay năm ngày là cùng, thường vào một dịp cuối tuần, lôi kéo giỏi lắm vài ngàn hay chục ngàn người. Đến như hội chợ sách thế giới, International Day of Book Festival, do cơ quan UNESCO bảo trợ hàng năm vào ngày 23 tháng 4 (ngày giỗ gần trùng nhau của hai đại văn hào thế giới Miguel de Cervantes, tác giả cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn chương thế giới “Don Quixote”, và William Shakespeare vào năm 1616), cũng chỉ diễn ra có một ngày.

Thế mà hội sách TP.HCM kỳ 6 đã diễn ra tới bẩy ngày, từ 15 tới 21 tháng 3, tại Công viên Lê Văn Tám, Quận 1, TP. HCM, thì đúng là kỷ lục về số ngày hội vậy. Nghe cũng thấy mừng cho người Sàigòn biết yêu sách.

Và trong bẩy ngày đó, theo bản thông tin báo chí của ban tổ chức thì: Tổng số gian hàng là 471 gian; với sự tham gia của 150 đơn vị; với tổng số lượt người đến tham quan là hơn 700 ngàn; với 4 triệu cuốn sách được bán ra trong số 200 ngàn tựa sách được trưng bầy; và tổng doanh thu là 20 tỷ đồng (1 Mỹ kim hiện nay trị giá trên 18 ngàn đồng bạc Việt Nam).

Cũng theo bản thông tin báo chí thì (nguyên văn):

Các đơn vị có doanh thu cao nhất Hội sách là:

1. Công ty CP Phát Hành Sách TP.HCM – FAHASA – 8,5 tỷ
2. Công Ty TNHH Một Thành Viên – Nhà Xuất Bản Trẻ – 1 tỷ 50 triệu
3. Công Ty CP Văn Hóa Phương Nam – 900 triệu
4. Công Ty CP Văn Hóa Văn Lang – 670 triệu
5. Công Ty CP Văn Hóa Truyền Thông Nhã Nam – 420 triệu
6. Nhà Xuất Bản Kim Đồng – 400 triệu
7. Công Ty CP Văn Hóa Đông A – 320 triệu
8. NXB Tổng Hợp TP.HCM – 315 triệu
9. CTy TNHH Văn Hóa Sáng Tạo Trí Việt (First New) – 300 triệu
10. Công Ty CP Văn Hóa Nhân Văn – 200 triệu
Các tựa sách bán chạy nhất trong Hội sách là:
1. Đảo Mộng Mơ – NXB Trẻ – 10.000 bản
2. Biểu Tượng Thất Truyền – NXB Thời Đại - 7.500 bản
3. Nhắm Mắt Thấy Paris – NXB Trẻ - 4.000 bản
4. Tôi Tài Giỏi Bạn Cũng Thế – NXB Phụ Nữ - 3.500 bản
5. Ký Ức Tàu Không Số – NXB Tổng Hợp TP.HCM – 2.600 bản
6. Kẻ Cướp Tia Chớp - NXB Văn Học - 2.000 bản
7. The Joker – NXB Trẻ - 1.700 bản
8. Bí Mật Về Một Trí Nhớ Siêu Phàm – NXB Tri Thức - 1.200 bản
9. Sức khỏe gia đình – NXB Tổng Hợp TP.HCM – 1.000 bản
10. Vật Chủ – NXB Văn Hóa Sài Gòn – 1.000 bản

Tôi nghĩ sự thành công bên trên của hội sách TP.HCM kỳ 6, nếu quả những con số là chính xác, thì thật xứng đáng để các hội sách (book festivals) tại Mỹ, đã hoặc đang rục rịch tổ chức nhân dịp xuân về này, nên tìm đến để học hỏi và rút tỉa kinh nghiệm, đặc biệt trong thời đại mà số người đọc sách đang suy giảm một cách rất đáng ngại này.

Khi tôi nói nhận xét trên với cậu em, thì cậu ta, như thể cười vào cái sự ngây thơ của tôi, trả lời, rằng hội chợ sách này cũng còn là nơi “diễn ra sự rửa tiền, hợp thực hóa các con số chi tiêu đấy, chị ơi.” Quả thực cậu ta đã làm tôi chưng hửng. (TD, 03/2010)

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG