Đường dẫn truy cập

Nga đang cần Trung Quốc, liệu có hùa về Bắc Kinh trên Biển Đông?


Tổng thống Nga Vladimir Putin đang rất cần sự ủng hộ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang rất cần sự ủng hộ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Mặc dù Moscow đang rất cần sự ủng hộ của Bắc Kinh về cuộc chiến ở Ukraine, khó có khả năng họ quy phục trước những yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông để phải hy sinh một đồng minh quan trọng trong khu vực như Việt Nam, các chuyên gia nhận định với VOA.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 20/3 đã đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Moscow trong bối cảnh Nga đang cần sự hỗ trợ của Trung Quốc hơn bao giờ hết để đối phó sự bao vây, cấm vận của phương Tây.

Tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Trung cũng như thông tin của hai bên đưa ra đều không cho thấy hai nhà lãnh đạo đề cập đến Biển Đông nhưng đang có lo ngại rằng trong bối cảnh Nga đang cần Trung Quốc như vậy, họ có thể thỏa hiệp về Biển Đông.

Moscow hiện đang là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam đồng thời là đối tác khai thác dầu khí quan trọng nhất của quốc gia đông nam Á này trên Biển Đông với các công ty Nga tham gia liên doanh với PetroVietnam.

‘Không thể mất Việt Nam’

Trao đổi với VOA, Tiến sỹ Collin Koh, chuyên viên nghiên cứu về các vấn đề an ninh trên biển tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Ratjaratnam, Đại học Kỹ thuật Nanyang ở Singapore, nói rằng có thể vấn đề Biển Đông đã được đề cập trong cuộc gặp Putin-Tập vì Reuters đưa tin hôm 27/3 rằng kể từ tháng 1 năm 2022 các tàu hải cảnh Trung Quốc đã đi vào các lô khai thác dầu khí mà Nga đang sở hữu hay vận hành với Việt Nam trên Biển Đông ‘khoảng 40 lần’.

Theo lý giải của nhà nghiên cứu này thì nếu việc này xảy ra, ông Putin phải nêu lên với ông Tập vì nó liên quan đến lợi ích trực tiếp của Nga và Hà Nội là một nước hết sức gần gũi với Moscow ở đông nam Á.

“Tuy nhiên, tôi nghi ngờ liệu Moscow có nhất thiết phải quy phục sức ép của Bắc Kinh để từ bỏ những lợi ích năng lượng trên Biển Đông với cái giá khả dĩ là khiến Việt Nam xa lánh”, ông nói, nhấn mạnh Hà Nội là người bạn thủy chung nhất, kiên định nhất của Moscow ở đông nam Á.

“Liệu Moscow có muốn đẩy Hà Nội vào vòng tay của phương Tây khi từ bỏ mối quan hệ hợp tác năng lượng với Việt Nam trên Biển Đông?” ông lập luận. “Rộng hơn nữa, liệu Nga có muốn bị Việt Nam xem không chỉ là một đối tác thiếu tin cậy mà còn là một đối tác thế yếu trước Trung Quốc hay không?”

Kể từ khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine cách nay hơn một năm, Việt Nam đã bốn lần bỏ phiếu trắng và một lần bỏ phiếu chống các nghị quyết lên án Nga các loại tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bất chấp sự kêu gọi, vận động của các nước châu Âu.

Theo phân tích của Tiến sỹ Koh thì để duy trì tình bạn với Moscow, Hà Nội phải ‘đánh tín hiệu rõ ràng rằng họ trân trọng mối quan hệ đối tác này’ và lập trường của họ về cuộc chiến ở Ukraine ‘ít nhất là chấp nhận được’ đối với Moscow.

“Việt Nam có thể đẩy Nga về phía Trung Quốc nếu họ đi theo lập trường của phương Tây về Ukraine”, ông chỉ ra và nhấn mạnh Hà Nội phải cân bằng mối quan hệ giữa Nga với phương Tây.

Về phần mình, phía Nga luôn phải tính đến Việt Nam khi cân nhắc lập trường của họ trên Biển Đông, cũng theo lời nhà nghiên cứu này và dẫn chứng việc Nga ‘khá thận trọng’ khi bày tỏ lập trường về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực bác đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông hồi năm 2016.

Ông cho rằng nếu như Moscow ngả về với Bắc Kinh hoàn toàn ‘sẽ có hậu quả to lớn với Việt Nam’, nhất là trong lĩnh vực cung cấp vũ khí vốn hết sức quan trọng trong việc phòng thủ của quốc gia đông nam Á này.

“Ngay cả khi Việt Nam trong những năm qua đã đa dạng hóa nguồn cung công nghệ quân sự ngoài Nga, những khí tài chủ lực của Việt Nam vẫn là của Nga, xe tăng, chiến đấu cơ tấn công đa dụng, tàu chiến và tàu ngầm, chưa nói đến rất nhiều hệ thống tên lửa”, ông nói. “Mất quan hệ với Nga không tốt cho lợi ích quốc gia của Việt Nam về lâu dài nếu xét đến việc muốn thay kho vũ khí với Nga sẽ mất nhiều thời gian và rất tốn kém”.

Tuy nhiên, trên lĩnh vực năng lượng, Hà Nội sẽ không trả giá đắt như thế nếu như mất người bạn Nga, cũng theo lời ông Koh, vì Hà Nội có thể cân nhắc cho các đối tác khác mua lại cổ phần của Nga trong các dự án khai thác trên Biển Đông.

“Nhưng liệu các hãng năng lượng phương Tây có sẵn sàng tiếp nhận nếu như Moscow đầu hàng sức ép của Trung Quốc hay không”, ông nói và chỉ ra trường hợp hãng dầu khí Repsol của Tây Ban Nha đã bị ‘Bắc Kinh đe dọa đến mức phải rút ra khỏi dự án hợp tác năng lượng với Việt Nam trên Biển Đông’ hồi năm 2020.

‘Không thể ép Nga’

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, chuyên viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu đông nam Á Yusof-Ishak (ISEAS), nhấn mạnh rằng Trung Quốc ‘không thể ép Nga’ về khai thác dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông.

Ông chỉ ra trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019, Bắc Kinh đã ‘từng gây áp lực với Moscow ba lần’. “Văn phòng Tổng thống Putin đã trả lời rất rõ ràng rằng đây là sự hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong vùng biển hoàn toàn thuộc quyền tài phán của Việt Nam nên Trung Quốc không thể can thiệp được”, ông cho biết.

Do đó, cho dù Nga đang gặp rắc rối ở Ukraine và cần Trung Quốc nhưng ‘không có chuyện Nga nhượng bộ Trung Quốc’ trên Biển Đông, cũng theo lời nhà nghiên cứu này. Ông nhấn mạnh Việt Nam ‘không có gì phải lo về cam kết của Nga cả’.

“Nga đến Việt Nam trên cơ sở có lợi thì trước hết họ phải bảo vệ lợi ích của họ”, ông nói.

Theo giải thích của ông thì các giàn khoan ngoài khơi trên Biển Đông ‘là chủ quyền của cả Việt Nam và của Nga’.

“Khoảng một tháng trở lại đây, tàu hải cảnh Trung Quốc nhiều lần đến gần khu vực khai thác khí đốt do Zarubezhneft điều hành gần bãi Tư Chính, cho thấy Trung Quốc leo thang với chiến thuật vùng xám, có thể dẫn đến va chạm nghiêm trọng hơn hồi năm 2019. Việt Nam đang làm mọi cách phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền kinh tế của mình trong sự hợp tác với Zarubezhneft,” vẫn theo lời TS Hợp.

Tiến sỹ Collin Koh chỉ ra rằng Biển Đông có thể căng thẳng hơn trong thời gian tới sau khi ông Tập được bầu làm Chủ tịch nước lần thứ ba hồi đầu tháng Ba do nhu cầu ông Tập muốn ‘củng cố quyền hành’ nên cần phải ‘khẳng định chủ quyền đối với các vùng biển tranh chấp’.

“Chắc chắn có khả năng có sự cố leo thang lên thành đối đầu như hồi ở Bãi Tư Chính hồi năm 2019”, ông dự đoán.

Ghi chú: Bài viết được cập nhật gần nhất ngày 6 tháng Tư, bổ sung nhận định của tiến sĩ Hà Hoàng Hợp về hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc gần khu vực khai thác khí đốt gần bãi Tư Chính trong tháng qua.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG