Đường dẫn truy cập

Nền dân chủ Phi châu chứng kiến những trồi sụt trong năm 2015


Người ủng hộ Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan tham gia chiến dịch bầu cử tại sân vận động quốc gia ở Lagos ngày 24/3/2015.
Người ủng hộ Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan tham gia chiến dịch bầu cử tại sân vận động quốc gia ở Lagos ngày 24/3/2015.

Năm 2015 ghi nhận cả những mức cao và mức thấp cho các nền dân chủ ở khắp châu Phi, đầy đủ với các cuộc bầu cử, các âm mưu đảo chính, các thay đổi hiến pháp và những cuộc chuyển quyền êm thắm.

Nigeria chứng kiến cuộc chuyển quyền dân chủ đầu tiên hồi tháng 4, khi vị cựu tướng lãnh 72 tuổi và là nhà độc tài quân phiệt Muhammadu Buhari đánh bại tổng thống đương nhiệm Goodluck Jonathan. Các cuộc bầu cử chấm dứt 16 năm thống trị độc đảng ở quốc gia đông dân nhất châu lục này.

Tại Tanzania, Tổng thống Jakaya Kikwete rời chức sau hai nhiệm kỳ theo quy định của hiến pháp. Ông John Magufuli đã đắc cử êm thắm hồi tháng 10 sau một cuộc vận động tranh cử sôi nổi. Vị cựu bộ trưởng công chánh đã chứng tỏ cam kết đối với việc diệt trừ nạn lãng phí và giảm nghèo qua việc đi quét lá và rác để đánh dấu ngày lễ Độc lập sau khi bãi bỏ các lễ lạc thường lệ.

Ông Benji Ndolo, sáng lập viên và giám đốc Tổ chức Ban quyền Quốc gia – ONE, tin rằng đây là một dấu hiệu tốt cho khu vực.

Ông Ndolo nói: “Vị tân tổng thống Magufuli vừa khởi đầu bằng một dấu ấn tuyệt với, đầy nhiệt tình, đầy lạc qua, đầy hoạt động, ít nói suông, vì thế một lần nữa đây là điều rất đáng phấn khởi, nhất là đối những nước như Kenya ở ngay sát bên, và đối với khu vực. Uganda sẽ tổ chức bầu cử trong vòng 1 tháng rưỡi nữa”.

Burkina Farso đã tránh được một âm mưu đảo chính hồi tháng 9 và tiếp tục bầu ra người lãnh đạo mới lần đầu tiên từ 27 năm. Ông Rock Marc Christian Kabore thắng cử tổng thống với một thế đa số rõ ràng trước 14 ứng cử viên. Sự kiện này đánh dấu kết thúc thành công việc chuyển tiếp sau những vụ biểu tình ồ ạt lật đổ tổng thống lâu đời Blaise Compaore hồi tháng 10 năm 2014.

Nhà xã hội học Fahiraman Rodrique Kone của Cote d’Ivoire nói: “Tôi có thể nói về mặt những gì tôi biết được về tiến bộ dân chủ, là sự đi lên dần dà của một xã hội có trách nhiệm, một xã hội của các công dân. Như quý vị biết, phẩm chất của đề nghị chính trị còn tùy thuộc vào nhu cầu và mắt xích bị thiếu đang dần dà xuất hiện”.

Những điểm thấp cạnh những điểm cao

Burundi rơi vào cảnh hỗn loạn hồi tháng 4 sau khi Tổng thống Pierre Nkurunziza tìm cách ra tranh cử cho một nhiệm kỳ thứ ba mà giới chỉ trích cho là vi hiến. Sau một âm mưu đảo chính tháng 5, người biểu tình xuống đường, và những vụ trấn át đẫm máu của cảnh sát, ông Nkurunziza tái đắc cử hồi tháng 7 trong tình trạng đầy nghi kỵ.

Gần 200.000 người đã bỏ chạy khỏi nước. Hoa Kỳ đã áp đặt chế tài đối với 4 giới chức cấp cao – cả của chính phủ lẫn của ban tổ chức đảo chính – trong khi Hội đồng Bảo an LHQ lên án những vụ tra tấn và giết người.

Tuy nhiên, bạo động vẫn tiếp tục

Tại Nam Sudan, hàng chục ngàn người đã thiệt mạng và hơn 2 triệu người đã bỏ nhà đi lánh nạn kể từ sau khi cuộc nội chiến bùng ra cách đây 2 năm. Những người ủng hộ cả Tổng thống Salva Kir lẫn lãnh tụ nổi dậy Riek Machar đã đổ lỗi cho nhau là vi pham một thỏa thuận ngừng bắn.

Thỏa thuận hòa bình kêu gọi một chính quyền tạm thời được thiết lập vào cuối tháng 11, những các kế hoạch này đã bị đình hoãn. Mục tiêu mới cho một chính phủ chuyển tiếp là giữa tháng 1.

Các cuộc biểu tình đã biến thành bạo động tại nước Cộng hòa Congo khi Tổng thống Denis Sassou Nguesso tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý hợp hiến hồi tháng 10 để bãi bỏ hạn chế 2 nhiệm kỳ và hạn tuổi là 70. Ông đã thắng cử với tỷ lệ 92%, nêu ra nghi ngờ trong giới quan sát viên quốc tế.

Và tại nước Cộng hòa Dân chủ Congo, Tổng thống Joseph Kabila bị cáo buộc là trì hoãn cuộc bầu cử tổng thống, thoạt đầu định vào tháng 11 năm 2016, và có âm mưu tu chính hạn chế các nhiệm kỳ.

Rwanda bỏ phiếu chấp thuận áp đảo, với tỷ lê 98,4%, trong một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới đây, cho phép Tổng thống Paul Kagame ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2017, và có thể 2 nhiệm kỳ nữa sau đó.

Tuy nhiên, ông Eric Manga, một nhà nghiên cứu tại trường Đại học Nairobi, nghĩ rằng châu Phi sẽ khá hơn nếu xây dựng các cơ chế thay vì để cho các vị tổng thống bám lấy quyền lực hàng chục năm liền.

Ông Manga nói: “Đã đến lúc người Phi châu nên quên đi vấn đề đặt vận mệnh mình trong tay các cá nhân. Ta biết là chúng ta sẽ luôn có những người tốt và những kẻ xấu, nhưng ta cũng biết là nếu chúng ta có những cơ chế vững mạnh, chúng ta sẽ ở tư thế đi theo con đường đúng”.

Tổng thống Uganda Yoweri Museveni dự kiến sẽ tái đắc cử vào tháng 2, kéo dài 30 năm cầm quyền của ông.

Ông Ndolo nói: “Điều chúng ta muốn thấy từ châu Phi từ rày về sau là thêm những câu chuyện về quyền tự quyết, thêm những câu chuyện về bớt nợ nần, về lãnh đạo có trách nhiệm, về một sự nâng đa số ra khỏi cảnh nghèo khó, chứ không phải chỉ có một vài tay ở chóp bu”.

Năm 2016 sẽ là một trắc nghiệm nữa cho các nền dân chủ Phi châu, với các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý then chốt dự kiến tại ít nhất 9 quốc gia, trong đó có Uganda, Zambia và Ghana.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG