Đường dẫn truy cập

NATO: Vũ trang cho quân nổi dậy Libya không phải là chọn lựa


Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói chuyện với phóng viên tại văn phòng chính phủ Thụy Điển ở Stockholm, ngày 31/3/2011
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói chuyện với phóng viên tại văn phòng chính phủ Thụy Điển ở Stockholm, ngày 31/3/2011

Trong lúc liên minh NATO đảm nhiệm vai trò kiểm soát toàn bộ các hoạt động quân sự nhắm vào Libya, người đứng đầu liên minh nói là tổ chức này không hỗ trợ ý tưởng vũ trang cho các lực lượng nổi dậy.

Vài giờ sau khi NATO đảm nhận trách nhiệm chỉ huy các hoạt động quân sự tại Libya, ông Anders Fogh Rasmussen, tổng thư ký liên minh vạch ra các mục tiêu như sau: bảo vệ nhân dân Libya, chứ không vũ trang họ. Những nhận định của ông có vẻ mâu thuẫn với đề xuất của Mỹ và Anh, rằng nhiệm quyền của Liên Hiệp Quốc trao cho NATO có thể cho phép việc vũ trang cho quân nổi dậy chống lại lực lượng của ông Moammar Gadhafi.

Tòa Bạch Ốc nói có quyết định liên quan đến vấn đề có vũ trang cho quân nổi dậy Libya hay không, nhưng Hoa Kỳ đang cứu xét mọi chọn lựa.

Những bước tiến mới đây của lực lượng Gadhafi đã khiến cuộc tranh cãi về vấn đề này sôi nổi hơn. Trong một cuộc họp báo tại Brussels hôm thứ Năm, đô đốc Giampaolo Di Paola, chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, thừa nhận rằng vấn đề vũ trang cho quân nổi dậy còn lâu mới có thể giải quyết. Ông nói: “Khi tôi lắng nghe những tiếng nói trong cuộc tranh cãi, tôi thấy có những người nói rằng có thể có cách diễn dịch khác. Cho nên, vũ trang cho quân nổi dậy có vi phạm nghị quyết của Liên Hiệp Quốc hay không, không có gì rõ ràng.”

Ngoài ra, cũng có những tin nói rằng các hoạt động viên tình báo của CIA và Tình Báo Anh Quốc đang có mặt tại Libya thu thập thông tin cho những cuộc không kích quân sự. Đô đốc Di Paola nói rằng NATO không nêu vấn đề là những tin tức tình báo của NATO xuất phát từ đâu. Ông cho biết: “Họ sẽ cung ứng tin tình báo và chúng tôi sẽ sử dụng. Tùy theo nước đó quyết định rằng họ muốn cung cấp loại tin tình báo nào và chúng tôi không tra vấn xem những tin đó đến từ nguồn nào.”

Ông Di Paola nói thêm, những tin về việc có thể có các phần tử al-Qaida trong hàng ngũ chống đối không phải là điều đáng ngạc nhiên, căn cứ vào tình hình địa dư và bất ổn tại quốc gia Bắc Phi này. Tin cho biết những quan ngại về sự hiện diện của al-Qaida cũng được nêu lên trong cuộc tranh cãi về việc có nên vũ trang cho quân nổi dậy hay không.

Mặt khác, nước Anh cho biết, Ngoại trưởng Libya dường như mới đào tỵ sang London, hiện không được cấp qui chế miễn tố. Nhưng Ngoại trưởng Anh William Hague nói rằng việc Ngoại trưởng Libya bỏ hàng ngũ nêu rõ một điều là chế độ của Gadhafi đang chia rẽ và suy sụp.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG