Đường dẫn truy cập

Một năm sự kiện 6/1: Nhiều lo lắng về nền dân chủ Mỹ; TT Biden đối mặt câu hỏi khó


Những người ủng hộ ông Trump tấn công Điện Capitol hôm 6/1/2021.
Những người ủng hộ ông Trump tấn công Điện Capitol hôm 6/1/2021.

Thời gian qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận được những câu hỏi giống nhau và gây phiền lòng từ các nhà lãnh đạo đang lo lắng ở nhiều nước. Đó là những câu hỏi mà ông không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nhận được.

Họ hỏi: "Liệu nước Mỹ sẽ ổn chứ?" và "Thế còn nền dân chủ ở Mỹ thì sao?"

Tuy ông Biden đã cố gắng làm yên lòng các đồng minh của Mỹ, song ông rất ít lần nêu bật lên mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa đối với nền dân chủ từ cuộc bạo loạn hôm 6/1/2021 tại Điện Capitol và lời nói dối lặp đi lặp lại của ông Donald Trump rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã bị gian lận. (Ông Trump đã bị ông Biden đánh bại trong cuộc bầu cử đó). Và ông Biden cũng chưa thảo luận về những mối lo ngại thực sự về việc ngày càng có nhiều người thông cảm với cuộc bạo loạn là nhân viên trong các điểm bầu cử địa phương và đảng Cộng hòa thay đổi một số nội dung trong luật bầu cử ở một vài bang.

Giờ đây, khi sắp đến ngày kỷ niệm sự kiện chết chóc hôm 6/1 đó, đang có nhiều lời kêu gọi rằng vị tổng thống thuộc đảng Dân chủ cần sắp xếp lại thứ tự các ưu tiên và sử dụng quyền hạn trong chức vụ của ông để thúc đẩy luật về quyền bỏ phiếu mà những người ủng hộ dự luật cho rằng đó có thể là cách hiệu quả duy nhất để chống lại các nguy cơ đang xuất hiện nhanh chóng và đe dọa quy trình dân chủ.

Ông Biden đang căng mình giải quyết các vấn đề. Ông đang cố đạt được sự cân bằng giữa một bên là việc người dân Mỹ rất cần thấy ngay những tiến bộ trong các vấn đề hiển hiện là chống đại dịch COVID-19 và kinh tế, còn bên kia là một vấn đề không lộ rõ bằng, nhưng không kém phần quan trọng, đó là duy trì niềm tin vào các cuộc bầu cử và chính phủ.

Tổng thống Biden dự kiến sẽ đọc một bài diễn văn vào ngày 6/1/2022, tập trung vào việc duy trì nền dân chủ. Quyền bỏ phiếu sẽ không phải là một nội dung trong bài diễn văn, nhưng sẽ là chủ đề của một bài phát biểu khác trong những ngày sắp tới, các phụ tá Nhà Trắng cho biết.

Trong bài phát biểu của ông mới đây tại buổi lễ phát bằng tốt nghiệp của Đại học Bang South Carolina, ông Biden đã nói về việc cần phải có luật về quyền bỏ phiếu với giọng điệu cấp bách hơn.

Ông phát biểu: “Tôi chưa bao giờ, chưa bao giờ thấy có bất cứ điều gì lại như cuộc tấn công không ngừng hiện nay vào quyền bầu cử” và ông nói thêm: “Sự kết hợp xấu xa giữa đàn áp cử tri và lật đổ bầu cử đó - nó hoàn toàn không có tính chất Mỹ, nó thật phi dân chủ, và đáng buồn thay, đây là điều chưa từng có kể từ thời Tái thiết”.

Và thế giới đang chú ý đến. Cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, Jake Sullivan, cũng từng nói rằng cuộc bạo loạn tại Điện Capitol đã làm thay đổi quan điểm của nhiều quốc gia về Hoa Kỳ.

"Ngày 6/1/2021 đã có tác động đáng kể đến quan điểm của các nước khác trên thế giới về Hoa Kỳ, tôi tin rằng cả từ các đồng minh lẫn đối thủ”, ông Sullivan phát biểu gần đây tại Hội đồng Đối ngoại. “Các đồng minh nhìn vào sự kiện đó với sự quan tâm và lo lắng về tương lai của nền dân chủ Mỹ. Còn các đối thủ, họ nhìn vào nó và nghĩ đến chuyện họ cần lợi dụng điều đó ra sao”, vẫn lời ông Sullivan.

Ngược lại, đảng Cộng hòa ở nhiều bang đang thúc đẩy nỗ lực gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử trong tương lai bằng cách cài các nhà lãnh đạo thông cảm với vụ nổi loạn vào các chức vụ về bầu cử địa phương và ủng hộ cho một số người đã tham gia cuộc nổi loạn được bầu vào một số chức vụ.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden tin rằng cách hiệu quả nhất để chống lại ông Trump, chống lại chủ nghĩa phủ nhận bầu cử và chủ nghĩa cực đoan trong lòng nước Mỹ chính là chứng minh với những người còn lại của nước Mỹ - và với thế giới - rằng chính phủ có thể vận hành tốt.

Hồi mùa thu năm ngoái, ông Biden phát biểu: “Tôi biết rằng chúng ta không đạt được các tiến bộ nhanh như ý muốn. Chưa bao giờ. Quy trình quản trị gây chán nản và đôi khi làm mất tinh thần. Nhưng tôi cũng biết chúng ta có thể làm được gì nếu chúng ta tiếp tục cố gắng, nếu chúng ta không bao giờ bỏ cuộc, chúng ta luôn giữ vững niềm tin”.

Theo quan điểm của ông Biden, nhiều cử tri của ông Trump không hoàn toàn chấp nhận “chủ nghĩa Trump”. Thực ra, ông Trump đã khai thác được sự bất mãn đã có từ lâu về hệ thống chính trị, về kinh tế và xã hội của Mỹ để xây dựng lên liên minh của ông ấy.

Tổng thống Biden tại Nhà Trắng, 3/1/2022
Tổng thống Biden tại Nhà Trắng, 3/1/2022

Vì vậy, ông Biden đã điều chỉnh nghị trình đối nội trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống để giải quyết những điều mà ông cho là nguyên nhân gốc rễ của sự bất bình - nền kinh tế lung lay và đại dịch kìm hãm nền kinh tế - về cơ bản là để chứng minh rằng chính phủ có thể hoạt động hiệu quả.

Ông đã chỉ đạo cơ quan thực thi pháp luật liên bang tăng cường an ninh tại các cơ quan cấp quốc gia và cải thiện các hệ thống và quy trình về thông tin liên lạc, vốn là một phần nguyên nhân khiến Cảnh sát Quốc hội Hoa Kỳ bị lúng túng trong nhiều giờ khi xảy ra vụ bạo loạn hôm 6/1/2021.

Bộ Tư pháp Mỹ đã tiến hành hoạt động truy tố lớn nhất trong lịch sử của bộ, buộc tội hơn 700 bị cáo và vẫn đang tiếp tục truy tìm thêm những kẻ phạm tội.

Nhưng vấn đề quyền bỏ phiếu mới là điều mà nhiều đảng viên Dân chủ và giới hoạt động lo ngại, bao gồm cả những lo lắng về những chuyện có thể xảy ra trong năm 2022 và trong tương lai xa hơn. Họ đang thúc giục Tổng thống Biden đặt vấn đề này thành một ưu tiên chính.

Christina Baal-Owens, một nhà tổ chức lâu năm và là giám đốc điều hành của Public Wise, một nhóm nghiên cứu và công bố thông tin về các ứng cử viên là những người ủng hộ những lời lẽ dối trá về bầu cử, nói: “Cuộc nổi loạn là một phần của một phong trào rộng lớn hơn đàn áp hoạt động bầu cử và lật đổ nền dân chủ của chúng ta”.

Baal-Owens nói rằng những nỗ lực nhằm làm mất tin tưởng về tính liêm chính của cuộc bầu cử không chỉ kích động những người ủng hộ ông Trump mà còn khiến các cử tri khác ngại đi bỏ phiếu. Bà nói: “Chúng tôi biết - chúng tôi đã thực hiện một số nghiên cứu về mức độ tin tưởng đối với hệ thống - nếu cử tri không tin tưởng vào hoạt động bầu cử, họ có thể không bỏ phiếu. Đây là một phần của phong trào lớn hơn nhằm đàn áp cử tri, và đó là lý do vì sao ông Biden lại cần phải lên tiếng”.

Hạ viện Mỹ đã thông qua luật về quyền bỏ phiếu bao hàm nhiều khía cạnh, nhưng các Thượng nghị sĩ Dân chủ Kyrsten Sinema của bang Arizona và Joe Manchin của West Virginia là những trở ngại, họ nói rằng họ phản đối việc thay đổi các quy định của Thượng viện để tránh chuyện bị đảng Cộng hòa thực hiện thủ tục diễn thuyết kéo dài để chống dự luật.

Nếu luật về quyền bỏ phiếu được thông qua, Bộ Tư pháp sẽ lại có thẩm quyền xem xét các thay đổi trong luật bầu cử ở các bang có lịch sử phân biệt đối xử. Thẩm quyền này từng là một điều khoản của Đạo luật Quyền bỏ phiếu năm 1965, nhưng đã bị Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bãi bỏ vào năm 2013. Theo Trung tâm Brennan, 19 bang gần đây đã thông qua các luật làm cho việc bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn.

Hai Thượng nghị sĩ Manchin và Sinema đã góp phần soạn thảo một dự luật khác về quyền bỏ phiếu, nhưng nó thiếu sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa.

“Người ta đang chọn bên này hay bên kia thay vì nhìn nhận xem đang có các mối đe dọa gì về mặt định chế đối với việc duy trì nền dân chủ của chúng ta”, Dân biểu đảng Dân chủ Peter Welch của bang Vermont nói. Ông là một ứng cử viên thay thế Thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy, người đã tuyên bố nghỉ hưu.

Welch đã có mặt tại Điện Capitol hôm 6/1/2021, và tình trạng bạo lực ngày hôm đó khắc sâu vào ký ức của ông.

Ông nói: “Các chuẩn mực vốn là nền tảng của nền dân chủ của chúng ta, quá trình chuyển giao quyền lực tự do và hòa bình và lên án bạo lực, chúng đã bị phá vỡ”.

Sau bài phát biểu của ông Biden ở South Carolina, các đảng viên Dân chủ tại Thượng viện đã tiếp tục thúc đẩy việc thông qua luật về quyền bỏ phiếu vào đầu năm 2022. Và Tổng thống Biden nói trong một cuộc phỏng vấn với ABC rằng ông ủng hộ việc tạo ra một ngoại lệ đối với thủ tục diễn thuyết để phản đối tại Thượng viện, nếu đó là điều cần thiết để thông qua luật về quyền bỏ phiếu.

Đối với ông Biden, người đã phục vụ trong bốn thập kỷ tại Thượng viện, đó là một nhượng bộ đáng chú ý và nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của mối nguy. Và ông công nhận rằng ông biết thế giới đang theo dõi xem Mỹ ứng phó như thế nào - và họ cũng phân vân liệu nền dân chủ của Mỹ có tồn tại được hay không.

"Ai mà ngờ được có ngày tôi lại bị một nhà lãnh đạo nước khác hỏi câu đó, phải không?" ông Biden nói.

(AP)

VOA Express

XS
SM
MD
LG