Đường dẫn truy cập

Myanmar tìm cách cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc


Lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi bắt tay với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Naypyitaw, ngày 5/4/2016.
Lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi bắt tay với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Naypyitaw, ngày 5/4/2016.

Cái bắt tay thân mật giữa nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đầu tuần đã được truyền thông Trung Quốc mô tả là “một sự khởi đầu tốt đẹp” của mối quan hệ Trung-Miến. Tuy nhiên, các nhà phân tích phân tích cho rằng quan hệ lâu dài giữa hai nước láng giềng này sẽ tuỳ thuộc vào cách thức tân chính phủ Myanmar giải quyết những mối quan tâm của Trung Quốc về an ninh biên giới và những sự bất đồng về thương mại.

Các nhà phân tích cho rằng vì Myanmar lệ thuộc Trung Quốc khá nhiều về kinh tế nên tân chính phủ nằm dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi, người được xem là thân Tây phương, khó lòng kiềm chế ảnh hưởng mỗi ngày một tăng của nước láng giềng khổng lồ ở phương bắc.

Mặc dầu vậy, họ cũng cho rằng Trung Quốc cần thoả hiệp để giải quyết những vụ tranh chấp thương mại với Myanmar.

Cuộc đàm phán thân thiện

Trong chuyến viếng thăm mới đây tới Miến Điện, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra “một nhánh ô liu”.

"Tôi tới đây để đưa ra cho cộng đồng quốc tế một tín hiệu rất rõ ràng là Trung Quốc rất vui mừng được sát cánh với Myanmar và tiếp tục là một nước láng giềng tốt, một người bạn tốt và một đối tác tốt của Myanmar, sau khi nước này đã lật qua một trang sử mới."

Chuyến viếng thăm của ông Vương nhắm tới mục tiêu là bảo đảm rằng những mối liên hệ gần gũi của Trung Quốc với chính quyền quân nhân trước đây ở Myanmar sẽ tiếp tục được duy trì với tân chính phủ dân sự.

Ông Vương cũng bày tỏ tin tưởng là những vụ tranh chấp thương mại với Myanmar sẽ được giải quyết thông qua hiệp thương, và hứa sẽ hướng dẫn các công ty Trung Quốc làm ăn ở Myanmar hoạt động với tinh thần trách nhiệm xã hội nhiều hơn.

Căng thẳng khu vực

Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing.
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing.

Hôm thứ tư, trước khi kết thúc chuyến công du, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc cũng nói với ông Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, rằng Trung Quốc có quyết tâm hợp tác với Myanmar để duy trì hoà bình và ổn định trong vùng biên giới hai nước.

Đối với Trung Quốc, những mối căng thẳng lâu năm giữa chính phủ trung ương Myanmar với các nhóm dân quân sắc tộc thiểu số ở biên giới phía bắc gần tỉnh Vân Nam có ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh của Trung Quốc và mối quan hệ song phương với Myanmar. Ngoài ra, trong số những sự bất đồng thương mại giữa Trung Quốc với Myanmar có dự án thuỷ điện Myitsone, có kinh phí 3,6 tỉ đô la, mà Myanmar đã đơn phương ngưng chỉ vào năm 2011.

Trung Quốc đang mong đợi tân chính phủ dân sự sẽ nhanh chóng giải quyết cả hai vấn đề này.

Qua việc mời ông Vương Nghị trở thành quan khách nước ngoài đầu tiên đến thăm, bà Aung San Suu Kyi đã xoá bỏ những sự ngờ vực về hướng phát triển của mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng bà không hứa giải quyết vụ tranh chấp Miytsone một cách nhanh chóng.

Tại cuộc họp báo chung với ông Vương Nghị, bà Suu Kyi nói “Chúng tôi muốn hợp tác hoà bình với thế giới. Chúng tôi sẽ hợp tác cho hoà bình và sự phát triển của con người.”

Không liên kết

Một số dự án lớn của Trung Quốc về hầm mỏ và cơ sở hạ tầng bị nhiều người xem là gây tổn hại cho môi trường ở Myanmar.
Một số dự án lớn của Trung Quốc về hầm mỏ và cơ sở hạ tầng bị nhiều người xem là gây tổn hại cho môi trường ở Myanmar.

Ông Châu Trung Hạo, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Macao, cho rằng phát biểu đó chứng tỏ nhà lãnh đạo mới của Myanmar muốn giữ lập trường trung lập trong mối quan hệ với Trung Quốc và các nước Tây phương.

"Tôi nghĩ rằng những điều mà chúng ta đang nhìn thấy là Myanmar đang quay lại với chủ trương phi liên kết mà họ đã có trước đây, và trong ý nghĩa đó, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thấy một kế tục như vậy khi Myanmar gia nhập ASEAN vào năm 1997."

Ông Châu bác bỏ ý kiến cho rằng qua những biện pháp cải cách đã được thực hiện từ năm 2011, Myanmar đã giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc và liên minh với Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc trong khuôn khổ của một chiến lược bao vây.

Ông Châu cho biết Myanmar đang đa dạng hoá các lựa chọn ngoại giao, nhưng Trung Quốc sẽ tiếp tục nắm giữ một vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của nước này.

"Myanmar cần thương mại và đầu tư của Trung Quốc. Trung Quốc muốn được tiếp cận Miến Điện để khai thác tài nguyên thiên nhiên và để có lối đi tới Ấn Độ dương."

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng cần giải quyết những mối quan tâm của Myanmar bằng cách khuyến khích các công ty Trung Quốc có những đóng góp tích cực cho xã hội Myanmar. Một số dự án lớn của Trung Quốc về hầm mỏ và cơ sở hạ tầng bị nhiều người xem là gây tổn hại cho môi trường ở Myanmar cũng như cho sức khoẻ và sinh kế của dân chúng của nước này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG