Đường dẫn truy cập

Mỹ trục xuất lính canh trại Phát xít về Đức


Jakiw Palij, một lính canh trại tập trung của Phát xít Đức, trong bức ảnh chụp năm 1957 do Bộ Tư pháp Mỹ cung cấp. Người này bị trục xuất về Đức hôm 21/8.
Jakiw Palij, một lính canh trại tập trung của Phát xít Đức, trong bức ảnh chụp năm 1957 do Bộ Tư pháp Mỹ cung cấp. Người này bị trục xuất về Đức hôm 21/8.

Mỹ vừa trục xuất người cuối cùng được biết làm việc cho Phát xít về Đức sau nhiều năm bị áp lực về pháp lý, ngoại giao và chính trị.

Người vừa bị trục xuất, Jakiw Palij, đã sống ở khu vực Queens của thành phố New York mấy chục năm qua sau khi tới Mỹ vào năm 1949.

Mỹ sẽ không dung thứ cho những ai phạm tội ác của Phát xít và những vi phạm về nhân quyền.
Nhà Trắng

Nhà Trắng nói trong một thông cáo rằng cơ quan di trú đã thi hành lệnh trục xuất người này vào sáng ngày 21/8.

Không rõ liệu ông Palij, 95 tuổi, sẽ đối mặt với những thủ tục pháp lý gì ở Đức.

“Việc trục xuất ông Palij gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng: Mỹ sẽ không dung thứ cho những ai phạm tội ác của Phát xít và những vi phạm về nhân quyền, và họ sẽ không tìm được thiên đường an toàn trên đất Mỹ,” Nhà Trắng cho biết.

Ông Palij trở thành công dân Mỹ vào năm 1957, nhưng vào năm 2001 đã thú nhận với các nhà điều tra của Bộ Tư pháp rằng ông từng là một lính canh tại trại tập trung của Phát xít Đức ở Ba Lan lúc đó đang bị Đức chiếm đóng. Ông bị tước quốc tịch Mỹ vì lý do ông đã có nó một cách bất hợp pháp và vào năm 2004 một quan tòa về di trú ra lệnh trục xuất ông.

Sinh viên trường Do thái Chính thống Rambam Mesivta biểu tình trên phố nơi Jakiw Palij từng sinh sống ở Queens, New York, đòi trục xuất cựu lính gác trại tập trung của Đức Quốc xã ra khỏi Mỹ.
Sinh viên trường Do thái Chính thống Rambam Mesivta biểu tình trên phố nơi Jakiw Palij từng sinh sống ở Queens, New York, đòi trục xuất cựu lính gác trại tập trung của Đức Quốc xã ra khỏi Mỹ.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, ông Palij được đào tạo và làm lính canh tại trại tập trung lao động cưỡng bức Trawniki. Tại đây vào tháng 11/1943, lực lượng SS của Phát xít giết hơn 6.000 người Do thái chỉ trong một ngày.

“Bằng việc ngăn chặn sự đào thoát của những tù nhân này trong thời gian làm việc tại trại Trawnkiki, ông Palij đã đóng một vai trò không thể thiếu được trong việc đảm bảo rằng số phận bi thảm của những người này sau đó nằm trong tay của Phát xít,” theo Bộ Tư pháp Mỹ.

Mỹ sẽ không bao giờ là một thiên đường an toàn cho những ai đã từng tham gia vào các tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh, và những vi phạm về nhân quyền.
Jeff Sessions, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ

Trước đây, chính phủ Mỹ đã yêu cầu Đức và các quốc gia khác nhận ông Palij nhưng những yêu cầu đó liên tục bị từ chối.

Năm ngoái, các nhà lập pháp đại diện cho New York đã mở một chiến dịch mới, tập trung vào trường hợp của ông Palij, và Nhà Trắng nói trong thông cáo ra ngày 21/8 rằng Tổng thống Donald Trump coi nó là một ưu tiên hàng đầu của chính phủ ông.

“Thông qua những cuộc thương lượng lớn, Tổng thống Trump và đội ngũ của ông đã có thể trục xuất ông Palij trở về Đức và nâng cao nỗ lực hợp tác của Mỹ với một đồng minh quan trọng ở châu Âu,” Nhà Trắng nói và đồng thời chê trách các chính quyền trước đây đã không thể tiến hành việc trục xuất.

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions nói bộ của ông trước đây đã giúp trục xuất 67 lính Phát xít khác một cách thành công và rằng Mỹ “sẽ không bao giờ là một thiên đường an toàn cho những ai đã từng tham gia vào các tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh, và những vi phạm về nhân quyền.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG