Đường dẫn truy cập

Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt hơn 500 mục tiêu bên Nga vào ngày 23/2


Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Hoa Kỳ Wally Adeyemo.
Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Hoa Kỳ Wally Adeyemo.

Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Hoa Kỳ Wally Adeyemo nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn hôm 22/2 rằng Hoa Kỳ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 500 mục tiêu bên phía Nga vào ngày 23/2, nhân dịp tròn hai năm ngày Nga xâm chiếm Ukraine.

Ông Adeyemo nói rằng hành động này, được thực hiện với sự hợp tác của các quốc gia khác, sẽ nhắm vào tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga và các công ty ở các nước thứ ba đang tiếp tay cho Nga tiếp cận hàng hóa mà họ muốn. Biện pháp này được đưa ra khi Washington tìm cách buộc Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine và cái chết của lãnh đạo phe đối lập, ông Alexei Navalny.

Ông Adeyemo nói: “Ngày mai chúng tôi sẽ ban hành hàng trăm lệnh trừng phạt ngay tại Hoa Kỳ, nhưng điều quan trọng là hãy ngẫm nghĩ và nhớ rằng không chỉ có Mỹ thực hiện những hành động này”.

Đây là gói lệnh trừng phạt mới nhất trong số hàng nghìn lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow được Mỹ và các đồng minh công bố sau cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, làm chết hàng chục nghìn người và phá hủy các thành phố.

Các hình phạt mới được đưa ra khi Mỹ và các đồng minh tìm cách duy trì áp lực lên Nga, bất chấp những nghi ngờ về việc liệu Quốc hội Mỹ có phê chuẩn khoản trợ giúp an ninh bổ sung cho Kyiv hay không.

Ông Adeyemo nói: “Các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu nhằm mục đích làm chậm lại sự phát triển của Nga, khiến họ gặp khó khăn hơn trong việc tham gia cuộc chiến mà họ lựa chọn ở Ukraine”.

“Nhưng trên hết, mục đích là tăng tốc cho Ukraine, giúp họ có khả năng tự vệ, Quốc hội cần phải hành động để cung cấp cho Ukraine những nguồn lực mà họ cần và vũ khí mà họ cần”.

Trong diễn biến liên quan, Anh hôm 22/2 công bố một gói trừng phạt mới chống lại Nga, cho biết nước này đang tìm cách giảm bớt kho vũ khí và khí tài của Tổng thống Vladimir Putin hai năm sau cuộc xâm lược Ukraine của Moscow, cũng theo Reuters.

Gói này, bao gồm việc trừng phạt hơn 50 cá nhân và tổ chức, là một phần trong nỗ lực phối hợp của phương Tây nhằm hạn chế nền kinh tế Nga.

Ngoại trưởng Anh David Cameron nói trong một tuyên bố: “Áp lực kinh tế quốc tế của chúng tôi có nghĩa là Nga không thể nuôi được cuộc xâm lược bất hợp pháp này. Các biện pháp trừng phạt của chúng tôi đang khiến ông Putin mất đi các nguồn lực mà ông ấy rất cần để tài trợ cho cuộc chiến đang gặp khó khăn của mình”.

Liên hiệp châu Âu (EU) hôm 21/2 thông qua gói trừng phạt sâu rộng của riêng mình, cấm gần 200 pháp nhận và cá nhân bị cáo buộc đã giúp Moscow mua vũ khí hoặc liên quan đến bắt cóc trẻ em Ukraine.

Các chuyên gia cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt không đủ để ngăn chặn các cuộc tấn công của Moscow.

Ông Peter Harrell, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, nói: “Những gì Quốc hội Mỹ làm để thông qua hỗ trợ quân sự bổ sung cho Ukraine sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác mà họ có thể làm trên mặt trận trừng phạt”.

Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 12/2023 cho biết nền kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, suy giảm 2,1% vào năm 2022.

Tuy nhiên, nền kinh tế Nga đã hoạt động hiệu quả cao hơn các ước tính, với việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 1 dự báo mức tăng trưởng GDP của Nga sẽ là 2,6% trong năm 2024 - tăng 1,5 điểm phần trăm so với ước tính hồi tháng 10 năm ngoái - sau khi Nga ghi nhận mức tăng trưởng vững chắc 3,0% vào năm 2023.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG