Đường dẫn truy cập

Mỹ nói có bằng chứng Syria đứng sau vụ tấn công bằng khí độc


Mỹ cũng đả kích Nga không ngăn cản đồng minh của mình, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, về vụ tấn công bằng khí độc vào ngày 7 tháng 4, làm hàng chục người thiệt mạng ở Douma gần thủ đô Damascus.
Mỹ cũng đả kích Nga không ngăn cản đồng minh của mình, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, về vụ tấn công bằng khí độc vào ngày 7 tháng 4, làm hàng chục người thiệt mạng ở Douma gần thủ đô Damascus.

Mỹ hôm thứ Sáu quy trách chính phủ Syria về vụ tấn công hóa học gây chết người trong tháng này và đả kích Nga vì không ngăn cản đồng minh của mình là Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi các đồng minh phương Tây đang cân nhắc các cuộc tấn công quân sự nhắm vào Syria.

Trong lúc viễn cảnh về hành động quân sự do Mỹ dẫn đầu, có thể đưa tới đối đầu với Nga, đang bao trùm vùng Trung Đông, Nhà Trắng cáo buộc Syria thực hiện vụ tấn công bằng khí độc vào ngày 7 tháng 4, làm hàng chục người thiệt mạng ở Douma gần thủ đô Damascus.

"Chúng tôi tin chắc rằng Syria chịu trách nhiệm và, một lần nữa, việc Nga không ngăn cản Syria và tiếp tục không có hành động gì trên bình diện này là một phần của vấn đề," phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói.

Tình báo của Mỹ cho thấy tuyên bố của Nga nói vụ tấn công là giả mạo là sai trái, bà Sanders nói. "Tình báo của chúng tôi cho chúng tôi biết điều ngược lại. Tôi không thể bình luận gì thêm," bà Sanders nói với các phóng viên.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ có bằng chứng "ở mức độ khả tín rất cao" rằng chính phủ Syria đã thực hiện vụ tấn công nhưng vẫn đang nỗ lực xác định hỗn hợp hóa chất được sử dụng.

Tổng thống Donald Trump cảnh báo hôm thứ Tư rằng các phi đạn "sẽ bay tới" để đáp lại vụ việc ở Douma. Nga đã cảnh báo Mỹ và các đồng minh của Mỹ chớ thực hiện bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào.

Các chuyên gia vũ khí hóa học cho Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đã đến Syria để điều tra vụ tấn công tình nghi sử dụng khí độc.

Các nhà điều tra có thẩm quyền xác định xem vũ khí hóa học có được sử dụng hay không chứ không xác định xem ai đã sử dụng chúng. Theo lịch trình, họ sẽ bắt đầu điều tra vụ việc ở Douma vào ngày thứ Bảy, tổ chức đặt tại Hà Lan cho biết.

Khi được hỏi liệu Mỹ có phải đang chờ báo cáo của OPCW trước khi đưa ra quyết định về Syria hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Heather Nauert nói, "Chúng tôi tin là chúng tôi đã biết ai chịu trách nhiệm về chuyện này. Chúng tôi biết vũ khí hóa học đã được sử dụng."

"OPCW vẫn sẽ tạo lập dữ kiện của riêng mình nhưng OPCW không xác định trách nhiệm. Họ chỉ xác định chất hóa học," bà Nauert nói thêm.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước đó cho biết Moscow đang trao đổi với Washington để thảo luận về bầu không khí mà ông mô tả là đáng báo động.

"Thượng đế chớ để xảy ra bất cứ điều gì mạo hiểm ở Syria giống như những gì đã xảy ra ở Libya và Iraq," ông Lavrov nói trong một cuộc họp báo, nhắc tới những lần can thiệp quân sự trước đây của phương Tây ở những khu vực khác trong vùng.

Trong khi đó Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc, Karen Pierce, bác bỏ cáo buộc của một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga nói rằng Anh nhúng tay dàn dựng một cuộc tấn công vũ khí hóa học giả tạo ở Douma.

"Điều này thật bỉ ổi, đó là lời nói dối trắng trợn, đó là thứ tin vịt tồi tệ nhất mà chúng ta từng thấy từ bộ máy tuyên truyền của Nga," bà Pierce nói với các phóng viên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG