Đường dẫn truy cập

Mỹ kỳ vọng hợp tác nhiều hơn với Ấn Độ ở Biển Đông


Ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách Đông Á-Thái Bình Dương (ảnh tư liệu 28/2/2023)
Ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách Đông Á-Thái Bình Dương (ảnh tư liệu 28/2/2023)
Hoa Kỳ mong có mối quan hệ đối tác lớn hơn với Ấn Độ ở Biển Đông, nơi Trung Quốc là tâm điểm của nhiều cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước trong khu vực, ông Kritenbrink, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ chuyên trách Đông Á, nói hôm thứ Tư 28/6.
Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở Washington vào tuần trước, Mỹ và Ấn Độ tuyên bố họ "thuộc diện các đối tác thân thiết nhất trên thế giới" và nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các thách thức đối với trật tự hàng hải, bao gồm cả vấn đề Biển Đông.
Ông Daniel Kritenbrink phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington rằng Hoa Kỳ thấy "sự cưỡng ép" của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp có "xu hướng rõ rệt và tăng lên".
Khi được hỏi phải chăng Ấn Độ sẽ có vai trò ngày càng tăng ở Biển Đông và hợp tác nhiều hơn với Mỹ ở đó, ông Kritenbrink nói "Đúng vậy", đồng thời nói thêm rằng sẽ có sự hợp tác lớn hơn trong nhóm các cường quốc khu vực - gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc - còn gọi là nhóm Bộ Tứ.
Ông cho hay trọng tâm của Hoa Kỳ trong khu vực là xây dựng năng lực của các đồng minh, đối tác và bạn bè có chung tầm nhìn về một thế giới hòa bình và ổn định.
"Chúng tôi sẽ hoan nghênh sự hợp tác với bất kỳ quốc gia nào ủng hộ tầm nhìn đó. Tất nhiên, bao gồm cả Ấn Độ", ông Kritenbrink nói.
“Các nước lớn chớ có bắt nạt các nước nhỏ hơn”, ông nói thêm, đề cập đến các tranh chấp của Trung Quốc với các bên tranh chấp khác ở Biển Đông.
Căng thẳng hiện ở mức cao tại các vùng biển có tranh chấp. Biển Đông là một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất thế giới và có lượng thương mại trị giá hơn 3 nghìn tỷ đô la đi qua đó hàng năm bằng tàu biển.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển và cho rằng các tranh chấp nên để các nước trong khu vực tự giải quyết, không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Mặc dù không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, Ấn Độ trong những năm gần đây đã tăng cường quan hệ an ninh trong khu vực, cho thấy ý định đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực làm đối trọng với Trung Quốc.
Hải quân Ấn Độ hôm 28/6 cho biết họ sắp tặng Việt Nam một tàu hộ vệ tên lửa vẫn đang hoạt động, là tàu chiến đầu tiên mà Ấn Độ tặng cho một quốc gia.
Ông Kritenbrink đã đề cập đến "các di chuyển không an toàn" của các tàu Trung Quốc bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng trước, đặc biệt là ở vùng biển xung quanh các cơ sở dầu khí.
Ông nói: “Hành vi khiêu khích (của Trung Quốc) làm trầm trọng thêm các rủi ro đối với các doanh nghiệp, thực tế là ngăn cản cạnh tranh và mở đường cho Trung Quốc thúc ép phải chấp nhận thỏa thuận thăm dò, khai thác chung với các công ty nhà nước của họ”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG