Đường dẫn truy cập

Mỹ dự tính cắt giảm số người tị nạn vào năm tới


Ảnh tư liệu - Một người phụ nữ giơ cao tấm bảng phản đối trong một cuộc biểu tình chống lại chính sách nhập cư của tổng thống Donald Trump tại Guatemala City, Guatemala ngày 27/07/2019
Ảnh tư liệu - Một người phụ nữ giơ cao tấm bảng phản đối trong một cuộc biểu tình chống lại chính sách nhập cư của tổng thống Donald Trump tại Guatemala City, Guatemala ngày 27/07/2019

Theo một bản tin của tờ Politico, các quan chức chính phủ Hoa Kỳ đã tham dự một cuộc thảo luận, đưa ra lựa chọn một “mức trần” 10.000 người tị nạn cho năm tới, thấp hơn mức trần 30.000 hiện tại ở Mỹ, và cũng là mức thấp nhất trong lịch sử chương trình này.

Hoa Kỳ tái định cư 23.190 người tị nạn kể từ đầu năm tài chính 2019, bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái. Theo dữ liệu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, với 2 tháng rưỡi còn lại thì sau khi thống kê lại, số người tị nạn được tiếp nhận vào Hoa Kỳ đang trên đà giảm so với mức giới hạn của năm nay.

Trong 2 nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Barack Obama và nội các đã nỗ lực phối hợp gia tăng số người tị nạn được tới Hoa Kỳ, đặc biệt, ông Obama tập trung vào những người Syria chạy trốn khỏi xung đột và đàn áp.

Trong khi đó, ông Donald Trump lại liên tục cố gắng hạn chế số người tị nạn tới Mỹ với nhiều điều chỉnh trong lĩnh vực du lịch trong năm đầu tiên nhậm chức, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, những lo lắng này hiện vẫn không được chứng minh bằng dữ liệu và cũng không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh mối tương quan giữa việc tiếp nhận người tị nạn và những rủi ro về an ninh.

Đối với một số người Việt đã định cư tại Mỹ, thì việc dự tính cắt giảm số người tị nạn tới Hoa Kỳ của tổng thống Donald Trump là rất thỏa đáng, xét về mặt ngân sách, hệ thống an sinh xã hội, rủi ro về an ninh, trật tự.

Anh Kha Hoàng, một người tị nạn gốc Việt đã định cư lâu năm tại Springfield, Maryland, cho VOA biết thêm về quan điểm của mình:

“Tôi nghĩ đề xuất này đưa ra vào lúc này là rất hợp lý vào đúng thời điểm khi dòng người xin tị nạn từ Nam và Trung Mỹ đang đổ về Hoa Kỳ. Chúng ta không bỏ qua vấn đề nhân đạo nhưng đây là thời điểm chúng ta phải xây dựng lại nước Mỹ trước khi mở cửa tiếp nhận người tị nạn trở lại. Bên cạnh đó việc tiếp tục tiếp nhận người tị nạn sẽ tạo ra gánh nặng cho xã hội Mỹ, bởi chính phủ phải thu thuế của người dân để chu cấp cho những người tị nạn. Chưa kể nhiều người cũng không thể hòa nhập với cuộc sống tại Mỹ và họ sẽ tạo ra sự mất an toàn trong xã hội.”

Trong khi đó, những người không đồng tình với việc cắt giảm số người tị nạn tới Hoa Kỳ thì lại cho rằng với vị thế cường quốc số 1 thế giới và lợi ích kinh tế toàn cầu, Hoa Kỳ phải thể hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình đối với những người tị nạn toàn thế giới.

Chị Xuân Đỗ, một người Việt định cư tại thành phố Annandale, Virginia, bày tỏ: “Nếu thật sự việc cắt giảm số người tị nạn này khiến cho những người tù lương tâm, những người đã phải chịu đựng sự đày đọa của chế độ cộng sản vì họ tin vào tự do, dân chủ và công lý thì đây là một điều quá thiệt thòi đối với họ. Tất nhiên tôi không nói họ đấu tranh là để được định cư tại Mỹ trong tương lại. Nhưng khi đã không tiếp nhận họ nữa thì, rõ ràng Hoa Kỳ sẽ thất bại trong việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam…”

Tuy nhiên, mỗi năm, tổng thống đều đưa ra quyết định hàng năm liên quan đến “mức trần” tuyển người tị nạn cho năm tài chính tiếp theo nhưng phải sau khi tham khảo ý kiến thích hợp với Quốc hội.

Năm ngoái, Nhà Trắng bị chỉ trích bởi các thành viên của Quốc hội sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố rằng mức trần cho người tị nạn tái định cư tại Hoa Kỳ trong năm tài khóa 2019 sẽ là 30.000, trước khi có các cuộc họp bắt buộc về mặt pháp lý với các nhà lập pháp tại Quốc Hội.

Bên cạnh đề xuất cắt giảm hoàn toàn việc tiếp nhận người tị nạn, trong những tuần qua, chính quyền Tổng thống Trump đưa ra chính sách người tị nạn trước khi tới Hoa Kỳ xin tị nạn thì phải xin tị nạn trước đó ở một nước thứ 3 đã đặt chân tới trước khi tới Mỹ thì hồ sơ mới được cứu xét.

Chính sách này của ông Trump được thông qua và áp dụng. Tuy nhiên theo luật sư di trú Khanh Phạm, người đã có nhiều năm cộng tác với VOA, thì những chính sách này hoàn toàn có thể bị thay đổi nhanh chóng: “Nước Mỹ có thể đưa ra những chính sách này và bắt buộc áp dụng chính sách này nhưng sẽ có kiện tụng và sẽ có quan tòa liên bang nói rằng chính sách này sẽ không được thông qua bởi không đúng theo luật từ trước tới nay, hay tương tự như vậy. Đây là một việc mới xảy ra trong tuần vừa qua và cũng có một số tổ hợp luật bắt đầu chuẩn bị việc kiện rồi. Sở dĩ họ chưa kiện là vì đề xuất này quá mới và chưa được áp dụng và chưa có ai bị ảnh hưởng mà thôi.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG