Đường dẫn truy cập

Mỹ điều tra vụ bị nghi là xả khí độc ở Syria


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki tại một cuộc họp báo trong thủ đô Washington
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki tại một cuộc họp báo trong thủ đô Washington
Mỹ cho biết họ có những chỉ dấu cho thấy hóa chất độc hại đã được xả trong một khu vực của quân nổi dậy ở Syria trong tháng này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki hôm thứ Hai cho biết Mỹ đang điều tra cáo buộc chính phủ Syria chịu trách nhiệm về vụ xả khí độc này.

Bà nói có bằng chứng cho thấy một loại hóa chất công nghiệp độc hại, có thể là clo, được sử dụng trong thị trấn Kfar Zeita.

Hôm Chủ nhật, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói Pháp cũng có những chỉ dấu cho thấy vũ khí hóa học đang được sử dụng ở Syria.

Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad năm ngoái đã đồng ý tiêu hủy vũ khí hóa học trong một thỏa thuận nhằm giảm bớt căng thẳng trước sự gia tăng sức ép của quốc tế.

Washington và các đồng minh nói lực lượng của ông Assad đã xả khí sarin vào năm ngoái, gây nên cái chết của hàng trăm người.

Chính phủ Syria đổ lỗi cho phiến quân trong cuộc nội chiến Syria, giờ đã qua năm thứ tư.

Trong một diễn biến khác ngày thứ Hai, chính phủ Syria loan báo cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức vào ngày 3 tháng 6, cho Tổng thống Assad cơ hội giành thêm một nhiệm kỳ thứ ba 7 năm nữa tại chức.

Phe đối lập ngay lập tức bác bỏ cuộc bầu cử là một trò hề.

Ông Assad đã nắm quyền từ năm 2000 khi ông lên nhậm chức sau cái chết của cha, người cai trị Syria trong suốt 30 năm.

Ông chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2007, giành 97% phiếu bầu trong cuộc bầu cử mà phe đối lập tẩy chay và ông là ứng cử viên duy nhất.

Ông Assad vẫn đang chiến đấu với quân nổi dậy trong cuộc xung đột mà khởi đầu là những cuộc biểu tình ôn hòa vào tháng 3 năm 2011, nhưng nhanh chóng phát triển thành cuộc nội chiến giết chết hơn 150.000 người.

2,6 triệu người đã lánh sang những láng giềng của Syria và cuộc khủng hoảng đã khiến hơn 6,5 triệu người Syria phải bỏ nhà cửa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG