Đường dẫn truy cập

Di sản chiến tranh: Mỹ nỗ lực thế nào để hoà giải với cựu thù Việt Nam


Hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam được đưa lên máy bay trong một buổi lễ tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội tháng 12/2012. Đây là một trong những di sản chiến tranh mà Mỹ và Việt Nam vẫn đang hợp tác để tìm kiếm những người lính Mỹ mất tích còn lại.
Hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam được đưa lên máy bay trong một buổi lễ tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội tháng 12/2012. Đây là một trong những di sản chiến tranh mà Mỹ và Việt Nam vẫn đang hợp tác để tìm kiếm những người lính Mỹ mất tích còn lại.

Chính phủ Việt Nam từng “rất tức giận” cho đến khi Mỹ nhận trách nhiệm và giúp cựu thù giải quyết hậu quả chiến tranh để xây dựng lòng tin giữa hai nước và trở thành đối tác của nhau

Với những nỗ lực từ những năm 1980 nhằm giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích và hỗ trợ người Việt Nam bị tàn tật do chiến tranh, sự hợp tác giữa hai cựu thù nhằm khắc phục hậu quả tàn khốc mà chiến tranh để lại đã mở rộng sang các lĩnh vực bao gồm xác định vị trí và loại bỏ vật liệu chưa nổ, xử lý ô nhiễm (chất độc da cam) tại các căn cứ không quân trước đây của Hoa Kỳ, cũng như hỗ trợ các chương trình sức khoẻ và khuyết tật cho nạn nhân chất độc da cam.

Nỗ lực nhân đạo chung kéo dài hàng thập kỷ qua nhằm khắc phục những di sản chiến tranh này đã giúp Mỹ và Việt Nam đạt được bình thường hoá trong quan hệ vào năm 1995. Trong những năm gần đây mối quan hệ này đã mở rộng sang các lợi ích chung bao gồm ngoại giao, thương mại và an ninh khu vực.

Nhưng trước khi Mỹ và Việt Nam đến được những thống nhất trong hợp tác về di sản để lại của cuộc chiến tranh kéo dài hàng thập kỷ và nồng ấm hơn trong mối quan hệ cựu thù, hai bên đã từng có những bất đồng tưởng như không thể giải quyết được.

Một trong những vấn đề mà Mỹ và Việt Nam có nhiều mâu thuẫn là việc giải quyết ô nhiễm dioxin và chất độc da cam.

“Chính phủ Việt Nam ban đầu rất tức giận, rất phẫn nộ về việc này vì những lý do hiển nhiên,” Tim Rieser, trợ lý cao cấp về chính sách ngoại giao của Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, cho biết trong một cuộc hội đàm gần đây về những nỗ lực của Quốc hội Mỹ trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam. “Đó là một vấn đề và là một sự xung khắc giữa hai bên bởi vì họ cho rằng chúng ta phải có trách nhiệm giải quyết việc đó. Và chúng ta thực tế đã đồng ý với điều đó.”

Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để giải quyết vấn đề đó khi Việt Nam cho rằng “toàn bộ đất nước” của họ “bị ô nhiễm”, theo ông Rieser, người có nhiều lần đến thăm Việt Nam trong các chương trình của Quốc hội Mỹ về hợp tác thực hiện di sản chiến tranh, nói tại buổi toạ đàm trực tuyến do trung tâm nghiên cứu Stimson, có trụ sở ở Washington DC, tổ chức.

“Không ai có thể hình dung được làm thế nào để giải quyết (ô nhiễm trên toàn Việt Nam), nhưng qua thời gian chúng tôi đã có thể xác định được rằng thực tế không phải là như vậy,” trợ lý của TNS Leahy, nhà lập pháp của Thượng viện đã đi đầu trong việc giúp giải quyết hậu quả chiến tranh và thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt, nói.

Sự ô nhiễm nghiêm trọng chỉ giới hạn chủ yếu tại các khu căn cứ quân sự cũ của Mỹ tại Đà Nẵng và một số nơi khác, theo ông Rieser cho biết.

Trong chiến tranh Việt Nam, Quân đội Mỹ đã dùng hoá chất (da cam ) để khai quang các cánh rừng ở Việt Nam trong chiến dịch chống bộ đội Bắc Việt.

Từ năm 1962 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 11 triệu galon (hơn 41,6 triệu lít) chất da cam trên một diện rộng ở miền Nam Việt Nam. Chất độc dioxin tồn lại trong đất và trong các trầm tích dưới đáy sông, hồ trong nhiều thế hệ. Chất độc này cũng đã được chứng minh rằng có thể có trong nguồn cung thực thẩm qua thịt cá và các loài động vật khác.

Việt Nam nói rằng có khoảng 4 triệu người dân bị phơi nhiễm với chất độc này và khoảng 3 triệu người bị mắc các chứng bệnh liên quan đến nó, bao gồm cả con cái của những người bị phơi nhiễm với dioxin trong thời gian chiến tranh.

Theo trợ lý cấp cao của TNS Leahy, ông Rieser, Quốc hội Mỹ đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy cho các khoản ngân sách cho các chương trình giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.

“Sau mỗi năm, các khoản tài trợ cho các chương trình (di sản chiến tranh Việt Nam) đã tăng lên,” ông Rieser nói. “Chỉ riêng việc tẩy rửa ô nhiễm dioxin ở Đà Nẵng đã tốn 135 triệu USD và chúng tôi sẽ chi ít nhất 300 triệu USD để làm sạch sân bay Biên Hoà và các khu vực xung quanh.”

Sau thành công của dự án tẩy độc dioxin kéo dài 5 năm ở sân bay Đà Nẵng, Mỹ và Việt Nam đã bắt đầu và hoàn thành giai đoạn 1 của chương trình tương tự tại sân bay Biên Hoà, dự kiến sẽ hoàn thành sau 10 năm từ thời điểm bắt đầu vào tháng 12/2019.

Bài học hoà giải

Mỹ đã nhận thức được là cần hoà giải với Việt Nam từ năm 1995, năm mà hai nước cựu thù bình thường hoá quan hệ ngoại giao, nhưng phải mất hàng chục năm sau đó hai bên mới thực sự tin nhau.

Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen vào năm 2000, chuyến thăm đầu tiên của một quan chức quân đội cấp cao của Mỹ tới Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, đã dẫn đến kết quả ban đầu tiến tới việc Mỹ nhận trách nhiệm về hậu quả chất độc da cam và bom mìn chưa nổ, theo Viện nghiên cứu Chính sách (IPS) có trụ sở ở Washington DC. Bộ trưởng Cohen lúc đó, đã đồng ý xem xét một chương trình nghiên cứu chung về các ảnh hưởng của sự độc hại từ dioxin và muốn cung cấp các thiết bị rà phát bom mìn.

Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết hồi năm ngoái, cũng trong một cuộc đàm thoại trực tuyến tại Trung tâm nghiên cứu Stimson, kể từ năm 1994, Hoa Kỳ đã đầu tư hơn 130 triệu USD cho các hoạt động rà phá vật liệu chưa nổ ở miền Trung Việt Nam. Mỹ đã giúp tháo gỡ 700.000 vật liệu chưa nổ ở Việt Nam, đào tạo cho hơn 500.000 người dân ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất về sự nguy hiểm của những vật liệu mà họ có thể tìm thấy trong rừng hoặc trên các đồng ruộng. Đại sứ Kritenbrink cũng cho biết rằng trong 3 năm qua, không có trường hợp nào bị thương vì bom mìn sót lại ở Quảng Trị, một trong những chiến trường ác liệt nhất thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Mục tiêu của chương trình hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam là Quảng Trị trở thành khu vực hết bị ảnh hưởng của vật liệu chưa nổ vào năm 2025.

Việc chính phủ Việt Nam hợp tác và tạo điều kiện cho Hoa Kỳ tìm kiếm hài cốt những quân nhân Mỹ còn mất tích trong chiến tranh đã tạo tiền đề cho sự hàn gắn trong quan hệ giữa hai nước.

Theo số liệu của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đưa ra năm 2020, các đối tác Việt Nam đã giúp Mỹ tìm được 272 hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh trong hơn 3 thập niên qua. Vào tháng 7 năm ngoái, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã cung cấp khoản tài chính trị giá 2,4 triệu USD cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực phân tích ADN để giúp công tác tìm kiếm hài cốt những người lính từ cả hai phía mất tích trong chiến tranh được tốt hơn. Hơn 58.000 lính Mỹ đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam, trong đó gần 2.000 người mất tích. Trong khi đó phía Việt Nam nói có hàng triệu người thiệt mạng và còn khoảng 200.000 liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt.

Tuy nhiên những gì Mỹ đã làm để giải quyết các di sản Chiến tranh Việt Nam, một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, vẫn chưa đủ, theo ông Rieser. Nguồn tài chính của chính phủ Mỹ cho các dự án khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam phải được quốc hội thông qua, trong khi Mỹ còn có nhiều ưu tiên khác để giải quyết các vấn đề trong nước.

Theo dân biểu Jackie Speier, đại diện California tại Hạ viện Mỹ, nói tại buổi toạ đàm ở Trung tâm Stimson rằng Mỹ phải có trách nhiệm “dọn sạch đống rác” đã gây ra tại Việt Nam và rằng bà chưa cảm thấy hài lòng với những gì chính phủ Mỹ đã làm cho đến lúc này để giải quyết hậu quả sau hơn 40 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc.

“Đó là điều mà chúng ta phải đặt ưu tiên cao,” dân biểu Speier, đồng chủ tịch nhóm hỗ trợ chương trình rà phá bom mìn vật liệu chưa nổ của Quốc hội Mỹ hiện đang được thực hiện ở 45 quốc gia trên thế giới, nói.

“Tôi nghĩ rằng còn nhiều bài học của cuộc chiến tranh Việt Nam mà chúng ta còn phải học,” ông Rieser nói. “Nhưng những gì Mỹ đã làm trong 30 năm qua cho thấy trách nhiệm đạo đức mà chúng ta đã lĩnh nhận và sẽ tiếp tục những nỗ lực để hàn gắn bởi Việt Nam giờ đây đã là một đối tác quan trọng của chúng ta ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG