Đường dẫn truy cập

Mỹ cấm 5 pháp nhân Trung Quốc bị cáo buộc cưỡng bức lao động ở Tân Cương


Bộ trưởng Nội an Mỹ Alejandro Mayorkas (ảnh tư liệu)
Bộ trưởng Nội an Mỹ Alejandro Mayorkas (ảnh tư liệu)

Chính quyền của Tổng thống Biden xác nhận hôm thứ Năm 24/6 rằng họ đã áp lệnh cấm nhập khẩu các nguyên liệu chính để làm tấm pin mặt trời từ hãng Hoshine Silicon Industry có trụ sở ở Trung Quốc, nhưng chưa cấm hoàn toàn việc nhập khẩu silica (đioxit silic) từ Tân Cương.

Bộ Thương mại Mỹ hôm 23/6 đã bổ sung 5 pháp nhân Trung Quốc vào sổ đen kinh tế của Hoa Kỳ vì các pháp nhân này bị cáo buộc cưỡng bức lao động ở Tân Cương, Nhà Trắng cho biết hôm 24/6, và nhắc lại cam kết mới đây của khối G-7 về việc làm trong sạch chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chính quyền của ông Biden cho biết lệnh cấm nhập khẩu cũng sẽ áp dụng cả với các sản phẩm sản xuất ở nước ngoài sử dụng vật liệu của Hoshine, bao gồm các tấm pin mặt trời được làm ở nước ngoài với chất liệu polysilicon của Hoshine.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas phát biểu tại một cuộc họp báo: "Không có chuyện chúng ta đạt các mục tiêu về môi trường trên lưng của những người phải sống trong môi trường lao động cưỡng bức. Chúng ta sẽ triệt phá nạn cưỡng bức lao động ở bất cứ nơi nào mà nó tồn tại".

Hoa Kỳ sẽ hạn chế xuất khẩu "hàng hóa, phần mềm và công nghệ" của Hoa Kỳ cho Hoshine, 3 công ty khác của Trung Quốc và Tập đoàn Xây dựng và Sản xuất Tân Cương (XPCC) gắn với quân đội Trung Quốc. Hoa Kỳ nói rằng 5 pháp nhân này dính líu vào nạn cưỡng bức lao động đối với người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở tỉnh Tân Cương của Trung Quốc.

Ba công ty cũng bị đưa vào Sổ đen kinh tế của Hoa Kỳ là Xinjiang Daqo New Energy, một thành phần Tập đoàn Daqo New Energy; Xinjiang East Hope Nonferrous Metals, một công ty con của đại tập đoàn East Hope Group có trụ sở ở Thượng Hải; và Xinjiang GCL New Energy Material, một thành phần của hãng GCL New Energy Holdings Ltd.

Nhà Trắng tuyên bố rằng "Những hành động này thể hiện cam kết của chúng tôi là buộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phải trả giá đắt hơn nữa cho việc họ tiến hành cưỡng bức lao động tàn nhẫn và vô nhân đạo, và nhằm đảm bảo rằng Bắc Kinh phải tuân theo các quy định về thương mại công bằng trong khuôn khổ trật tự quốc tế có nền tảng là các luật lệ".

Theo một báo cáo hôm 24/6 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở ở thủ đô Washington của Mỹ, Trung Quốc chiếm gần một nửa sản lượng polysilicon toàn cầu "do họ sử dụng cực kỳ nhiều năng lượng trong quy trình tinh chế và vì giá năng lượng của Tân Cương khá thấp, với thực tế là nguồn năng lượng này thải ra nhiều carbon", chứ không phải vì có nguồn nguyên liệu thô dễ khai thác. Bản báo cáo lưu ý rằng silicon là một trong những khoáng chất dồi dào nhất trên trái đất.

Bắc Kinh lâu nay vẫn bác bỏ các cáo buộc về nạn diệt chủng và cưỡng bức lao động ở Tân Cương, gọi những lời cáo buộc đó là lời lẽ dối trá.

VOA Express

XS
SM
MD
LG